Đổi mới hoạt động khoa học, công nghệ để đáp ứng yêu cầu phát triển

Lê Dung thực hiện| 18/05/2016 09:28

Nhân kỷ niệm ngày Khoa học và công nghệ năm 2016 với chủ đề “Khoa học và công nghệ - Chìa khóa của thành công”, phóng viên (PV) Báo Đắk Nông đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Ngọc Danh, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) về thực trạng hoạt động KH&CN trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua, những giải pháp về đổi mới, nâng cao hiệu quả thời gian tới.

ADQuảng cáo

Ông Phạm Ngọc Danh, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ

PV: Ông có thể cho biết một số nét khái quát về tình hình hoạt động của ngành KH&CN trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua?

Ông Phạm Ngọc Danh: Trong năm qua, trên cơ sở bám sát các nghị quyết của Trung ương Đảng, Tỉnh ủy; chiến lược của UBND tỉnh, hoạt động KH&CN của tỉnh đã tập trung triển khai thực hiện được nhiều nhiệm vụ quan trọng. Trong đó, các nhiệm vụ đã tập trung vào những lĩnh vực chủ yếu như nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ sinh học, các cây trồng, vật nuôi chủ lực.

Nhiều dự án ứng dụng KH&CN đã đạt được một số kết quả có giá trị, phát huy hiệu quả nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ KH&CN vào sản xuất và đời sống. Đặc biệt, hoạt động nghiên cứu, ứng dụng KH&CN trong lĩnh vực nông nghiệp đã gắn với thực tiễn xây dựng nông thôn mới theo hướng bền vững; đồng thời, cung cấp cơ sở khoa học để triển khai các dự án quy mô lớn và ứng dụng tổng hợp các thành tựu KH&CN vào việc xây dựng vùng nguyên liệu lớn gắn với công nghiệp chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Các hoạt động về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng, thanh kiểm tra… được tăng cường và thực hiện thường xuyên góp phần tăng cường thực thi pháp luật, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng…

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động KH&CN trong thời gian qua vẫn còn chậm phát triển, chưa tạo được động lực mạnh mẽ thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Việc ứng dụng tiến bộ KH&CN vào sản xuất và đời sống còn hạn chế so với yêu cầu cấp thiết của thực tiễn. Nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất chưa thực sự quan tâm đến ứng dụng khoa học và đầu tư cho việc đổi mới công nghệ. Cơ sở vật chất, kỹ thuật phục vụ nghiên cứu khoa học và triển khai ứng dụng kỹ thuật còn nghèo nàn, lạc hậu. Đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật vừa thiếu, vừa yếu… Đó cũng chính là những rào cản không nhỏ trên lộ trình phát triển vững mạnh của ngành trong tương lai.

PV: Để thúc đẩy hoạt động KH&CN phát triển, việc đổi mới toàn diện đang được xem là phương châm lớn của ngành, ông có thể cho biết cụ thể hơn về vấn đề này?

Ông Phạm Ngọc Danh: Xác định rõ, muốn phát triển thì hoạt động KH&CN phải đổi mới. Hoạt động KH&CN cần phải đổi mới toàn diện và sâu sắc, nhất là về công tác quản lý nhà nước, cụ thể là về cơ chế quản lý đề tài, dự án cũng như kiện toàn lại hệ thống tổ chức KH&CN từ tỉnh, huyện đến cơ sở...

Theo đó, về công tác quản lý nhà nước, thời gian qua, Sở đã kịp thời tham mưu UBND tỉnh ban hành một số chỉ thị về tăng cường hoạt động KH&CN cơ sở; tăng cường công tác quản lý phương tiện đo lường trên địa bàn tỉnh cũng như các quy định về quản lý các nhiệm vụ khoa học và công nghệ. Ngành cũng đã tham mưu cho UBND tỉnh về quy định định mức xây dựng, phân bổ dự toán và quyết toán kinh phí đối với nhiệm vụ KH&CN để tiến tới thực hiện khoán chi đến sản phẩm cuối cùng trong hoạt động KH&CN…

Đối với hoạt động nghiên cứu, ngành cũng đã và đang tập trung vào những vấn đề lớn, xuất phát từ thực tiễn theo đặt hàng từ các ngành, cơ sở, nhằm tránh việc đầu tư dàn trải, thiếu tập trung và chậm được đưa vào ứng dụng. Ngành xác định rõ hướng nghiên cứu, ứng dụng lấy doanh nghiệp làm trọng tâm để triển khai đầu tư và đổi mới công nghệ cũng được đơn vị quan tâm. Trong đó, ngành sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp nghiên cứu, hoàn thiện, đổi mới công nghệ, áp dụng quy trình tiên tiến, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm, xây dựng thương hiệu cho hàng hóa…

Trong công tác tổ chức, Sở cũng đã và đang thực hiện kiện toàn lại bộ máy hoạt động để phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, nâng cao hiệu lực và hiệu quả quản lý. Ngoài việc thành lập 2 phòng chức năng mới là Phòng Quản lý chuyên ngành và Phòng Quản lý công nghệ và Thị trường công nghệ, đơn vị cũng sẽ tiếp tục sắp xếp, bố trí, điều động luân chuyển cán bộ tới những vị trí phù hợp. Việc tăng cường đào tạo, tập huấn cho các cán bộ cấp tỉnh và cơ sở cũng đã và đang được ngành quan tâm, chú trọng…

ADQuảng cáo

Nông dân Nguyễn Đức Thống, xã Đắk Wer (Đắk R’lấp) ứng dụng khoa học kỹ thuật trong chế tạo máy sấy cà phê, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Ảnh: Lê Dung

PV: Như ông đã thông tin, từ năm 2016, hoạt động nghiên cứu KH&CN sẽ tập trung vào những vấn đề lớn, có tính ứng dụng cao. Vậy, ông cho biết rõ hơn về nội dung này?

Ông Phạm Ngọc Danh: Trong năm 2016, Sở đã tham mưu UBND tỉnh phê duyệt danh mục nhiệm vụ KH&CN với 5 nhiệm vụ trọng điểm. Khác với mọi năm, tuy nhiệm vụ năm nay không nhiều, nhưng đã tập trung nguồn lực vào thực hiện những vấn đề lớn và mục tiêu quan trọng là gắn với thực tiễn và nâng cao hiệu quả ứng dụng.

Trong đó, một số đề tài đã gắn với nhiệm vụ phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội như “Nghiên cứu, điều tra, đánh giá di sản địa chất, xây dựng công viên địa chất khu vực Krông Nô”; “Vai trò của HĐND các cấp trong công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại tố cáo trên địa bàn tỉnh”.

Một số đề tài thuộc lĩnh vực kinh tế cũng rất đáng chú ý. Trong đó, nổi bật là Đề tài “Nghiên cứu hoàn thiện quy trình sản xuất Piperine và tích hợp công nghệ thu tinh dầu trong quá trình chế biến hồ tiêu” cho Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu An Phong (Đắk Song).

Mục tiêu của đề tài là nghiên cứu, chế tạo và hoàn thiện quy trình sản xuất Piperine với quy mô pilot 100 kg nguyên liệu/mẻ. Song song đó, quy trình thu tinh dầu cũng sẽ được nghiên cứu, thực hiện từ quá trình chế biến tiêu đen và tiêu sọ, với chất lượng tinh dầu tiêu tinh khiết đạt hơn 95%.

Đề tài “Ứng dụng công nghệ sinh học trong việc triển khai mô hình trồng cây đinh lăng lá nhỏ tại tỉnh Đắk Nông” cũng có tính ứng dụng thực tiễn cao. Theo đó, ngành sẽ thực hiện nhân giống cây đinh lăng lá nhỏ bằng phương pháp nuôi cấy mô tế bào thực vật và xây dựng mô hình sản xuất bền vững gắn với thị trường tiêu thụ…

Ngoài ra, ngành cũng sẽ tập trung chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, với các nội dung như đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sinh học thông qua trung tâm nghiên cứu, ứng dụng; xây dựng các mô hình trình diễn về tưới nước tiết kiệm kết hợp với bổ sung phân bón, chất dinh dưỡng; ứng dụng quy trình nuôi cấy mô trong sản xuất một số giống cây trồng; xây dựng mô hình sản xuất cây dược liệu…

Mong rằng, với sự đổi mới đồng bộ về công tác quản lý nhà nước, hoạt động KH&CN trên địa bàn tỉnh sẽ ngày càng phát triển, đáp ứng yêu cầu cấp thiết của thực tiễn.

PV: Xin cảm ơn ông!

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đổi mới hoạt động khoa học, công nghệ để đáp ứng yêu cầu phát triển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO