Vượt qua khó khăn nhờ nuôi heo rừng lai

Phong Vũ| 27/05/2020 08:38

Nhiều năm nay, khi giá nông sản xuống thấp, cuộc sống của gia đình anh Ngô Quang Trung, ở thôn 4, xã Quảng Tâm (Tuy Đức) gặp nhiều khó khăn. Trong bối cảnh này, anh Trung đã chuyển đổi một phần diện tích đất đai sang trồng rau, củ, quả và phát triển thêm nghề chăn nuôi heo rừng lai, có nguồn thu nhập cao, ổn định được cuộc sống.

Theo anh Trung, trước đây gia đình anh chỉ chuyên canh cây cà phê, hồ tiêu. Khi giá cả sản phẩm các loại cây này xuống thấp, gia đình anh đã chuyển đổi một phần diện tích sang trồng cây ngắn ngày như rau, củ, quả. Cùng với đó, anh Trung còn chuyển đổi 3 sào đất trồng cây công nghiệp để xây dựng hệ thống chuồng trại chăn nuôi heo rừng lai.

Mỗi năm, gia đình anh Trung có nguồn thu nhập khoảng 400 triệu đồng (chưa trừ chi phi) từ nghề chăn nuôi heo rừng lai

“Sở dĩ tôi chọn nuôi heo rừng lai là vì loại động vật này ít bị bệnh tật, dễ nuôi. Gia đình sản xuất rau quả, nên rất sẵn nguồn thức ăn cho heo. Đặc biệt, qua khảo sát thị trường, tôi đã liên kết được với các nhà hàng, thương lái và được họ cam kết thu mua heo ổn định, nên đã mạnh dạn phát triển mô hình này” – anh Trung cho biết.

Trước khi bắt tay vào chăn nuôi heo, anh Trung đã dành hơn 1 tháng trời để đi nghiên cứu, học tập kinh nghiệm các mô hình chăn nuôi heo rừng lai ở trong và ngoài tỉnh. Cùng với việc trau dồi kinh nghiệm, anh còn chủ động liên hệ với các thương lái để tìm đầu ra cho sản phẩm chăn nuôi mới của gia đình. Hiện nay, gia đình anh Trung đã phát triển được 15 con heo nái. Mỗi năm, 15 con heo này sinh sản khoảng 240 con heo con. Từ nguồn heo con này, anh chăm sóc, nuôi lớn khoảng 10 kg thì xuất bán làm heo giống, hoặc chăm sóc lớn thêm để bán thịt. Nhờ đó, hàng năm, gia đình anh Trung đã có nguồn thu gần 400 triệu đồng (chưa trừ chi phí) từ việc chăn nuôi heo rừng lai.

Chia sẻ về nghề nuôi heo rừng lai, anh Trung cho biết: “Ngay từ khi bước vào nghề, tôi xác định phải thực hiện một cách bài bản, tạo dựng thương hiệu cho sản phẩm. Để làm được điều này, tôi đã tránh “vết xe đổ” của nhiều mô hình khác. Đó là không dùng cám tăng trọng, các loại sản phẩm giúp heo nhanh lớn. Heo khi được gia đình tôi chăn nuôi từ khi mới sinh cho đến khi xuất chuồng chủ yếu ăn các loại rau, củ, quả… Thế nên, thịt heo rừng lai do gia đình tôi chăn nuôi vẫn giữ được nét hoang dã đặc trưng, thịt chắc, không tồn dư tạp chất hóa học. Cũng nhờ thịt heo rừng lai của gia đình có chất lượng cao, nên được nhiều người truyền tai nhau lựa chọn. Do đó, việc chăn nuôi ngày càng trở nên thuận lợi. Hiện nay, việc sản xuất nông nghiệp chỉ đủ cho gia đình tôi trang trải chi phí sinh hoạt hàng ngày và nuôi các con ăn học. Còn nguồn thu nhập ổn định từ chăn nuôi heo rừng lai là "của để dành" cho gia đình tôi vươn lên làm giàu”.

Theo ông Đoàn Lê Anh, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tuy Đức, mô hình chăn nuôi heo rừng lai của ông Ngô Quang Trung là một ví dụ điển hình về thành công trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên địa bàn huyện. Heo rừng lai là loại vật nuôi có sức đề kháng tốt, phù hợp với khả năng của người dân, đặc biệt là các hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Chính vì vậy, trong thời gian tới, Hội Nông dân huyện Tuy Đức sẽ tuyên truyền, vận động bà con nhân rộng các mô hình chăn nuôi này. "Tuy nhiên, trước khi người dân bắt tay vào việc chăn nuôi, cần chú trọng đến việc liên kết đầu ra cho sản phẩm để có sự phát triển bền vững, lâu dài”, ông Anh lưu ý.  

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vượt qua khó khăn nhờ nuôi heo rừng lai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO