Đẩy mạnh phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất

Đức Hùng| 14/05/2015 09:51

Người sản xuất giảm chi phí, tăng năng suất, hiệu quả đầu tư; người tiêu dùng sử dụng sản phẩm an toàn, môi trường được bảo vệ, đó là những kết quả sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 50-CT/TƯ ngày 4/3/2005 của Ban Bí thư Trung ương Đảng “Về việc đẩy mạnh phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” tại huyện Krông Nô.

ADQuảng cáo

Theo đó, thực hiện Chỉ thị số 50, thời gian qua, ngành Nông nghiệp huyện Krông Nô đã tích cực triển khai thực hiện các mô hình khảo nghiệm các giống mới, năng suất cao, kháng bệnh để sưu tầm, tuyển chọn đưa vào sản xuất.

Cụ thể, đối với cây lúa, huyện đã xây dựng mô hình cánh đồng mẫu tại xã Buôn Choáh từ vụ đông xuân 2012-2013. Qua đó, quy trình kỹ thuật tiên tiến phục vụ sản xuất lúa được hoàn thiện như: ứng dụng IPM, kỹ thuật “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm”, sử dụng phân bón, chế phẩm sinh học, thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả.

Với việc áp dụng đồng bộ các giải pháp khoa học kỹ thuật tiên tiến, mô hình cánh đồng mẫu tại xã Buôn Choáh mang lại hiệu quả kinh tế cao

Nông dân được trang bị kỹ năng phân tích hệ sinh thái ruộng lúa, kết hợp kiểm tra, hướng dẫn ghi chép diễn biến sản xuất, tình hình dịch hại. Từ việc áp dụng đồng bộ các giải pháp khoa học kỹ thuật tiên tiến đã mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn lúa ngoài mô hình từ 14-16 triệu đồng. Bên cạnh đó, các mô hình khuyến nông gieo sạ các giống lúa lai, lúa thuần có năng suất cao, chất lượng tốt cũng được triển khai đại trà, đem lại hiệu quả kinh tế.

Công nghệ sinh học còn được ứng dụng trong việc thực hiện quy trình chọn giống sạch bệnh, có khả năng chống chịu sâu bệnh cao; phòng trừ sâu bệnh tổng hợp, hạn chế thuốc bảo vệ thực vật, sử dụng chế phẩm sinh học (sử dụng nấm xanh) để phát triển sản xuất an toàn. Mới đây, sản phẩm lúa gạo Krông Nô đã được chứng nhận đạt chuẩn VietGAP đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm và nâng cao hiệu quả kinh tế cho người sản xuất.

Đối với cây ngô, các mô hình áp dụng công nghệ sinh học cũng góp phần đào tạo được hàng chục hộ dân có tay nghề cao, nắm rõ kỹ thuật sản xuất hạt giống ngô F1 cũng như giúp nông dân biết tuyển chọn các giống ngô phù hợp đưa vào sản xuất đại trà.

Một ứng dụng điển hình trong công nghệ sinh học hiện đại là việc ứng dụng các giống ngô biến đổi gen, đã được  Sở Nông nghiệp - PTNT đồng ý tiến hành khảo nghiệm. Đồng thời, trong thời gian tới, ngành nông nghiệp huyện cũng sẽ triển khai mô hình sản xuất ngô biến đổi gen (kháng sâu đục thân, kháng thuốc trừ cỏ) đã được Bộ Nông nghiệp - PTNT công nhận sản xuất đại trà.

ADQuảng cáo

Mô hình sản xuất giống ngô lai F1 tại xã Đức Xuyên. Ảnh: Đức Hùng

Đối với các cây công nghiệp dài ngày, huyện đã thực hiện việc sưu tầm, tuyển chọn, duy trì và phát triển nguồn giống cà phê, tiêu, cao su... và ứng dụng công nghệ ghép chồi để cải tạo, nhân giống. Công nghệ sinh học cũng được ứng dụng trong sản xuất, chăm sóc, bảo vệ cây trồng, bảo quản và chế biến sản phẩm; sử dụng các loại chế phẩm sinh học để ủ các loại phế phẩm làm phân bón hữu cơ bón cho cây trồng. Công nghệ sinh học còn được áp dụng để xây dựng các mô hình trồng nấm ăn, nấm dược liệu...  

Trong chăn nuôi gia súc, gia cầm, công nghệ sinh học đã được áp dụng trong việc thực hiện chương trình lai tạo và phát triển đàn bò. Hiện nay, tỷ lệ đàn bò lai chiếm 70% tổng đàn của huyện. Ngoài ra, các công nghệ lai mới cũng được triển khai trên các loại vật nuôi như: heo lai, các giống gà siêu thịt, siêu trứng, thông qua việc xây dựng các mô hình trang trại để sản xuất hàng hóa phục vụ nhu cầu của thị trường.

Việc sử dụng các chế phẩm sinh học xử lý phế phẩm nông nghiệp như rơm rạ, thân ngô... để ủ làm thức ăn cho trâu bò cũng được nông dân quan tâm. Hướng tới chăn nuôi thân thiện với môi trường, ngành nông nghiệp đã vận động, tuyên truyền, hướng dẫn xây dựng các mô hình chăn nuôi có đệm lót sinh học và xử lý chất thải chăn nuôi bằng ứng dụng công nghệ Biogas... Bên cạnh đó, trong lĩnh vực thủy sản, huyện cũng xây dựng các mô hình nuôi cá rô phi đơn tính, cá lăng đuôi đỏ…

Triển khai mô hình nuôi cá rô phi đơn tính, giúp nông dân có thêm nghề mới

Theo ông Doãn Gia Lộc, Trưởng Phòng Nông nghiệp - PTNT huyện Krông Nô thì việc ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất đã mang lại nhiều lợi ích cho người dân, góp phần tăng năng suất, hiệu quả đầu tư. Cụ thể nhất đó là việc sử dụng các giống cây trồng năng suất cao, chiết, ghép, lai tạo cây, điều tiết mùa vụ để các loại cây trồng ra hoa, đậu quả trái vụ mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Các loại cây trồng ghép đã giúp người dân giảm chi phí, rút ngắn thời gian đầu tư, sớm ra hoa, đậu quả. Ngoài ra, công nghệ sinh học cũng được áp dụng sau thu hoạch để bảo quản sản phẩm, đảm bảo chất lượng khi bán ra thị trường. Trong thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục xây dựng các mô hình ứng dụng công nghệ sinh học và nhân rộng những mô hình phù hợp, hiệu quả, góp phần phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững, an toàn.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đẩy mạnh phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO