Krông Nô tháng Tám năm 1945

Lịch sử của Đảng bộ và nhân dân huyện Krông Nô| 24/08/2012 15:25

Từ những nhân mối đầu tiên trong binh lính người Ê đê, M’nông ở các nhà tù Buôn Ma Thuột, Đắk Mil đến cả một đội ngũ gần 500 binh lính có vũ trang người Ê đê, M’nông, Gia Rai và 3.000 quần chúng cách mạng các dân tộc anh em từ các quận huyện nô nức tham gia vào cuộc biểu tình lật đổ chính quyền thực dân, phong kiến ở thị xã Buôn Ma Thuột...

Từ những nhân mối đầu tiên trong binh lính người Ê đê, M’nông ở các nhà tù Buôn Ma Thuột, Đắk Mil đến cả một đội ngũ gần 500 binh lính có vũ trang người Ê đê, M’nông, Gia Rai và 3.000 quần chúng cách mạng các dân tộc anh em từ các quận huyện nô nức tham gia vào cuộc biểu tình lật đổ chính quyền thực dân, phong kiến ở thị xã Buôn Ma Thuột và các buôn, xã trên địa bàn Krông Nô từ ngày 20 đến 24/8/1945 và hàng trăm cán bộ người dân tộc tham gia chính quyền, các đoàn thể cách mạng thuộc Mặt trận Việt Minh từ cấp tỉnh đến tận các tổng xã, buôn làng sau Cách mạng Tháng Tám.

Một góc thị trấn Đắk Mâm (Krông Nô) hôm nay. Ảnh: Y KRăk

Đó là kết quả cụ thể của cả một quá trình tuyên truyền, vận động cách mạng của các chiến sĩ cách mạng, các đảng viên thuộc hai chi bộ nhà tù Đắk Mil và Buôn Ma Thuột, sự giác ngộ và tích cực hưởng ứng của quần chúng người Thượng tại địa phương hồi bấy giờ.

Trên địa bàn Krông Nô, ngay sau khi giành chính quyền (24/8/1945), dưới sự lãnh đạo của Đảng, ta khẩn trương đưa cán bộ về các buôn để xây dựng chính quyền, các đoàn thể cứu quốc và lực lượng tự vệ. Kể từ các cụ già làng đến thanh niên, tráng niên người M’nông, Ê đê ở Đắk D’rô, Đắk Sô, Đắk Mâm, Nâm Nung, Nam Ka v.v… đều hăng hái tham gia các tổ chức cách mạng, tổ chức dân quân tự vệ, canh gác buôn làng, bảo vệ chính quyền và ghi tên tòng quân, nhập ngũ vào các lực lượng vũ trang cách mạng tại địa phương.

Ngày 2/9/1945, tại vườn hoa Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời trịnh trọng đọc Tuyên Ngôn Độc Lập, tuyên bố trước đồng bào toàn quốc và các nước trên thế giới rằng: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập và thực sự đã trở thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy…”.

Cùng với đồng bào các dân tộc anh em trong cả nước, người M’nông, Ê đê và người Kinh trên địa bàn huyện Krông Nô và toàn tỉnh Đắk Lắk từ đây bắt đầu một cuộc sống mới của một người dân trên một nước độc lập và tự do.

Từ khi giành được chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám cho đến khi bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trở lại xâm lược nước ta, nhân dân các dân tộc anh em trên địa bàn Đắk Lắk nói chung, Krông Nô nói riêng chỉ được hưởng một trăm ngày hòa bình để xây dựng chế độ mới, cuộc sống mới.

Trong thời gian quá ngắn ngủi đó, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, dựa vào uy tín của Hồ Chủ tịch, phát huy nhiệt tình cách mạng của quần chúng và vận dụng chính sách dân tộc của Đảng, ta đã tranh thủ được nhiều nhân sĩ, thanh niên, trí thức, công chức và cả các vị chỉ huy binh lính người Thượng của Pháp như các vị: Y bih A-lê-ô, Y Blốc Epan, Y Blô, Y Wang, Y Ngông, Y Nue, Y Tlam, Ma Krông … tích cực tham gia chính quyền cách mạng, ta đã tổ chức một cuộc Hội nghị tư vấn dân tộc để bàn về thực hiện các chủ trương nhằm tăng cường hơn nữa đoàn kết các dân tộc, làm thất bại âm mưu chia rẽ dân tộc của chủ nghĩa thực dân và tập hợp mọi lực lượng chuẩn bị bước vào cuộc trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp sắp tới...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Krông Nô tháng Tám năm 1945
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO