Hiệu quả từ chương trình ghép chồi, cải tạo vườn cà phê

Hưng Nguyên| 13/11/2014 09:48

Từ cuối năm 2007, huyện Krông Nô triển khai chương trình ghép chồi cải tạo vườn cà phê già cỗi, năng suất thấp ở một xã trên địa bàn. Đến nay, những vườn này đã mang lại hiệu quả thiết thực, năng suất đạt từ 5-6 tấn/ha. Nhiều vườn được chăm sóc, bón phân, cắt tỉa cành đúng kỹ thuật năng suất đạt trên 7 tấn/ha.

ADQuảng cáo

Theo ông Nguyễn Văn Quang, Trưởng Trạm khuyến nông - khuyến ngư huyện Krông Nô thì để chủ động cung cấp chồi giống cho nông dân trên địa bàn với giá rẻ, thời gian qua, Trạm đã xây dựng vườn ươm chồi với diện tích 500 m2 tại xã Nam Đà, với một số giống cà phê thuộc dòng vô tính TR4, TR5, TR7 có đặc điểm quả to, nhân đều và kháng được bệnh rỉ sắt.

Sau thành công của nhiều mô hình trên địa bàn, hiện nay, có nhiều nông dân đã áp dụng kỹ thuật ghép chồi để cải tạo vườn cà phê của gia đình mình theo hướng nâng cao chất lượng, năng suất. Tính từ cuối năm 2007 đến nay, 900 hộ nông dân ở các xã Nam Đà, Đắk D’rô, Tân Thành, Nâm Nung, Nâm N’đir và thị trấn Đắk Mâm đã triển khai ghép được gần 1.000 ha cà phê và hầu hết đều sinh trưởng, phát triển tốt.

Đơn cử như ông Phan Văn Nhiệm ở thôn Nam Nghĩa, xã Nam Đà có 2 ha cà phê thì cách đây 7 năm, trước tình trạng cà phê già cỗi, năng suất thấp, thường xuyên bị bệnh rỉ sắt đã được cán bộ khuyến nông huyện tư vấn kỹ thuật cải tạo vườn bằng cách cưa gốc ghép chồi.

Ở thời điểm đó, cách làm này khá mới mẻ, nhưng ông vẫn mạnh dạn thực hiện và ban đầu thử nghiệm  trên 250 cây cà phê. Chỉ sau 2 năm, những cây cà phê ghép  phát triển tốt, bắt đầu cho thu hoạch, với ưu điểm vượt trội như: quả to, chín đều, vỏ mỏng, nhân dày và ít sâu bệnh. Thấy hiệu quả thiết thực, nên mấy năm sau, ông Nhiệm từng bước thực hiện cải tạo vườn cây theo kiểu cây nào bị bệnh, năng suất thấp, rụng trái non thì ghép chồi trước.

Đến nay, gia đình ông đã ghép được khoảng 95% diện tích vườn cà phê, theo tính toán, vụ cà phê năm nay, ước thu  được khoảng 12-13 tấn cà phê nhân.

ADQuảng cáo

Vườn cà phê được cải tạo bằng phương pháp ghép chồi của gia đình ông Nhiệm ở xã Nam Đà cho năng suất  cao

Ông Nhiệm cho biết: “Việc đưa giống cà phê chất lượng cao, với nhiều ưu điểm vượt trội vào cải tạo đã giúp vườn cây tăng năng suất, giảm chi phí đầu tư phân bón, thuốc trừ sâu. Việc thu hái cũng rất thuận lợi do cà phê trái to, không dai. Với việc diện tích đất đai không thể tăng lên được thì vấn đề áp dụng khoa học kỹ thuật, giống mới là cách làm mang lại hiệu quả, thiết thực nhất cho người trồng cà phê như gia đình tôi hiện nay”.

Tương tự, gia đình anh Lữ Văn Bốn, thôn Đắk D'rô, xã Tân Thành thì từ năm 2011, sau khi tham gia tập huấn, cũng đã bước đầu ghép chồi cho 5 sào trong tổng số 2,6 ha cà phê của mình. Chỉ sau 2 năm, vườn cây phát triển tốt, ít sâu bệnh, quả to, tuy mới thu bói, nhưng năng suất  đạt đến 5tạ/sào. Vì vậy, gia đình anh đang tiếp tục từng bước thực hiện việc ghép chồi, cải tạo toàn bộ vườn cà phê của mình.

Theo thống kê, trên địa bàn huyện hiện có gần 17.000 ha cà phê; trong đó, diện tích kinh doanh là 14.290 ha. Tuy nhiên, diện tích cà phê thuộc diện già cỗi, năng suất thấp cũng chiếm khá nhiều. Vì vậy, hiện nay, huyện đã và đang tích cực tuyên tuyền, vận động nông dân phá bỏ dần những diện tích cà phê già cỗi để cải tạo theo hình thức ghép chồi bằng những giống cà phê mới, nhằm đem lại năng suất, chất lượng cao.

Các ngành chuyên môn phối hợp với các địa phương cũng triển khai xây dựng nhiều mô hình trình diễn để nông dân tham quan, học tập kinh nghiệm, áp dụng vào cải tạo lại vườn cà phê của gia đình mình. Nông dân cũng được tập huấn về cách tưới nước tiết kiệm, bón phân cân đối, hợp lý, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho cây cà phê… để tổ chức sản xuất ngày càng đạt hiệu quả hơn.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hiệu quả từ chương trình ghép chồi, cải tạo vườn cà phê
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO