Một số giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động khoa học và công nghệ

Ths. Phạm Ngọc Danh| 25/05/2016 11:01

Trong những năm gần đây, cùng với sự phát triển của khoa học và công nghệ (KH&CN) cả nước, ngành KH&CN tỉnh Đắk Nông đã có những bước tiến vượt bậc.

ADQuảng cáo

Hoạt động KH&CN ngày càng gắn bó với sản xuất và đời sống, nổi bật là việc tiếp thu, ứng dụng nhanh các tiến bộ KH&CN vào sản xuất và đời sống, góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả trong các ngành sản xuất chủ lực của tỉnh. Kết quả nghiên cứu khoa học đã tạo luận cứ cho việc xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, tạo cơ sở cho quá trình tiếp thu và ứng dụng công nghệ mới. Đồng thời, chú trọng tới tính hiệu quả, hướng tới doanh nghiệp, thị trường và khẳng định được vai trò trong việc nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Cán bộ Sở KH&CN kiểm tra mô hình tưới nước nhỏ giọt tại Trang trại Nguyễn Ngọc Vân ở phường Nghĩa Phú (Gia Nghĩa). Ảnh tư liệu

Bên cạnh hoạt động triển khai đề tài, dự án, các hoạt động quản lý nhà nước về tiêu chuẩn – đo lường – chất lượng, sở hữu trí tuệ, quản lý công nghệ, an toàn bức xạ và hạt nhân, thanh tra, thông tin – thống kê KH&CN, thông báo và hỏi đáp về rào cản kỹ thuật trong thương mại cũng được đẩy mạnh. Hoạt động quản lý KH&CN ở cơ sở cũng từng bước được tăng cường, nội dung hoạt động ngày càng phát triển cả bề rộng lẫn chiều sâu, phục vụ có hiệu quả sản xuất và đời sống.

Nhờ sự tác động mạnh mẽ của KH&CN, trình độ dân trí, chất lượng nguồn nhân lực và tính năng động trong xã hội được nâng lên đáng kể. Việc xã hội hóa các hoạt động KH&CN từng bước được thực hiện, tiềm lực KH&CN ngày càng được tăng cường.

Trong những năm tới, hoạt động KH&CN của tỉnh tập trung vào việc nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ KH&CN phục vụ phát triển kinh tế nông nghiệp và nông thôn. Đặc biệt là công nghệ sinh học để tuyển chọn giống cây trồng, vật nuôi có năng suất cao, chất lượng tốt đưa vào sản xuất, đi đôi với các biện pháp kỹ thuật tiên tiến để phát triển các vùng sản xuất hàng hóa tập trung cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp chế biến, góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp CNH – HĐH.

Tập trung nghiên cứu các vấn đề xã hội, nhằm phát huy yếu tố tích cực của con người và các giá trị truyền thống lịch sử, văn hóa các dân tộc trong tỉnh. Nghiên cứu, ứng dụng các phương pháp mới trong giáo dục, đào tạo, y tế.

Khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu ứng dụng đổi mới công nghệ gắn với việc áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ nhằm tạo ra hàng hóa có giá trị cao, đủ sức cạnh tranh trong quá trình hội nhập và bảo vệ môi trường; Đẩy mạnh hoạt động thông tin KH&CN, ứng dụng công nghệ thông tin để khai thác hiệu quả các thành tựu KH&CN, đồng thời hỗ trợ đắc lực cho công tác quản lý xã hội, tổ chức điều hành sản xuất kinh doanh và dịch vụ; Nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về tiêu chuẩn – đo lường – chất lượng, sở hữu trí tuệ, an toàn bức xạ và hạt nhân bảo đảm cho sự cạnh tranh lành mạnh, đáp ứng quyền lợi người tiêu dùng; Phát triển tiềm lực KH&CN, đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng đội ngũ cán bộ KH&CN phù hợp các lĩnh vực ưu tiên. Tiếp tục đổi mới tổ chức và cơ chế quản lý KH&CN, tạo môi trường thuận lợi để huy động các nguồn vốn đầu tư cho KH&CN.

ADQuảng cáo

Theo đó, cần thực hiện các giải pháp chủ yếu:  Thường xuyên tổ chức tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho cán bộ, người dân về vai trò của KH&CN đối với sự phát triển kinh tế - xã hội; Gắn các chỉ tiêu về phát triển KH&CN với các chỉ tiêu về phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Ứng dụng KH&CN trong sản xuất nấm tại Trạm ứng dụng và phát triển công nghệ sinh học (Sở KH&CN). Ảnh: Lê Dung

Đổi mới hệ thống tổ chức, cơ chế quản lý hoạt động KH&CN, thay đổi phương thức xác định, xây dựng, phân bổ dự toán và quyết toán kinh phí đối với nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước và thực hiện khoán chi trong hoạt động KH&CN. Cụ thể hóa các văn bản hướng dẫn thi hành và những quy định về KH&CN vào điều kiện thực tế của địa phương, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình triển khai thực hiện đề tài, dự án của cơ quan chủ trì, chủ nhiệm.

Nhanh chóng thành lập Quỹ phát triển KH&CN của tỉnh và xây dựng cơ chế tài chính của Quỹ phát triển KH&CN trong quản lý và thực hiện nhiệm vụ KH&CN. Khuyến khích doanh nghiệp thành lập Quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp gắn hoạt động sản xuất, kinh doanh với nghiên cứu khoa học.

Thực hiện chính sách xã hội hóa trong KH&CN đối với các thành phần kinh tế, có cơ chế, chính sách khuyến khích, thúc đẩy các thành phần kinh tế chủ động đầu tư nghiên cứu khoa học, ứng dụng kết quả nghiên cứu vào hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Phát huy và tăng cường tiềm lực KH&CN địa phương; Xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích, hỗ trợ thành lập các tổ chức KH&CN ở địa phương phù hợp với các mục tiêu, định hướng nhiệm vụ phát triển KH&CN trong từng giai đoạn, gắn với thực hiện cơ chế tự chủ, chịu trách nhiệm của tổ chức KH&CN công lập. Xây dựng Quy hoạch nguồn nhân lực KH&CN đồng bộ, gắn kết chặt chẽ với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực.

Xây dựng và tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình phát triển khoa học trọng điểm của địa phương phục vụ phát triển bền vững như: KH&CN phục vụ xây dựng nông thôn mới: Phát triển tài sản sở hữu trí tuệ; Chuyển giao, đổi mới công nghệ; Nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa…

Triển khai có hiệu quả cơ chế hợp tác giữa tỉnh với các tổ chức KH&CN trong cả nước để huy động các nguồn lực cho phát triển. Xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi để thu hút các chuyên gia, nhà khoa học tham gia vào các hoạt động KH&CN ở địa phương. Thông qua quá trình hợp tác nhằm tiếp thu, chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, phù hợp, góp phần phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Một số giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động khoa học và công nghệ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO