Tín hiệu vui cây ăn trái ở xã Đắk Búk So

Phan Tuấn| 22/10/2020 09:14

Những năm gần đây, nhiều người dân ở xã Đắk Búk So (Tuy Đức) đã chủ động phát triển diện tích cây ăn trái. Đến nay, nhiều hộ dân đã có thu nhập cao từ cây ăn trái, góp phần nâng cao đời sống, phát triển sản xuất.

ADQuảng cáo

Năm 2015, ông Huỳnh Thanh Liêm cùng gia đình từ tỉnh Đồng Tháp đến xã Đắk Búk So để lập nghiệp. Khi đó, ông Liêm không thể cưỡng lại sức hút của cây hồ tiêu, nên đã đầu tư phát triển 4 ha loại cây trồng này. Những năm sau đó, giá cả hồ tiêu xuống dốc, dịch bệnh bùng phát mạnh, nên ông Liêm đã chuyển đổi một phần diện tích tiêu sang trồng cam sành.

Mô hình trồng cam sành của ông Liêm bước đầu mang lại hiệu quả cao

Thời điểm gia đình ông Liêm trồng cam sành, nhiều người dân địa phương cho rằng mô hình này sớm muộn gì rồi cũng thất bại. Bởi trên vùng đất xã Đắk Búk So chưa thấy ai trồng cây cam sành bao giờ. Thế nhưng, sau 4 năm trồng và chăm sóc, hiện nay gia đình ông đã có một vườn cam trĩu quả, năng suất cao.

Ông Liêm cho biết: “Tùy từng thời điểm khác nhau, cam sành có giá bán xô tại vườn dao động từ 12.000 - 15.000 đồng/kg. Với 4 ha cam sành, mỗi năm gia đình tôi thu khoảng 100 tấn quả. Sau khi trừ hết chi phí, gia đình tôi có lãi khoảng 400 triệu đồng/năm”.

Tương tự, hộ gia đình ông Trần Văn Điểm, ở thôn 4, xã Đắk Búk So, cũng đang bước vào giai đoạn thu hoạch 4 sào cây ăn trái. Ông Điểm cho biết, cách đây 4 năm, gia đình ông có một số diện tích trồng cà phê, nhưng không phát huy hiệu quả kinh tế. Thời điểm này, cũng là lúc giá cả các loại nông sản bắt đầu xuống thấp. Trước tình thế đó, gia đình ông đã trồng thử nghiệm một số loại cây ăn trái như: Bưởi da xanh, cam mật…

Mô hình trồng cam mật của ông Điểm đã mang lại hiệu quả cao

ADQuảng cáo

Hiện nay, cây ăn trái của gia đình ông đã bước vào giai đoạn thu hoạch, cho năng suất, chất lượng cao. Mặt khác, sản phẩm bưởi da xanh, cam mật… cũng được tiểu thương, người dân thu mua với giá cao 20.000 đồng/kg. Với 4 sào cây ăn trái, trung bình mỗi năm, gia đình ông có nguồn thu nhập hơn 100 triệu đồng (trừ chi phí).

Sắp tới, gia đình ông Điểm sẽ liên kết với một số thương lái để phát triển thêm một số diện cây ăn trái khác nhằm nâng cao thu nhập. Dù có nhiều thuận lợi, nhưng theo ông, việc phát triển cây ăn trái phải có sự liên kết đầu ra mới bền vững, tránh tình trạng được mùa mất giá vì không có đầu ra.

Hiện nay, bưởi da xanh của gia đình ông Điểm được thu mua với giá 25.000 đồng/kg

Theo ông Ngô Văn Thương, Phó Chủ tịch UBND xã Đắk Búk So, thời gian qua, khi sản phẩm nhiều loại cây trồng mất giá, địa phương đã vận động người dân mạnh dạn chuyển đổi, đa dạng hóa cây trồng. Qua theo dõi, một số gia đình trên địa bàn, người dân đã đưa nhiều loại cây ăn trái khác nhau để sản xuất.

Phần lớn các loại cây ăn trái được đưa về sản xuất tại địa phương đều khá phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng và phát triển tốt, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đến thời điểm này, trên địa bàn xã đã phát triển được hơn 10 ha cây cam, bưởi và đang bước vào thời kỳ thu hoạch. Các loại cây ăn trái chủ yếu được phát triển trên đất đồi, thay thế các loại cây trồng đã chết và kém hiệu quả như hồ tiêu, cà phê…

Ông Thương cho biết: “Trong thời gian tới, tùy vào điều kiện thực tế, địa phương sẽ vận động người dân chuyển đổi cây trồng phù hợp nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, xóa đói giảm nghèo hiệu quả. Địa phương cũng sẽ cử cán bộ khuyến nông theo dõi, hướng dẫn người dân cách chăm sóc, phát triển các loại cây ăn quả bảo đảm tiêu chuẩn, kỹ thuật”.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tín hiệu vui cây ăn trái ở xã Đắk Búk So
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO