Giúp nông dân nâng cao chất lượng vườn cà phê

Kim Ngân| 15/11/2013 09:50

Theo UBND huyện Krông Nô thì toàn huyện có trên 15.000 ha cà phê; trong đó, có khoảng 1.240 ha cà phê trồng từ năm 1998 trở về trước, nay đã bước vào giai đoạn già cỗi. Do đó, thời gian qua, huyện đã triển khai nhiều giải pháp, giúp người dân tái canh, nâng cao chất lượng vườn cây, phát triển cà phê theo hướng bền vững.

Ông Nguyễn Văn Phước ở thôn Nam Trung, xã Nam Ðà cho biết: “Qua canh tác, thu hoạch nhiều năm, vườn cà phê hơn 2 ha của gia đình tôi đã ngày càng già cỗi, năng suất thấp. Vì vậy, được sự khuyến cáo của chính quyền, trong 4 năm trở lại đây, gia đình tôi đã quyết định tái canh bằng việc mua giống cà phê TR5 của Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên về ghép dần cho vườn cà phê của mình. Ðiều đáng mừng là một số diện tích ghép từ năm 2009, vụ này không chỉ cho năng suất khá cao mà trọng lượng, chất lượng hạt cà phê cũng vượt trọi so với giống cà phê trồng trước đây”.

Nhờ sử dụng loại giống có chất lượng nên vườn cà phê trên 2 ha của ông Nguyễn Viết Việt ở thôn Đức Lập, xã Đắk D'rô đạt năng suất cao

Theo UBND xã Nam Ðà thì những năm gần đây, hầu hết nông dân trên địa bàn đều tập trung đầu tư nâng cao chất lượng vườn cà phê của mình. Ngoài việc tổ chức tập huấn kỹ thuật thì xã cũng đã khuyến khích nông dân nên áp dụng phương pháp ghép chồi, trồng mới với những giống có năng suất, chất lượng cao. Ðược hướng dẫn áp dụng kỹ thuật chăm sóc, ghép chồi, trồng mới bằng các giống cà phê có chất lượng nên vườn cây của nhiều hộ gia đình hiện đã đạt năng suất khá cao và ổn định.

Theo ông Nguyễn Văn Quốc, Trưởng Phòng Nông nghiệp – PTNT huyện thì để góp phần “tiếp sức” cho nông dân trong quá trình cải tạo, nâng cao chất lượng vườn cà phê, trên cơ sở đề án quy hoạch chi tiết về xây dựng nông thôn mới, huyện đã tiến hành đầu tư các cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất.

Ðồng thời, huyện cũng đã xây dựng kế hoạch huy động nguồn vốn cho đầu tư thâm canh cây cà phê từ vay vốn các tổ chức tín dụng và các nguồn hỗ trợ khác. Riêng đối với 1.240 ha cà phê trồng trước năm 1998, do hầu hết đều sử dụng giống cũ, năng suất thấp, huyện tập trung vận động người thực hiện tái canh bằng giống có năng suất, chất lượng được chứng nhận.

Cùng với nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước, huyện cũng xúc tiến kêu gọi các doanh nghiệp tham gia cung ứng hạt giống, chuyển giao quy trình kỹ thuật để người dân tự thực hiện tái canh, phấn đấu mỗi năm triển khai 30% diện tích và hoàn thành vào năm 2015.

Ðối với số diện tích hơn 13.500 ha còn lại, trên cơ sở tiêu chí quy định về phân loại cây cà phê, các ngành chuyên môn của huyện cũng hướng dẫn người dân tự đánh giá, xếp loại và đăng ký tham gia cải tạo, tác động các biện pháp kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng vườn cà phê.

Trong đó, ngành Nông nghiệp huyện luôn là cầu nối để giúp người dân tiếp cận với nguồn chồi ghép là các dòng vô tính đã được khu vực hóa như TR4, TR5, TR9, TR10…để ghép cải tạo vườn cây. Huyện cũng phối hợp với các viện khoa học, trường đại học… chuyển giao kỹ thuật ghép chồi, tạo tán, ủ phân vi sinh từ vỏ cà phê, xác bã nông sản và quản lý sâu bệnh tổng hợp cho nông dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giúp nông dân nâng cao chất lượng vườn cà phê
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO