Nhiều tìm tòi, đột phá trong phát triển kinh tế

Song Việt| 24/09/2018 11:14

Năm 2009, huyện Tuy Đức đưa cây măng tây xanh vào trồng thử nghiệm tại xã Quảng Tân (Tuy Đức) và cho năng suất, hiệu quả kinh tế cao.

Trong một thời gian khá dài, măng tây xanh trở thành một trong những loại cây chủ lực, giúp xóa đói, giảm nghèo hiệu quả cho người dân trên địa bàn. Đáng tiếc là do đầu ra thiếu ổn định, nên sau đó mô hình măng tây xanh không được duy trì.

Đến năm 2010, huyện Tuy Đức đưa cây hoa ly vào trồng thử nghiệm tại một số địa phương và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Từ đó, trồng hoa ly trở thành một hướng đi mới trong làm ăn kinh tế của nhiều hộ gia đình trên địa bàn.

Đầu năm 2012, sau khi nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng về đất đai, khí hậu, huyện Tuy Đức đã hỗ trợ vốn, cây giống để giúp người dân xã Quảng Trực (Tuy Đức) trồng 150 ha cây mắc ca. Đến nay, Tuy Đức đã có diện tích cây mắc ca lên tới hơn 400 ha, hầu hết đang phát triển tốt và hứa hẹn đem lại thu nhập cao cho người dân. Mô hình có hiệu quả và nổi tiếng nhất ở Tuy Đức là khoai lang Nhật Bản.

Anh Nguyễn Hữu Tao, ở thôn 3, xã Quảng Tâm (Tuy Đức) trồng khoai lang bằng giống nuôi cấy mô cho năng suất 15 tấn/ha. Ảnh: Thanh Nga

Từ năm 2010, giống khoai lang Nhật Bản đã được trồng thử nghiệm ở Tuy Đức. Chỉ vài năm sau, loại cây này đã được trồng đại trà trên địa bàn. Đến nay, Tuy Đức đã có trên 2.000 ha đất thường xuyên được sử dụng để trồng khoai lang. Trong nhiều năm qua, khoai lang Nhật Bản đã trở thành thương hiệu sản phẩm của Tuy Đức, nổi tiếng trong và ngoài tỉnh. Mới đây, một hộ dân ở xã Quảng Tâm đang đầu tư nuôi trồng đông trùng hạ thảo và bước đầu đã thành công, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Mô hình này đang hứa hẹn là một hướng đi mới trong phát triển kinh tế ở Tuy Đức...

Thời gian qua, huyện Tuy Đức đã có nhiều mô hình phát triển kinh tế mới, thể hiện sự quan tâm của chính quyền và sự năng động, linh hoạt trong sản xuất, kinh doanh của người dân. Trong nông nghiệp, huyện đẩy mạnh công tác chuyển giao kỹ thuật, đưa nhiều cây trồng mới có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất như cây ca cao, măng tây xanh, cây mắc ca, khoai lang Nhật Bản…

Cùng với đó, huyện chú trọng phát triển các loại cây trồng vốn là thế mạnh trên địa bàn như cao su, cà phê, điều, hồ tiêu, mít và cây ăn quả các loại. Cơ cấu cây trồng được chuyển đổi theo hướng sản xuất hàng hóa, phù hợp với cơ chế thị trường. Năm 2007, diện tích cây trồng các loại trên địa bàn toàn huyện chỉ có khoảng 18.000 ha và sản lượng đạt được chưa đầy 63.000 tấn. Đến nay, tổng diện tích cây trồng của huyện đã là 320.000 ha và sản lượng đạt hơn 200.000 tấn, tăng hơn 3 lần so với 10 năm trước.

Trước đây, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, thương mại của Tuy Đức rất nhỏ lẻ. Hiện nay, trên địa bàn huyện đã có gần 300 cơ sở hoạt động trong các lĩnh vực này và cơ bản đáp ứng tốt các nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương. Để góp phần thúc đẩy sự phát triển lĩnh vực công nghiệp, huyện đang đầu tư xây dựng cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tại xã Quảng Tâm. Các phương án hỗ trợ, khuyến khích đầu tư, phát triển vào các lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ, thương mại, du lịch... đang được huyện quan tâm xây dựng.

Giống bơ mới được người dân xã Quảng Trực trồng đạt năng suất, hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Phan Tuấn

Từ một nền kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp, sản xuất manh mún, Tuy Đức dần hình thành “bức tranh kinh tế” nhiều màu sắc, đa dạng, phong phú về lĩnh vực, ngành nghề. Nhờ đó mà tốc độ tăng trưởng kinh tế của huyện năm sau luôn cao hơn năm trước. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp, dịch vụ, thương mại. Đời sống của người dân ngày càng được cải thiện, nâng cao; tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh.

Nói về mục tiêu phát triển trong thời gian tới, ông Nguyễn Ngọc Long, Chủ tịch UBND huyện Tuy Đức, cho biết: “Trước hết, huyện phải nhận thức đúng hoàn cảnh, thực lực, tiềm năng của mình để xác định nhiệm vụ trọng tâm, chọn bước đi phù hợp trong quá trình xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội. Ngoài việc tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế, tổ chức xã hội phát triển thì huyện cũng sẽ khơi dậy, phát huy truyền thống anh hùng Nơ Trang Lơng để nêu cao ý thức tự lực, tự cường, năng động, sáng tạo trong lao động, sản xuất cho cán bộ, chiến sĩ và mọi tầng lớp nhân dân. Huyện sẽ quyết tâm tạo mọi động lực để phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn, sớm đưa địa phương thoái khỏi vị trí nghèo như hiện nay”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhiều tìm tòi, đột phá trong phát triển kinh tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO