Ứng dụng cơ giới nhiều hơn trong sản xuất nông nghiệp

Hưng Nguyên| 12/07/2022 11:36

Những năm qua, người dân huyện Tuy Đức đã chú trọng đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại để sản xuất nông nghiệp, giúp giảm chi phí đầu tư, nâng cao hiệu quả kinh tế.

ADQuảng cáo

Ông Phạm Thiên, ở thôn 3, xã Đắk Búk So, đã sản xuất nông nghiệp hơn 30 năm. Gia đình ông có hơn 1,5 ha đất chuyên sản xuất hồ tiêu, cây ăn trái.

Để phục vụ sản xuất, ông Thiên đã đầu tư mua sắm máy nổ để tưới nước vào mùa khô, xe càng để vận chuyển nông sản, máy cắt cỏ, máy phay đất, máy phun thuốc…, với tổng số tiền gần 100 triệu đồng.

Ông Thiên cho biết, hiện nay, việc sản xuất nông nghiệp của gia đình chủ yếu sử dụng máy móc. Ông chỉ còn làm những việc không thể sử dụng máy móc như thu hoạch, làm chồi, cắt cành cho cây trồng…

"Máy móc giúp tôi sản xuất ngày càng hiệu quả hơn, giảm được nhiều chi phí và công lao động" ông Thiên cho biết.

Sử dụng máy móc giúp người dân giảm chi phí công chăm sóc, tăng hiệu quả đầu tư

Tương tự, gia đình ông Phạm Văn Kỳ, ở bon Bu Bong, xã Đắk Búk So, đang sản xuất 5 ha cây trồng gồm cà phê, hồ tiêu xen với các loại cây ăn trái. Để phục vụ sản xuất, gia đình ông đầu tư máy nổ, xe càng, dây tưới, máy phát cỏ, máy xay cà phê tươi, cà phê nhân… trị giá gần 100 triệu đồng.

Việc chăm sóc cây trồng, ông sử dụng khá nhiều máy móc, chỉ có khâu thu hoạch và tỉa cành là còn làm thủ công.

Ông Kỳ chia sẻ, máy móc đã giúp gia đình ông giảm sức lao động. Gia đình chỉ có 2 lao động chính, nhưng vẫn chăm sóc tốt cho 5 ha cây trồng. Ông chỉ thuê thêm người vào mùa thu hoạch.

ADQuảng cáo

Theo thống kê của các cơ quan chức năng huyện Tuy Đức, trên địa bàn đang có 46.720 máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp. So với năm 2015, số lượng máy kéo tăng gấp 2 lần, máy bóc tách hạt tăng gần 3 lần, máy tưới tăng gấp 3 lần, máy phun thuốc bảo vệ thực vật tăng gần 6 lần...

Công suất các loại máy kéo cũng có xu hướng chuyển dịch từ máy có công suất nhỏ sang sử dụng máy có công suất cỡ trung và lớn. Bên cạnh đó, mức độ cơ giới hóa bình quân toàn huyện ở một số khâu trong sản xuất nông nghiệp đã đạt khá cao.

Đơn cử như quá trình làm đất trồng cây hằng năm, cơ giới đạt 63%; phun thuốc bảo vệ thực vật cho lúa, hồ tiêu, cà phê... đạt hơn 70%; phục vận chuyển đạt gần 100%; phục vụ xay xát vỏ hạt 95%; phục vụ tưới nước đạt 98%...

Theo ông Kiều Quý Diện, Phó Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Tuy Đức, cơ giới hóa trong hoạt động sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện ngày càng được đẩy mạnh, chủ yếu tập trung trong lĩnh vực trồng trọt.

Cơ giới hóa đã góp phần giảm công lao động, tăng năng suất sản phẩm. Để hỗ trợ nông dân, thời gian qua, ngành Nông nghiệp huyện đã thường xuyên phối hợp với ngành chức năng tổ chức được 24 lớp dạy nghề vận hành, sửa chữa cơ giới, với gần 1.000 học viên tham gia.

Việc đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp không chỉ giảm lao động nặng nhọc, nguy hiểm cho nông dân, mà còn góp phần bảo đảm tính thời vụ khi thực hiện thâm canh, tăng vụ, xoay vòng sản xuất.

Cơ giới đã giúp nâng cao chất lượng nhiều loại sản phẩm của Tuy Đức, góp phần nâng sức cạnh tranh của nông sản trên thị trường.

"Cơ giới hóa đang góp phần thúc đẩy quá trình chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp hàng hóa, tạo tiền đề quan trọng cho huyện Tuy Đức xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, ứng dụng công nghệ cao...", ông Diện chia sẻ.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ứng dụng cơ giới nhiều hơn trong sản xuất nông nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO