Chấn chỉnh, thúc đẩy kinh tế tập thể phát triển

Đức Hùng| 15/01/2015 09:11

Theo thống kê, trên địa bàn huyện Krông Nô hiện có gần 120 đơn vị kinh tế tập thể; trong đó, có 34 tổ hợp tác và 84 hợp tác xã (HTX) hoạt động, với khoảng hơn 3.100 thành viên tham gia.

Hoạt động của các đơn vị kinh tế tập thể chủ yếu theo các ngành nghề: trồng trọt, chăn nuôi, dịch vụ nông nghiệp, nông nghiệp tổng hợp, công nghiệp, vận tải, cấp nước sinh hoạt. Qua nhiều năm hoạt động, một số HTX, tổ hợp tác đã phát huy được vai trò của mình trong việc ứng dụng có hiệu quả các tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao hiệu quả sản xuất và đặc biệt là từng bước hình thành việc liên doanh, liên kết, bảo đảm đầu ra ổn định cho nông dân.

Tuy nhiên, theo đánh giá của huyện thì mặc dù số lượng mô hình kinh tế tập thể có nhiều, nhưng quy mô hoạt động còn có phần manh mún, nhỏ lẻ. Vì trước đây, các mô hình kinh tế tập thể được thành lập theo “phong trào”, nhưng chưa có quy chế, chất lượng hoạt động chưa tốt. Nhiều đơn vị chưa đáp ứng được thu nhập cho các thành viên, chưa tính đến lợi nhuận, dẫn đến thu không bằng chi.

Bên cạnh đó, một số HTX nông nghiệp quy mô nhỏ, nguồn lực hỗ trợ chưa nhiều, vốn đóng góp của các thành viên trên danh nghĩa, chứ tài sản thực tế khá khiêm tốn. Bình quân mỗi HTX có 340 triệu đồng, trong đó tài sản cố định chiếm 22,5% và vốn lưu động chiếm 77,5%, nhưng chỉ tồn tại chủ yếu trên sổ sách, giấy tờ.

Nhìn chung, các HTX còn gặp nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và hỗ trợ các thành viên. Vì vậy, hiện có 4 HTX nông nghiệp và trồng trọt, 6 HTX cấp nước sinh hoạt, 3 HTX công nghiệp và xây dựng, 4 HTX vận tải, du lịch, thương mại dịch vụ... phải ngưng hoạt động.

Theo ông Đỗ Doãn Lộc, Trưởng Phòng Nông nghiệp-PTNT huyện Krông Nô thì để kinh tế tập thể đóng góp nhiều cho kinh tế địa phương, trong điều kiện hiện nay thì việc chấn chỉnh, thúc đẩy kinh tế tập thể phát triển là điều cần thiết.

Ngoài có thêm những chính sách ưu đãi,  về phía huyện cũng đang tích cực kiện toàn, sắp xếp, định hướng để các đơn vị kinh tế tập thể hoạt động hiệu quả. Cùng với việc khuyến khích thành lập những HTX mới theo nhu cầu thực tế tại địa phương và phù hợp với nguyện vọng của các thành viên tham gia, huyện cũng “mạnh tay” giải thể những HTX hoạt động không hiệu quả.

Việc chấn chỉnh, liên kết trong sản xuất, kinh doanh theo mô hình kinh tế tập thể là một xu thế tất yếu trong nền sản xuất hàng hóa theo cơ chế thị trường, nhằm góp phần nâng cao thu nhập, ổn định và phát triển đời sống của người dân. Đặc biệt, trong tiêu chí 13 về xây dựng nông thôn mới, trên địa bàn xã nông thôn mới phải có tổ hợp tác hoặc HTX hoạt động có hiệu quả.

Vì vậy, cùng với sự hỗ trợ của chính quyền, ngành chức năng, các HTX phải tổ chức lại hoạt động, mạnh dạn xây dựng thương hiệu hàng hóa, đăng ký chất lượng và tổ chức sản xuất, áp dụng kỹ thuật công nghệ cao nhằm cho ra những sản phẩm hàng hóa, dịch vụ phục vụ cho nhu cầu thị trường, có hướng phát triển ổn định, bền vững, tạo được uy tín, niềm tin trong nội bộ thành viên.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chấn chỉnh, thúc đẩy kinh tế tập thể phát triển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO