Xây dựng nông thôn mới: Gặp khó khi thực hiện các tiêu chí “khó”

Phan Tuấn| 16/10/2014 09:52

Mặc dù đã tập trung các nguồn lực để thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), nhưng hiện tại, hầu hết các địa phương trên địa bàn huyện Krông Nô vẫn đang gặp rất nhiều áp lực khi thực hiện các tiêu chí, nhất là đối với những tiêu chí “khó”.

Theo đó, với phương châm “dễ làm trước, khó làm sau”, sau 3 năm thực hiện Chương trình xây dựng NTM, đến nay, toàn huyện Krông Nô có xã Nam Đà đạt 9 tiêu chí; các xã Đức Xuyên, Nâm N’dir đạt 8 tiêu chí; xã Quảng Phú đạt 7 tiêu chí; các xã Đắk Sôr, Buôn Choáh đạt 6 tiêu chí; các xã Đắk D'rô, Đắk Nang đạt 5 tiêu chí; xã Nam Nung đạt 4 tiêu chí; các xã Tân Thành, Nam Xuân đạt 3 tiêu chí…

Điều đáng nói là sau khi đã hoàn thành các tiêu chí “dễ” thì hầu hết các địa phương lại đang “đau đầu” trong việc thực hiện các tiêu chí “khó”, đòi hỏi sự đầu tư lớn về mặt kinh phí như: giao thông, cơ sở vật chất văn hóa, chợ nông thôn, y tế, điện, thủy lợi, bưu điện…

Trạm y tế xã Nam Xuân còn hoạt động trong ngôi nhà tạm bợ

Gọi là “khó” vì hầu hết các tiêu chí và một số hạng mục còn lại đang phải phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn vốn đầu tư của Nhà nước. Đơn cử như hiện nay, 11 xã mới chỉ được quy hoạch đồ án chung chứ chưa có xã nào được quy hoạch đồ án chi tiết.

Theo phê duyệt thì để hoàn thành đồ án này mỗi xã sẽ được cấp nguồn kinh phí từ 300 – 350 triệu đồng. Thế nhưng, hiện nay, các xã mới chỉ được hỗ trợ khoảng 150 triệu đồng nên không có đủ nguồn kinh phí để trả cho nhà tư vấn thực hiện. Vì vậy, việc xây dựng NTM được các địa phương thực hiện dựa theo hiện trạng thực tế, thiếu đâu làm đó.

Còn việc xây dựng trạm y tế là 100% vốn Nhà nước, nhưng tất cả các cơ sở y tế lại chưa nhận được sự quan tâm đầu tư đúng mức. Cụ thể như xã Nam Xuân, từ khi thành lập đến nay vẫn chưa được đầu tư xây dựng trạm y tế nên đang hoạt động tạm bợ trong ngôi nhà văn hóa cộng đồng có diện tích chưa đầy 30m2.

Còn tại xã Đức Xuyên, trạm y tế xã cũng đã xuống cấp nghiêm trọng và đang phải mượn nhà dân để sử dụng. Mặt khác, đối với tiêu chí điện, do các hộ dân sống rải rác nên đường dây điện là do người dân tự kéo, không đảm bảo yêu cầu theo tiêu chí NTM. Thậm chí, trên địa bàn huyện còn có 14 thôn, buôn, bon còn chưa được đầu tư đường điện theo tiêu chuẩn của ngành điện…

Theo ông Doãn Gia Lộc, Trưởng Phòng Nông nghiệp - PTNT huyện Krông Nô thì khó khăn lớn nhất hiện nay đối với huyện là nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước theo quy định về xây dựng NTM không đáp ứng đúng với đề án đã phê duyệt. Cụ thể, trong giai đoạn 2013-2020, tổng nhu cầu nguồn vốn thực hiện xây dựng NTM của toàn huyện là 1294 tỷ đồng, trung bình hàng năm là trên 108 tỷ đồng, nhưng thực tế không thể đáp ứng yêu cầu.

Chỉ riêng như trong năm 2014 này, huyện đăng ký 27,68 tỷ đồng để thực hiện một phần tiêu chí giao thông, nhưng chỉ được cấp 3,7 tỷ đồng, đáp ứng 13 % nhu cầu về vốn và đối với các tiêu chí khác cũng vậy. Trước thực tế trên, huyện đề nghị Trung ương, tỉnh cần quan tâm bố trí đủ nguồn kinh phí để từng bước tháo gỡ những khó khăn trong việc xây dựng NTM.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng nông thôn mới: Gặp khó khi thực hiện các tiêu chí “khó”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO