Thương mại - dịch vụ trên đà phát triển

Bài, ảnh: Ngọc Lê| 17/01/2019 09:35

Trong năm 2018, cũng như các huyện, thị xã trong tỉnh, tại huyện Tuy Đức, nhiều loại nông sản liên tục rớt giá đã tác động không nhỏ tới đời sống của người dân trên địa bàn. Thế nhưng, với sự hỗ trợ kịp thời từ phía ngành chức năng, sự nỗ lực của các hộ gia đình, doanh nghiệp... giá trị sản xuất thương mại - dịch vụ của huyện Tuy Đức vẫn có bước tăng trưởng ổn định.

ADQuảng cáo

Tổng mức bán lẻ hàng hóa trên địa bàn huyện Tuy Đức đạt hơn 500 tỷ đồng

Đắk Ngo là xã vùng sâu, vùng xa, khó khăn nhất huyện Tuy Đức. Thế nhưng, qua từng năm, hoạt động thương mại – dịch vụ trên địa bàn này đã có bước phát triển không ngừng. Ông Nguyễn Huy Công, Chủ tịch UBND xã Đắk Ngo cho biết, những năm trước đây hoạt động thương mại - dịch vụ trên địa bàn xã gặp rất nhiều khó khăn. Nguyên nhân là do giao thông đi lại khó khăn, địa phương chưa xây dựng được chợ nông thôn, còn các cửa hàng kinh doanh tạp hóa, dịch vụ ăn uống... chỉ "đếm trên đầu ngón tay". Trong năm 2018 vừa qua, xã Đắk Ngo đã được các cấp, ngành quan tâm, bố trí nguồn vốn đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng nên đã tạo động lực cho các hộ gia đình, doanh nghiệp mạnh dạn phát triển thương mại – dịch vụ. Tính đến thời điểm này, toàn xã Đắk Ngo đã có trên 70 hộ gia đình, công ty hoạt động trong lĩnh vực thương mại – dịch vụ. Các mặt hàng được các hộ gia đình, công ty lựa chọn kinh doanh như: Xăng dầu, nhu yếu phẩm, điện thoại di động, dịch vụ ăn uống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật…

Khác với xã Đắk Ngo, xã Đắk Búk So là địa bàn mà hoạt động thương mại – dịch vụ diễn ra sôi động nhất huyện. Lợi thế của xã Đắk Búk So là nằm ở trung tâm huyện, nơi đóng chân của nhiều cơ quan hành chính, tập trung nhiều người... nên hoạt động thương mại – dịch vụ khá nhộn nhịp.

Theo ông Phạm Thiên Viết, Chủ tịch UBND xã Đắk Búk So, hiện nay, toàn xã có trên 300 hộ gia đình, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thương mại – dịch vụ. Chỉ riêng chợ Đắk Búk So đã thu hút được hơn 120 hộ tiểu thương kinh doanh các loại mặt hàng như: rau, củ quả, thịt cá, dày dép, quần áo… Ngoài những mặt hàng phục vụ cho nhu cầu thiết yếu hàng ngày thì những cửa hàng kinh doanh các mặt hàng từng được xem là “xa xỉ” như: vàng bạc, xe máy, cửa hàng điện tử, gara sửa chữa ô tô… cũng đã đua nhau xuất hiện. Người bán ắt có người mua, điều này đã làm cho hoạt động thương mại trên địa bàn xã Đắk Búk So thêm phần sôi động. 

ADQuảng cáo

Anh Nguyễn Văn Tài, một người dân ở xã Đắk Búk So cho biết: Trước đây, người dân trên địa bàn xã khi cần mua sắm các loại mặt hàng nhu yếu phẩm hàng ngày còn phải đi ra thị trấn Kiến Đức, huyện Đắk R’lấp hoặc lên tỉnh. Thế nhưng, mấy năm trở lại đây, thương mại – dịch vụ ở xã Đắk Búk So đã có bước phát triển mạnh. Hiện nay, hàng hóa tiêu dùng ở trên địa bàn xã khá đa dạng về mẫu, chất lượng. Đặc biệt, giờ đây, người dân chẳng cần đi đâu xa, ngay tại xã cũng có thể thoải mái lựa chọn những món hàng đắt tiền...

Các cửa hàng tạp hóa  ở Tuy Đức ngày một được phủ kín khắp địa bàn huyện, về tận vùng sâu, vùng xa

Theo đánh giá của Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Tuy Đức, trong năm 2018, tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ trên địa bàn huyện đạt khoảng 951 tỷ đồng, đạt 104% kế hoạch. Mặc dù trải qua nhiều khó khăn, thách thức, nhưng so với cùng kỳ 2017, lĩnh vực thương mại – dịch vụ vẫn tăng trưởng 16,96%; trong đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa đạt trên 500 tỷ đồng, tăng 10,35% so với cùng kỳ. Để có được kết quả này, trước hết là hệ thống bán lẻ từ phân bón cho đến các mặt hàng nhu yếu phẩm hàng ngày đã có mặt ở tất cả các thôn, bon, buôn trên địa bàn huyện Tuy Đức. Tại các cửa hàng tạp hóa cho đến chợ nông thôn luôn có lượng hàng hóa phong phú, giá cả hợp lý đã làm cho thị trường bán lẻ thêm phần sôi động.

Ông Nguyễn Thành Tuân, Trưởng Phòng Kinh tế - Hạ tầng cho biết trong thời gian tới, huyện Tuy Đức sẽ tiếp tục tạo quỹ đất sạch, thu hút đầu tư, cải tạo, nâng cấp chợ nông thôn... nhằm tạo ra những điều kiện thuận lợi nhất cho người dân trao đổi hàng hóa, phát triển mạng lưới thương mại – dịch vụ. Bên cạnh đó, huyện cũng tiếp tục thực hiện tốt các chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, tạo điều kiện cho các sản phẩm đặc sản của địa phương tham gia các chương trình hội chợ, xúc tiến thương mại. Mặt khác, huyện cũng sẽ tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn bán hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, nhất là các mặt hàng lương thực, thực phẩm… nhằm bảo đảm thị trường phát triển lành mạnh, cung cầu hàng hóa ổn định.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thương mại - dịch vụ trên đà phát triển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO