OCOP tạo động lực phát triển kinh tế nông thôn

Kim Ngân| 09/03/2022 08:10

Chương trình OCOP đang trở thành động lực phát triển kinh tế nông thôn ở huyện Đắk Song. Thông qua OCOP, nhiều tổ chức, cá nhân trên địa bàn đã thay đổi cách thức sản xuất theo hướng hàng hóa, chất lượng cao.

Thời gian qua, huyện Đắk Song đã bố trí nguồn lực, tập trung triển khai Chương trình OCOP một cách sâu rộng. Đến hết năm 2021, Đắk Song đã có 6 sản phẩm được công nhận  OCOP hạng 3 sao.

Theo ông Lê Hoàng Vinh, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Đắk Song, sản phẩm tham gia OCOP không ngừng được các chủ thể hoàn thiện, nâng cấp, có sức cạnh tranh trên thị trường.

Đơn cử như HTX Hồ tiêu hữu cơ Bình Tiến, xã Hưng Bình, luôn chăm chút cho sản phẩm hồ tiêu hữu cơ đạt tiêu chuẩn OCOP hạng 3 sao. Cụ thể, ngoài chăm sóc vườn tiêu theo quy trình hữu cơ một cách nghiêm ngặt, HTX còn chú trọng đến khâu thu hoạch, bảo quản, phơi sấy.

Đến nay, HTX đã quy tụ được 63 thành viên, với diện tích sản xuất hơn 160 ha tiêu hữu cơ. Sản phẩm của HTX được các doanh nghiệp, nhà máy chế biến hồ tiêu xuất khẩu bao tiêu toàn bộ.

Sản xuất tiêu hữu cơ của thành viên HTX Hồ tiêu hữu cơ Bình Tiến, xã Hưng Bình (Đắk Song)

Theo ông Đồng Xuân Tiến, Giám đốc HTX Hồ tiêu hữu cơ Bình Tiến, sản phẩm tiêu của HTX được chứng nhận OCOP là một bước khẳng định về giá, vị thế trên thị trường.

Quan trọng hơn, thu nhập của từng thành viên HTX cũng được nâng cao nhờ có sản phẩm đạt chất lượng cao. Trong đó, có những thành viên đã trở nên khá giả, giàu có nhờ canh tác tiêu hữu cơ.

Cơ sở sản xuất cà phê bột Star coffee cũng có sản phẩm cà phê bột đạt tiêu chuẩn OCOP. Hiện cơ sở đã có 3 chuỗi cửa hàng được cấp chứng nhận rang xay, đáp ứng hơn 15 tấn cà phê bột/năm để cung cấp cho 60 cửa hàng bán sỉ, lẻ.

Cùng với đó, hằng năm, cơ sở còn cung cấp một lượng lớn cà phê nguyên chất ra các tỉnh, thành phố như: Hà Nội, Nghệ An, Đà Nẵng, Nha Trang, TP. Hồ Chí Minh…

Theo ông Nguyễn Hữu Tuấn, chủ cơ sở sản xuất cà phê bột Star coffee, chứng nhận OCOP giúp cơ sở có thêm tự tin để đầu tư phát triển chuỗi sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm.

Dây chuyền chế biến hạt tiêu ASTA của Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu tổng hợp 1 Việt Nam đứng chân trên địa bàn xã Trường Xuân (Đắk Song)

Theo ông Lê Hoàng Vinh, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Đắk Song, thời gian qua, huyện thường xuyên tổ chức truyền thông, nâng cao nhận thức, phương pháp, cách thức tiếp cận và triển khai Chương trình OCOP trên địa bàn.

Huyện đã tạo nên phong trào sâu rộng trong sản xuất, kinh doanh sản phẩm OCOP. Từ đó, kích thích tiêu thụ, thúc đẩy sản xuất, tạo động lực cho người sản xuất mạnh dạn đầu tư, phát triển các sản phẩm lợi thế của mỗi địa phương.

Trong giai đoạn 2021-2025, để đạt được kết quả toàn diện hơn, Đắk Song sẽ chú trọng nhiều hơn đến việc đổi mới, đẩy mạnh các hình thức tổ chức, liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị.

Huyện sẽ thu hút đầu tư, tạo điều kiện cho doanh nghiệp xây dựng vùng nguyên liệu tập trung, quy mô hàng hóa lớn, chất lượng cao, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm trên thị trường…

"Chương trình OCOP là giải pháp thích hợp, là chìa khóa cho địa phương thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển sản xuất và xây dựng nông thôn mới. Do đó, huyện Đắk Song luôn xem đây là cơ hội để thúc đẩy kinh tế nông thôn của địa phương phát triển", ông Vinh chia sẻ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
OCOP tạo động lực phát triển kinh tế nông thôn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO