Thực hiện Nghị quyết 04-NQ/TU: Nông dân đã ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất

Văn Tâm| 10/07/2014 09:26

Trong 3 năm qua, thực hiện Nghị quyết 04-NQ/TU của Tỉnh ủy, các cấp, các ngành huyện Krông Nô đã nỗ lực giúp nông dân ứng dụng công nghệ kỹ thuật tiên tiến, đưa các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (CNC) vào sản xuất và đạt kết quả nhất định.

Theo đó, trên cơ sở chuyển giao khoa học vào sản xuất, bà con nông dân đã tiếp cận với chương trình khuyến nông chăn nuôi cải tạo đàn bò. Bằng nhiều giải pháp thiết thực, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, phong trào chăn nuôi trâu bò tại huyện Krông Nô đã được khuyến khích phát triển khá mạnh mẽ. Gia đình ông Ðinh Xuân Phong ở xã Ðắk Sôr có đàn bò lai hơn 10 con.

Thông qua việc hỗ trợ bò đực giống và được hướng dẫn kỹ thuật, gia đình ông Ðinh Xuân Phong ở xã Ðắk Sôr phát triển đàn bò lai khá thuận lợi

Ông  Phong cho biết: “Việc lai tạo giống bò này đối với gia đình tôi cũng khá thuận lợi. Đó là nhờ huyện cấp bò đực giống và hướng dẫn kỹ thuật nên gia đình tôi yên tâm phát triển đàn bò lai”.

Còn Gia đình ông Ðặng Ngọc Thoa, ở thôn K62, xã Ðắk D’rô đã được Trạm Khuyến nông huyện hướng dẫn phương pháp phối giống để cải tạo đàn bò của gia đình.

Ông Thoa nói: “Tận dụng diện tích đồng cỏ, bãi đất trống có lượng thức ăn dồi dào để chăn nuôi nên hiện tại, gia đình đã có đàn bò lai gần 20 con.  Qua thực tế chăn nuôi thì bò lai đem lại nhiều hiệu quả, trọng lượng nặng hơn bò cỏ địa phương, có sức đề kháng bệnh tật tốt, giá cả cũng cao hơn. Trước khi nuôi, tôi đã được cán bộ khuyến nông huyện hướng dẫn kỹ thuật phối giống để tự lai tạo cho đàn bò nhà mình nên kết quả mỗi lứa bê đạt tỷ lệ 100%”.

Hiện nay, ngoài việc tận dụng đồng cỏ tự nhiên, ông Thoa đã chuyển một phần diện tích đất nông nghiệp sang trồng cỏ để chủ động nguồn thức ăn cho bò.

Theo Phòng Nông nghiệp - PTNT huyện thì trong khuôn khổ chương trình cải tạo đàn bò, cùng với hỗ trợ từ Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, huyện Krông Nô đã trích ngân sách địa phương để mua 12 con bò đực giống lai dòng Sind-Zêbu.

Số bò đực này được giao cho một số hộ gia đình có kinh nghiệm chăn nuôi để tổ chức phối giống trực tiếp với bò cái địa phương của các hộ dân. Bên cạnh đó, địa phương còn có 35 con bò đực giống do người dân tự đầu tư mua về đã giúp cho đàn bò lai của huyện tăng nhanh về số lượng.

Sau 3 năm thực hiện chương trình, đàn bò của huyện đã phát triển khá tốt. Hiện nay, toàn huyện có hơn 3.200 con bò lai, tỷ lệ máu ngoại trên 50%. Hiện tại, Krông Nô là địa phương có tỷ lệ bò lai cao nhất tỉnh. Bên cạnh chương trình cải tạo đàn bò thì địa phương cũng luôn chú trọng đến các hoạt động tập huấn kỹ thuật, hội thảo đầu bờ đối với ngành trồng trọt.

Trong đó, đáng chú ý là mô hình lúa lai, ngô lai được thực hiện bởi các chương trình, dự án hỗ trợ ngành nông nghiệp đã giúp địa phương ứng dụng hiệu quả khoa học công nghệ vào sản xuất. Đến nay, huyện đã xây dựng các mô hình khuyến nông đối với lúa lai với tổng diện tích gần 50 ha. Các giống đã đưa vào gieo trồng gồm Nhị ưu 838, Nghi hương 2308, BT-E1, HR 182, SYN6, TH3-3, VT 404... 

Qua đó, tạo điều kiện cho bà con nông dân có được sự lựa chọn phù hợp với đất đai và điều kiện canh tác. Nếu như trước đây, diện tích lúa lai mới chỉ đạt 20% thì đến năm 2013 đã chiếm 60% tổng diện tích lúa trên địa bàn huyện, năng suất đạt 9,5 tấn/ha.

Còn đối với hình ngô lai, tính đến nay, tổng diện tích mô hình khuyến nông đã xây dựng trong 3 năm qua đạt trên 30 ha. Các giống đã đưa vào canh tác là CP-DK 888, DK 414, C919, NK 66, NK 72... đây là các giống chịu thâm canh, năng suất ổn định, gieo trồng được từ 2 - 3 vụ trong năm.

Có thể nói, việc thực hiện Nghị quyết 04-NQ/TU của Tỉnh ủy đã giúp cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi trên địa bàn có sự chuyển dịch mạnh mẽ, góp phần tăng thu nhập trên cùng đơn vị diện tích, đóng góp tích cực vào công tác xóa đói giảm nghèo cho người dân trên địa bàn tỉnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thực hiện Nghị quyết 04-NQ/TU: Nông dân đã ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO