Tái canh cây cà phê gặp khó

Hưng Nguyên| 13/08/2015 10:08

Qua khảo sát, hiện có khá nhiều diện tích cà phê trên địa bàn huyện Krông Nô đang xuống cấp, già cỗi, giống kém chất lượng… trong khi đó, việc tái canh gặp nhiều khó khăn.

ADQuảng cáo

Vườn cà phê tái canh bằng ghép chồi của ông Nguyễn Chí Dũng, xã Đắk Drô

Theo Phòng Nông nghiệp - PTNT huyện Krông Nô, qua kiểm tra, khảo sát gần 16.000 ha cà phê trên địa bàn thì toàn huyện có 2.800 ha cà phê già cỗi và cà phê giống không chất lượng, năng suất thấp. Một số diện tích sử dụng giống kém hiệu quả, canh tác không đúng quy trình, kỹ thuật… làm cho năng suất kém và ngày càng giảm mạnh cần được tái canh mới.

Báo cáo của Phòng Nông nghiệp - PTNT huyện cũng đã chỉ ra nguyên nhân của việc cần tái canh và vì sao tái canh không hiệu quả. Cụ thể, toàn bộ diện tích cà phê trên địa bàn phát triển tự phát, theo phong trào chưa được quy hoạch, nhiều diện tích cà phê không đảm bảo nguồn nước tưới. Các hộ nông dân thực hiện tái canh còn nhỏ lẻ, không tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật và các văn bản hướng dẫn của cơ quan chuyên môn, không phơi đất mà tái canh ngay trên diện tích cũ.

UBND các xã chưa chú trọng công tác tái canh, việc đăng ký tái canh hàng năm rất chậm và nhiều bất cập, đối tượng đăng ký chồng chéo, việc lập danh sách các hộ vay vốn đến nay mới chỉ có ba xã thực hiện. Công tác tuyên truyền còn nhiều hạn chế, chưa sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân…

ADQuảng cáo

Bên cạnh đó, phần lớn nông dân đã sử dụng sổ đỏ để thế chấp vay vốn nên muốn vay lại vốn tái canh thì buộc phải trả lại toàn bộ số tiền đã vay, thủ tục rườm rà với người dân. Do nguồn tài chính của các hộ dân còn hạn chế, trong khi đó chi phí cho tái canh từ 100 - 150 triệu đồng/ha, phần tín dụng ngân hàng cho vay tối đa là 80%, số còn lại người dân tự bỏ ra, thời gian tái canh dài mới có nguồn thu nhập ổn định nên việc tái canh trên diện tích rộng, số lượng lớn người dân còn đắn đo, cân nhắc.

Để đưa cây cà phê trở lại đúng vị trí là một trong những cây trồng chủ lực, cây xóa đói, giảm nghèo bền vững, những năm qua, ngành nông nghiệp huyện đã triển khai nhiều giải pháp cụ thể như hỗ trợ giống, kỹ thuật tái canh, tuyên truyền… nhằm giúp người dân đẩy mạnh thực hiện tái canh những diện tích cà phê mang lại hiệu quả thấp, nhất là những diện tích cà phê trên địa bàn được người dân khai thác nhiều năm.

Cụ thể, năm 2012, tỉnh cấp 50 kg giống để gieo ươm giống tái canh, huyện đã triển khai cho 172 hộ đăng ký, tuy nhiên giống không đạt yêu cầu nên không thể tiến hành tái canh. Năm 2013, huyện nhận 100 kg giống gieo ươm với khoảng 88.000 cây giống, tương đương 88 ha, cấp cho 325 hộ dân. Năm 2014, cấp cho các hộ dân có điều kiện và nhu cầu tái canh 72.000 cây giống; năm 2015, huyện nhận 40 kg hạt giống giao cho 136 hộ dân gieo ươm giống.

Tổng diện tích cà phê được tái canh trên địa bàn huyện là 290 ha, trong đó cà phê ghép chồi cải tạo 150 ha, cà phê trồng thực sinh là 140 ha. Sau quá trình theo dõi thì trong số 140 ha cà phê tái canh thực sinh chỉ có 40% sinh trưởng và phát triển tốt (khoảng 60 ha). Nguyên nhân của tình trạng này là do người dân chưa tuân thủ nghiêm hướng dẫn của đơn vị chuyên môn về quy trình tái canh cây cà phê.

Ông Doãn Gia Lộc, Trưởng Phòng Nông nghiệp-PTNT huyện Krông Nô cho biết: Thời gian tới, ngành nông nghiệp huyện sẽ tiếp tục tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho người dân, giúp người dân tiếp cận được những quy trình tái canh đúng kỹ thuật, để bà con làm chủ trong suốt quá trình tái canh cây trồng. Bên cạnh đó, huyện đẩy mạnh thực hiện tốt chính sách hỗ trợ người dân, nhất là người đồng bào dân tộc thiểu số tái canh mới đối với diện tích cà phê bị già cỗi cũng như cải tạo lại phần diện tích cà phê kém chất lượng.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tái canh cây cà phê gặp khó
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO