Đa dạng hình thức tuyên truyền trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số

21/09/2012 15:20

Hiện nay, trên địa bàn huyện Krông Nô có 5355 hộ đồng bào dân tộc thiểu số, với 25.571 khẩu, sinh sống ở 101 thôn, bon, buôn. Để đưa những chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, kiến thức về đời sống, văn hóa, xã hội đến với đồng bào, huyện đã có nhiều hình thức tuyên truyền, phổ biến khá đa dạng, phong phú...

ADQuảng cáo

Hiện nay, trên địa bàn huyện Krông Nô có 5355 hộ đồng bào dân tộc thiểu số, với 25.571 khẩu, sinh sống ở 101 thôn, bon, buôn. Để đưa những chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, kiến thức về đời sống, văn hóa, xã hội đến với đồng bào, huyện đã có nhiều hình thức tuyên truyền, phổ biến khá đa dạng, phong phú. Cụ thể như qua các “kênh” thông tin lưu động, chiếu bóng lưu động, văn nghệ quần chúng, qua dòng họ, già làng, trưởng bon, buôn, người có uy tín trong cộng đồng…

 Ảnh: Báo Đắk Nông

Hằng năm, huyện tổ chức được khoảng 30 buổi chiếu phim lưu động, biểu diễn 25 buổi văn nghệ quần chúng phục vụ đồng bào các dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng khó khăn. Trong các buổi chiếu phim, Đội chiếu bóng lưu động huyện thường xuyên lồng ghép các nội dung tuyên truyền, phổ biến cách chăm sóc trẻ em, bảo vệ môi trường, kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, chương trình xây dựng nông thôn mới…

Nhiều phim tài liệu tuyên truyền còn được dịch sang tiếng đồng bào để người dân dễ dàng tiếp nhận thông tin. Các chương trình văn nghệ quần chúng thì được Phòng Văn hóa –Thông tin huyện phối hợp với các địa phương tổ chức ngay tại các thôn, bon để đồng bào có điều kiện tham gia, thưởng thức.

Được gắn với văn hóa từng dân tộc trên địa bàn nên các chương trình, tiết mục văn nghệ  luôn gần gũi với đồng bào, phục vụ hiệu quả nhiệm vụ chính trị. Ngoài ra, tại các thôn, bon, buôn đều có các câu lạc bộ, đội văn nghệ quần chúng cũng tham gia tích cực vào công tác tuyên truyền ở các địa bàn phức tạp, cần tăng cường hoạt động văn hóa, văn nghệ.

Điển hình như các đội văn nghệ ở các xã Nam Xuân, Quảng Phú, Đắk Sô, Bon Choáh, Nam Đà…thường xuyên kết hợp với phòng để tổ chức các hoạt động văn nghệ tuyên truyền. Các chương trình, chiến dịch cần tổ chức phát động, vận động thì bằng phương tiện xe truyền thanh lưu động trực tiếp đi xuống từng địa bàn để tuyên truyền.

ADQuảng cáo

Đài truyền thanh huyện, mỗi tuần cũng luôn có 2 buổi phát tiếng M’nông cũng như tiếp phát chương trình tiếng đồng bào của Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh. Các trưởng thôn, bon, già làng, người có uy tín trong cộng đồng, bằng uy tín, sự hiểu biết của mình cũng tích cực trong việc tuyên truyền, vận động đồng bào từ những việc nhỏ nhất để thắt chặt tình làng nghĩa xóm, đoàn kết, cùng nhau làm ăn, phát triển.

Có những già làng không ngại khó, ngại khổ luôn gần gũi với đồng bào để tìm hiểu, nói những điều hay lẽ phải, giúp bà con nhận ra được việc gì nên làm, việc gì cần tránh, nhất là không nghe theo lời xúi giục, kích động, chia rẽ của những kẻ xấu vẫn còn lẩn khuất đây đó trong bon làng.

Có thể nói, bằng những hình thức tuyên truyền phong phú, linh hoạt và dễ hiểu, dễ nhớ đã mang lại những thay đổi lớn trong nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn. Cùng với việc chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, địa phương, bà con đã xóa bỏ các hủ tục, xây dựng đời sống văn hóa mới, biết sử dụng nước sạch trong sinh hoạt, biết làm lúa nước, đưa khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất, nuôi trồng, xây dựng các mô hình kinh tế mang lại hiệu quả.

Ý thức bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc cũng ngày càng được nâng cao. Điển hình như ở bon Ja Rá, xã Nam Nung, các nghi thức, hoạt động lễ hội của dân tộc M’nông, nghệ nhân hát dân ca, chế tác nhạc cụ còn được lưu giữ khá trọn vẹn, nhất là bon còn lưu giữ được gần 20 bộ cồng chiêng. Ngoài ra, nhiều người dân như gia đình Y Thanh còn mua và lưu giữ được 2 bộ chiêng, nhiều loại ché, trang phục truyền thống…

Theo Phòng Văn hóa- Thông tin huyện thì các hoạt động tuyên truyền dù ở hình thức nào cũng luôn bám sát các nhiệm vụ chính trị, góp phần không nhỏ trong việc đưa chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến đông đảo đồng bào, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần, xây dựng bon làng ngày càng khởi sắc, đổi mới.

Tổ chức các lớp truyền nghề truyền thống

Phòng Văn hóa-Thông tin huyện Krông Nô đang tổ chức các lớp truyền nghề truyền thống như đan gùi, làm cây nêu và chế tác, sử dụng nhạc cụ cho người dân trên địa bàn.

Theo đó, lớp dạy đan lát, làm cây nêu được tổ chức tại bon Ja Rá, xã Nâm Nung, có 15 học viên tham gia, do nghệ nhân Y Thanh truyền dạy, dự kiến trong 3 tháng. Lớp chế tác và sử dụng nhạc cụ từ tre nứa, được tổ chức tại buôn Sưk, xã Quảng Phú, có 15 học viên tham gia, do nghệ nhân Y Vang truyền dạy, dự kiến trong 35 buổi.

Bài, ảnh: Đức Hùng

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đa dạng hình thức tuyên truyền trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO