Tuy Đức xác định lợi thế, mời gọi đầu tư phát triển du lịch

Đức Hùng| 25/01/2018 09:30

Đánh giá đúng tiềm năng, mời gọi, thu hút đầu tư, xây dựng các loại hình du lịch dựa vào lợi thế của địa phương là những việc huyện Tuy Đức đang thực hiện để từng bước khai thác tiềm năng, lợi thế du lịch.

ADQuảng cáo

Xác định lợi thế

Tuy Đức là vùng đất giàu tiềm năng du lịch. Cảnh quan thiên nhiên kỳ thú, truyền thống văn hóa giàu bản sắc của dân tộc bản địa và các di tích lịch sử văn hóa nơi đây là điều kiện thuận lợi để phát triển các loại hình du lịch sinh thái, văn hóa, nghỉ dưỡng. Địa phương đã xác định các lợi thế có tính cạnh tranh để kêu gọi đầu tư, phát triển du lịch theo hướng bền vững.

Thác Đắk G'lun đang được đầu tư và đón khách du lịch

Cụ thể, điểm du lịch sinh thái rừng, thác Đắk G’lun ở xã Quảng Tâm có diện tích 91,6 ha, do Công ty TNHHXD-TM-DL Phúc Lâm Thành làm chủ đầu tư. Hiện nay công ty đã xây dựng đường bê tông và điện thắp sáng vào khu du lịch, các hạng mục khác đang thi công xây dựng. Điểm du lịch sinh thái thác Đắk Búk So, xã Đắk Búk So, có diện tích quy hoạch 102,9 ha, do Công ty TNHH Hồng Gia Phát làm chủ đầu tư, đã có quyết định giao đất, hiện nay đang chuẩn bị triển khai thi công các hạng mục công trình. Khu du lịch sinh thái hồ Doãn Văn, xã Đắk R’tíh, có diện tích mặt hồ 10 ha, diện tích đất 35 ha, hiện nay địa phương đang kêu gọi đầu tư.

Cụm di tích lịch sử các địa điểm về phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp do N’Trang Lơng lãnh đạo có diện tích 42 ha đã được khoanh vùng bảo vệ. Địa phương tập trung xây dựng nơi đây theo chương trình mục tiêu quốc gia, thành điểm tham quan du lịch văn hóa, lịch sử. Huyện Tuy Đức còn có cửa khẩu quốc gia Bu P’răng nối với Campuchia là điều kiện thuận lợi để khách quốc tế và nội địa di chuyển bằng đường bộ tới địa phương.

Tuy Đức có 16 dân tộc sinh sống tạo nên sự đa dạng về bản sắc văn hóa truyền thống. Từ năm 2012 đến nay huyện đã quan tâm khôi phục lại một số nghi lễ và tổ chức các lớp tập huấn về văn hóa. Cụ thể là đã khôi phục Lễ sum họp cộng đồng, cúng lúa, tổ chức 1 lớp chế tác nhạc cụ, 1 lớp hát dân ca, 1 lớp phục dựng cây nêu và đan lát. Trên địa bàn huyện có 61 bộ chiêng, 7 đội nghệ nhân đánh chiêng, 1 nghệ nhân chỉnh chiêng, 24 nghệ nhân truyền dạy đánh chiêng, 72 nghệ nhân diễn tấu cồng chiêng, 8 đội văn nghệ dân gian. Lực lượng này là  nòng cốt trong duy trì, phát triển các lễ hội, văn hóa truyền thống.

ADQuảng cáo

Huyện Tuy Đức có diện tích tự nhiên 112.384 ha, dân số hơn 42.000 người, có 6 xã và 72 thôn, bon, bản, trong đó có 32 thôn và 34 bon, 6 bản, 100% dân số sống ở vùng nông thôn. Huyện có 16 dân tộc cùng sinh sống, dân tộc thiểu số chiếm trên 44%, mỗi dân tộc đều có bản sắc văn hóa, truyền thống và phong tục tập quán khác nhau góp phần tạo nên sự phong phú, đa dạng văn hóa qua các nghi lễ, lễ hội, các món ăn dân gian, trò chơi dân gian…

Du lịch là mũi nhọn

Huyện Tuy Đức xác định phát triển du lịch là mũi nhọn đột phá, là ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp, điểm đến hấp dẫn của khu vực Tây Nguyên. Qua đó để góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng dần tỷ trọng GDP du lịch. Để làm được điều này, huyện đang từng bước đầu tư và thu hút vốn đầu tư xây dựng các công trình như khu di tích lịch sử Quốc gia các địa điểm về phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp của đồng bào M’nông do N’Trang Lơng lãnh đạo, thác Đắk Búk So, thác Đắk G’lun, hồ Doãn Văn...

Du lịch văn hóa là một lợi thế lớn khi địa phương phục dựng được nhiều lễ hội và nhiều bon làng còn giữ nét đặc trưng của văn hóa truyền thống

Kế hoạch đến năm 2020, Tuy Đức cơ bản xây dựng du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội của huyện. Phấn đấu đến năm 2030 du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, phát triển hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật đồng bộ, phát triển sản phẩm du lịch có chất lượng và có tỷ trọng trong tổng thu nhập của huyện.

Cụ thể, mục tiêu huyện đặt ra năm 2020 thu hút 700 lượt khách quốc tế và 5.000 lượt khách nội địa, đạt doanh thu 5 tỷ đồng. Năm 2030 thu hút 1.500 lượt khách quốc tế và 10.000 lượt khách nội địa, đạt doanh thu 10 tỷ đồng. Huyện xác định phát triển du lịch để góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, giá trị các di tích, di sản. Dự kiến qua phát triển du lịch sẽ giải quyết việc làm cho 300 lao động trực tiếp vào năm 2020 và 1.000 lao động vào năm 2030.

Phát triển du lịch có trọng tâm, trọng điểm, tạo ra sản phẩm du lịch đặc trưng riêng, có thương hiệu, đa dạng hóa các sản phẩm dịch vụ, tạo tính liên ngành, liên vùng, xã hội hóa. Gắn du lịch với việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số tại chỗ, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường sinh thái. Đây là định hướng của Tuy Đức về phát triển du lịch trong tổng thể định hướng phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội của địa phương.  

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tuy Đức xác định lợi thế, mời gọi đầu tư phát triển du lịch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO