Chủ động các phương án phòng chống thiên tai, lũ lụt

Ngọc Lê| 10/07/2014 09:23

Theo Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn huyện Krông Nô, trong năm 2013 và những tháng đầu năm 2014, tình hình thời tiết trên địa bàn huyện diễn biến tương đối phức tạp, làm ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống và tình hình sản xuất của nhân dân.

Ngoài hạn hán diễn ra trên diện rộng, trên  địa bàn huyện còn xảy ra 1 trận lốc xoáy ở thị trấn Đắk Mâm gây thiệt hại đáng kể về tài sản của nhân dân. Trên địa bàn 4 xã gồm: Buôn Choáh, Nâm N’đir, Đức Xuyên, Đắk Nang cũng bị sạt lở đất ở bờ sông, bờ suối làm mất đất canh tác của người dân…

Vì vậy, để bảo đảm an toàn về tính mạng, vật chất của nhân dân trong mùa mưa lũ, hiện nay, huyện đã chủ động xây dựng các phương án phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người, tài sản do thiên tai gây ra.

Cán bộ Chi nhánh Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi Krông Nô kiểm tra đập tràn tại thôn Nam Thắng, xã Nam Đà

Theo đó, với phương châm “chủ động phòng tránh, đối phó kịp thời, khắc phục hậu quả”, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn cấp huyện và các xã, thị trấn đã được kiện toàn. Cùng với đó, các phòng chuyên môn, các thành viên trong Ban chỉ huy được giao nhiệm vụ cụ thể để kiểm tra, đánh giá chính xác các công trình phòng chống lụt bão, hồ chứa nước, việc di dân ở những khu vực có nguy cơ sạt lở, công trình chống xói lở bờ sông, suối; đồng thời, phối hợp với các xã, thị trấn xác định, khoanh vùng trọng điểm có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất để khẩn trương xây dựng phương án di dời dân cư đến nơi an toàn.

Cụ thể như Phòng Nông nghiệp - PTNT, với vai trò là cơ quan thường trực của Ban chỉ huy phòng chống lụt bão có trách nhiệm thường xuyên theo dõi diễn biến về thời tiết, các thông tin từ trên xuống và dưới lên để tham mưu và đề xuất những biện pháp kịp thời trước mọi tình huống thiên tai xảy ra. Đối với Chi nhánh Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi huyện cũng cắt cử cán bộ, nhân viên trực 24/24 giờ trên tất cả các công trình hồ, đập do mình quản lý nhằm chủ động theo dõi, nắm bắt chặt chẽ diễn biến tình hình thời tiết mưa lũ, khí tượng thủy văn.

Bên cạnh đó, việc tra dầu mỡ cho các thiết bị đóng mở tại cửa cống đầu mối, van xả lũ, khơi thông dòng chảy tại các kênh mương cũng được thường xuyên triển khai nhằm đảm bảo an toàn các hệ thống công trình trên địa bàn. Về phía Công ty thủy điện Buôn Kuốp cũng thường xuyên thông tin, nhất là lịch xả lũ để đảm bảo an toàn hồ đập khi lượng nước dâng cao cũng như tổ chức kiểm tra, cảnh báo kịp thời để người dân ven sông, ở hạ lưu lòng hồ thủy điện phòng tránh, không để gây thiệt hại.

Bên cạnh đó, công ty còn có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng của huyện xây dựng phương án vận hành, điều tiết lượng nước cũng như việc xây dựng các biển cảnh báo nguy hiểm trên khu vực lồng hồ, những nơi nước sâu… để người dân phòng tránh. Tại cơ sở, UBND các xã, thị trấn cũng đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục cho nhân dân về tác hại của thiên tai lũ lụt, sạt lở đất, lũ quét, lốc xoáy để chủ động cách phòng tránh, tổ chức cứu hộ, cứu nạn, không chủ quan, sơ suất, gây ảnh hưởng đến tài sản và tính mạng.

Đối với những người đang sử dụng phương tiện đường thủy cũng được tập huấn, cấp chứng chỉ hành nghề. Các phương tiện thủy, nhất là các phương tiện hoạt động vận chuyển hành khách và hàng hóa qua sông phải có chứng chỉ điều khiển phương tiện và được trang bị đầy đủ phao cứu sinh, áo phao cho hành khách…  

Hiện nay, tại các các điểm có nguy cơ xảy ra lũ quét như: Nâm N’đir, Đắk Nang, Quảng Phú, Đức Xuyên, huyện đã triển khai cụ thể, tỉ mỉ các phương án bảo đảm an toàn cho nhân dân. Khi có thông tin thời tiết diễn biến phức tạp thì ngay lập tức thông tin cho người dân qua các “kênh” như: loa phóng thanh, truyền miệng…

Bên cạnh đó, các cán bộ chuyên môn còn thường xuyên đi kiểm tra các điểm có nguy cơ xảy ra sạt lở để nắm bắt tình hình, có phương án kịp thời di dời dân đến vùng an toàn. Tại những nơi vùng trũng hoặc các khu vực ven sông như: Buôn Choáh, Quảng Phú, Đắk Nang, Đức Xuyên, Nâm N’đir…có khả năng bị ngập lũ thì được chính quyền địa phương quy hoạch, di dời nhân dân lên vùng cao để tránh lũ.

Tại mỗi thôn đều thành lập một đội cứu hộ, cứu nạn và được trang bị một xuồng ca nô, áo phao, phao cứu sinh cùng với thuyền của nhân dân sẵn sàng ứng phó trước mọi tình huống thiên tai, lũ lụt. Để đảm bảo an toàn giao thông trong mùa mưa lũ, tại các điểm có nguy cơ xảy ra sạt sở, gây ách tắc giao thông cũng được huyện báo cáo các ngành chức năng của tỉnh sớm đưa ra các phương án khắc phục.

Mặt khác, đối với người dân có đất sản xuất trải dọc bờ sông, ở những nơi dễ xảy ra lũ lụt thì huyện cũng đã khuyến cáo không sản xuất vụ thu đông để tránh nguy cơ bị thiệt hại, mất trắng…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chủ động các phương án phòng chống thiên tai, lũ lụt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO