Cách mạng công nghiệp 4.0: Việt Nam tập trung thúc đẩy phát triển, tạo sự bứt phá

Thùy Dương| 16/08/2017 09:34

Thời gian gần đây, cụm từ cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (Fourth Industrial Revolution, gọi tắt là kỹ nghệ 4.0) được nhắc đến nhiều trên thế giới. Nhiều đánh giá đã được đưa ra về kỹ nghệ 4.0, rằng nó hàm chứa sự thay đổi lớn lao, không chỉ về kinh tế mà cả văn hóa, xã hội, một cách toàn diện.

ADQuảng cáo

Bệnh viện Bình Dân TP. Hồ Chí Minh triển khai phẫu thuật nội soi bằng robot từ cuối năm 2016. Ảnh tư liệu

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư tác động mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực, với sự xuất hiện của robot có trí tuệ nhân tạo mang lại nhiều ứng dụng trong xã hội. Nhờ công nghệ AI, người máy làm việc càng thông minh, có khả năng ghi nhớ, học hỏi vô biên, trong khi khả năng đó ở con người càng già càng yếu đi. Ưu điểm làm việc 24/24, không cần trả lương, đóng thuế, bảo hiểm… của robot cũng đang đe dọa đến sự tương quan trong việc sử dụng lao động là người thật hay người máy.

Trong cuộc cách mạng công nghiệp thứ tư, những yếu tố mà các nước như Việt Nam đã và đang tự coi là có ưu thế như lực lượng lao động thủ công trẻ, dồi dào sẽ không còn là thế mạnh nữa, thậm chí bị đe dọa nghiêm trọng. Trong tương lai, người dân có thể mất việc làm, bởi những lĩnh vực mà công nghệ robot có thể tác động tới trải dài từ dệt may, dịch vụ, giải trí cho đến y tế, giao thông, giáo dục...

Theo Viện Kinh tế Việt Nam, cách mạng công nghiệp 4.0 đang tạo ra những thách thức liên quan đến các chi phí điều chỉnh trong ngắn đến trung hạn do tác động không đồng đều của nó đến các ngành. Trong từng ngành, sự tăng trưởng nhanh của nhiều doanh nghiệp tạo ra những công nghệ mới, đồng thời cũng thu hẹp và đào thải các doanh nghiệp lạc nhịp công nghệ. Việt Nam cần một cách tiếp cận độc đáo, khác biệt và khả thi để tận dụng cơ hội từ cách mạng công nghiệp 4.0, bứt phá phát triển.

Cách mạng công nghiệp 4.0 là cuộc cách mạng của phát hiện vấn đề và nhu cầu, của toàn dân và của các doanh nghiệp siêu nhỏ. Và Việt Nam muốn đón nhận được thì phải đi trước một bước. Ngoài việc nâng cao giáo dục đào tạo, nhân lực số, kết cấu hạ tầng thì thể chế của Việt Nam cũng cần tăng khuyến khích, thúc đẩy sáng tạo và lấy doanh nghiệp làm trung tâm.

ADQuảng cáo

Theo Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) Việt Nam, cách mạng công nghiệp 4.0 là một trong những bước đi hữu ích và nhanh nhất để thu hẹp khoảng cách kiến thức về các nút thắt mà các ngành, tiểu ngành và doanh nghiệp của Việt Nam phải đối mặt để nâng cao năng suất và khả năng cạnh tranh. Việc thực hiện nhanh chóng và quyết liệt các hành động này - cùng với cải cách thể chế và khả năng của người dân Việt Nam để tận dụng các cơ hội mà cách mạng công nghiệp 4.0 tạo ra.

Các chuyên gia cho rằng, lúc này khi cuộc cách mạng 4.0 mới bắt đầu nên các nước gần như “bình đẳng” về cơ hội. Một nước đang phát triển như Việt Nam có thể đi thẳng vào nghiên cứu, ứng dụng công nghệ mới do các công nghệ này không phụ thuộc vào công nghệ cũ, từ đó có thể rút ngắn khoảng cách phát triển.

Để chủ động nắm bắt cơ hội, đưa ra các giải pháp thiết thực tận dụng tối đa các lợi thế, đồng thời giảm thiểu những tác động tiêu cực của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đối với Việt Nam, ngày 4/5/2017, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị 16/CT-TTg về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 trong đó tập trung thúc đẩy phát triển, tạo sự bứt phá thực sự về hạ tầng, ứng dụng và nhân lực công nghệ thông tin – truyền thông. Phát triển hạ tầng kết nối số và bảo đảm an toàn, an ninh mạng tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp dễ dàng, bình đẳng trong tiếp cận các cơ hội phát triển nội dung số. Các bộ, ngành khẩn trương triển khai xây dựng chính phủ điện tử; tiếp tục chủ động rà soát, bãi bỏ các điều kiện kinh doanh không còn phù hợp; sửa đổi các quy định quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo hướng đơn giản hóa và hiện đại hóa thủ tục hành chính.

Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu tập trung thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia theo hướng xây dựng các cơ chế, chính sách cụ thể, phù hợp để phát triển mạnh mẽ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Thay đổi mạnh mẽ các chính sách, nội dung, phương pháp giáo dục và dạy nghề nhằm tạo ra nguồn nhân lực có khả năng tiếp nhận các xu thế công nghệ sản xuất mới, trong đó cần tập trung vào thúc đẩy đào tạo về khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM), ngoại ngữ, tin học trong chương trình giáo dục phổ thông; đẩy mạnh tự chủ đại học, dạy nghề; thí điểm quy định về đào tạo nghề, đào tạo đại học đối với một số ngành đặc thù. Biến thách thức dân số cùng giá trị dân số vàng thành lợi thế trong hội nhập và phân công lao động quốc tế…

Thực tế, chúng ta đang trải nghiệm rất nhiều sản phẩm của cuộc cách mạng này, như gọi taxi Uber hay Grab, thanh toán trên mạng, sống trong căn hộ thông minh, phẫu thuật bằng robot… Bản chất của cách mạng công nghiệp lần thứ 4 là mang thế giới ảo và thực xích lại gần nhau. Sau 3 cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật trong lịch sử, hiện nay, chúng ta đang ở giai đoạn đầu của kỹ nghệ 4.0, được xây dựng dựa trên nền tảng cuộc cách mạng số. Sự phổ biến của các công nghệ, như: Vạn vật kết nối, trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây…
ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cách mạng công nghiệp 4.0: Việt Nam tập trung thúc đẩy phát triển, tạo sự bứt phá
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO