Xác định rõ thế mạnh, hướng đi trong lộ trình phía trước

Nguyễn Xuân Thanh| 17/06/2016 10:25

Trong những ngày đầu thành lập, Đắk Song là một huyện nghèo, hạ tầng cơ sở còn yếu, đời sống nhân dân gặp rất nhiều khó khăn. Sau 15 năm (2001-2016), tuy chặng đường chưa đủ dài để huyện phát huy hết những tiềm năng, thế mạnh, song những kết quả đạt được đã ghi nhận một bước tiến dài trên lộ trình phát triển.

Lãnh đạo huyện Đắk Song thăm mô hình trồng bơ Booth tại xã Thuận Hà (Đắk Song). Ảnh: Đức Diệu

Những con số… “biết nói”

Năm 2001, cơ cấu kinh tế trên địa bàn huyện chủ yếu là nông - lâm nghiệp với tỷ trọng chiếm 90,6%; công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và xây dựng chiếm 7,6% và thương mại - dịch vụ chỉ chiếm  1,8% thì đến nay, con số này đã có sự chuyển dịch một cách ấn tượng theo chiều hướng tích cực.

Cụ thể, tỷ trọng ngành nông – lâm nghiệp giảm xuống còn 69% trong cơ cấu nền kinh tế; lĩnh vực công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp, xây dựng cũng đang chuyển dịch theo hướng tích cực với tỷ trọng 18% và lĩnh vực thương mại – dịch vụ chiếm 13%, từng bước đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và nhu cầu tiêu dùng của người dân trên địa bàn.

Từ một huyện gần như thuần nông thì đến năm 2015, trên địa bàn huyện đã có hàng chục công ty, doanh nghiệp ở các loại hình kinh doanh và khoảng 2.100 cơ sở kinh doanh thương mại – dịch vụ với tổng mức bán lẻ ước đạt 720 tỷ đồng.

Trong lĩnh vực thu ngân sách, nếu như năm đầu mới thành lập, tổng thu ngân sách trên địa bàn toàn huyện chỉ thực hiện được 1,7 tỷ đồng thì đến năm 2015, con số này đã lên tới 77,1 tỷ đồng, tăng 45,35 lần so với năm 2001.

Với những con số trên cho thấy, nền kinh tế của huyện đã có sự phát triển mạnh mẽ. Tốc độ tăng trưởng kinh kế bình quân trong giai đoạn 2010-2015 đạt 14%, cao hơn mức bình quân chung toàn tỉnh gần 2%; thu nhập bình quân đầu người hiện đạt 33 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo từ hơn 50% trong năm 2001 đến nay giảm xuống còn 14,2%; cơ sở vật chất - kỹ thuật được tăng cường, an ninh lương thực được bảo đảm.

Dễ thấy nhất là từ một huyện với cơ sở hạ tầng có xuất phát điểm gần như “mốc số không” thì nay, bộ mặt đô thị đến nông thôn đã có nhiều khởi sắc. Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội trên địa bàn huyện ngày càng được đầu tư xây dựng và nâng cấp.

Nhiều tuyến giao thông huyết mạch mới được mở ra, giao thông nông thôn, giao thông nội đồng ngày càng phát triển; trụ sở làm việc của các cơ quan, công trình điện, thủy lợi, cơ sở y tế và trường học được quan tâm đầu tư, đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt của nhân dân trên địa bàn và phục vụ tốt cho sự phát triển kinh tế, xã hội của huyện.

Đến nay, toàn huyện đã có 75,66% km đường thuộc địa phương quản lý được cứng hóa; 100% số xã có điện lưới quốc gia với 96,95% số hộ được dùng điện; 100% xã có đường giao thông kiên cố về trung tâm...

Lĩnh vực văn hóa, xã hội cũng đã có sự phát triển vượt bậc. Trong lĩnh vực giáo dục, hiện toàn huyện có 41 trường và 1 trung tâm giáo dục thường xuyên với đủ cả 3 cấp học, tăng gấp 4 lần so với năm 2001. Chất lượng giáo dục được nâng cao, tỷ lệ học sinh giỏi ngày càng tăng, tỷ lệ lên lớp và tốt nghiệp các cấp học đạt từ 98% trở lên. Mạng lưới y tế, cơ sở vật chất văn hóa, thể thao từng bước được củng cố, đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khỏe, sinh hoạt văn hóa, tinh thần của nhân dân.

Những con số trên tuy chưa xứng tầm với tiềm năng, thế mạnh nhưng cũng đủ nói lên sự nỗ lực, quyết tâm của các tầng lớp lãnh đạo, quân và dân huyện Đắk Song trên chặng đường xây dựng suốt 15 năm qua.

Khẳng định thế mạnh nông nghiệp

Qua 15 năm xây dựng và phát triển, bên cạnh những kết quả đạt được, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Đắk Song đã rút ra những bài học kinh nghiệm sâu sắc để xây dựng kế hoạch cho mục tiêu phát triển giai đoạn tiếp theo.

Trước hết, huyện sẽ tiếp tục bám sát mục tiêu, định hướng phát triển chung của tỉnh và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ IV, nhiệm kỳ 2015-2020 để phát triển đồng bộ trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng nhằm từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Bên cạnh đó, huyện xác định phát triển chuyên sâu ngành nông-lâm nghiệp, coi đây là thế mạnh để làm tiền đề cho sự phát triển hài hòa các lĩnh vực kinh tế, xã hội khác.

Toàn huyện có 15.355 ha cây trồng hằng năm như lúa, ngô, sắn, các loại rau, củ quả và 34.529 ha cây công nghiệp. Đặc biệt, những năm gần đây, các loại cây công nghiệp đang được phát triển theo hướng nâng cao hiệu quả canh tác, từng bước thay thế những loại cây trồng kém hiệu quả bằng các loại cây trồng khác phù hợp hơn. Cụ thể như cà phê hiện có 25.533 ha với sản lượng bình quân 60.994 tấn/năm; hồ tiêu 6.802 ha, sản lượng 8.965 tấn/năm; cao su 1.469 ha, sản lượng 1.262 tấn/năm.

Hiện tổng đàn gia súc trên địa bàn là 38.803 con; gia cầm, thủy cầm 295.160 con, tăng đều qua các năm và từng bước chuyển hóa theo hướng cải tạo giống mới, mô hình tập trung mang lại hiệu quả cao hơn. Từ đây, lĩnh vực nông nghiệp vẫn đang và sẽ là thế mạnh hàng đầu của địa phương trong chiến lược phát triển.

Tuy nhiên, để phát huy một cách có hiệu quả thế mạnh đó, trong thời gian tới, huyện tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao như đẩy mạnh ứng dụng khoa học, kỹ thuật tiên tiến, mang tính bền vững vào sản xuất; quy hoạch và quản lý tốt các vùng cây, con phù hợp với điều kiện tự nhiên và xã hội.

Đặc biệt, huyện sẽ tiếp tục quan tâm phát triển nông nghiệp theo chuỗi giá trị bằng việc kêu gọi, hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư xây dựng dây chuyền chế biến sản phẩm nông nghiệp sâu kết hợp với phát triển vùng nguyên liệu. Trước mắt, huyện đang xây dựng và phát triển chuỗi giá trị cây hồ tiêu bền vững, bước đầu mang lại triển vọng lớn.

Từ những kết quả đạt được trong 15 năm qua cũng như trên cơ sở tiềm năng, thế mạnh sẵn có, sự quyết tâm, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, hy vọng rằng, Đắk Song sẽ tiếp tục có thêm những bước tiến mới mang tính đột phá và ngoạn mục hơn nữa, trở thành một trong những điểm sáng nổi bật trên lộ trình phát triển chung của tỉnh và khu vực.

Huyện Đắk Song được thành lập theo Nghị định số 30/2001/NĐ-CP, ngày 21/6/2001 trên cơ sở tách ra từ 3 xã của huyện Đắk Mil và 2 xã của huyện Đắk Nông cũ (nay là thị xã Gia Nghĩa) với diện tích tự nhiên là 80.646,24 ha. Hiện nay, huyện đã có 9 đơn vị hành chính, 110 thôn, bon, bản, tổ dân phố với hơn 75.000 nhân khẩu, 23 dân tộc cùng sinh sống.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xác định rõ thế mạnh, hướng đi trong lộ trình phía trước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO