Năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa trên nhiều lĩnh vực đã được nâng cao

Lê Dung thực hiện| 31/12/2015 13:54

Nhân dịp tổng kết thập niên chất lượng tỉnh Đắk Nông lần thứ II (2006-2015), Phóng viên (PV) Báo Đắk Nông đã có cuộc trao đổi với ông Trần Viết Hùng, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ về một số kết quả đạt được trong 10 năm qua cũng như những định hướng để nâng cao năng suất, chất lượng cho sản phẩm, hàng hóa trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.

ADQuảng cáo

PV: Thưa ông, sau thập niên chất lượng lần thứ II, năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa của tỉnh ở một số lĩnh vực đã có sự chuyển biến như thế nào?

Ông Trần Viết Hùng: Thời gian qua, hưởng ứng đợt phát động thập niên chất lượng lần thứ II (2006-2015) với chủ đề "Năng suất chất lượng – Chìa khóa phát triển và hội nhập", toàn tỉnh đã triển khai nhiều chương trình, dự án hỗ trợ doanh nghiệp, hộ sản xuất nâng cao năng suất, chất lượng như Chương trình hỗ trợ đầu tư phát triển công nghiệp, thương mại, du lịch và dịch vụ trên địa bàn tỉnh; Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng và đổi mới công nghệ, xây dựng thương hiệu và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ; Chương trình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao…

Đến nay, toàn tỉnh đã hơn 20 doanh nghiệp, hộ sản xuất và 58 cơ quan hành chính Nhà nước trên địa bàn tỉnh đã áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001: 2008.

Trên các ngành, lĩnh vực cũng đã từng bước đạt được những kết quả đáng khích lệ, đơn cử như trong lĩnh vực nông nghiệp, người dân đã biết cách cải thiện chất lượng giống cây trồng, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và triển khai chương trình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao kết hợp với sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật an toàn.

Phương thức sản xuất cũng đã được chuyển dần sang sản xuất hàng hóa gắn với thị trường và xuất hiện nhiều mô hình trồng trọt đem lại hiệu quả. Đặc biệt, trên địa bàn tỉnh, nhiều chương trình, dự án tăng năng suất, chất lượng trong lĩnh vực chăn nuôi cũng đã được triển khai thành công như cải tạo hệ thống nuôi dưỡng động vật ăn cỏ ở Chư Jút, Dự án cải tiến, nâng cao chất lượng giống bò thịt tỉnh Đắk Nông, Dự án đầu tư xây dựng trung tâm giống thủy sản tại Đắk Mil…

Trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, nhiều doanh nghiệp cũng đã biết áp dụng các công nghệ tiên tiến vào sản xuất như công nghệ bắn màu trong phân loại, công nghệ đóng gói tự động. Một số đơn vị chế biến nông, lâm sản cũng đã áp dụng thành công Kaizen 5S, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm theo tiêu chuẩn HACCP. Nhờ đó, nhiều sản phẩm đã đủ điều kiện thâm nhập vào thị trường các nước như Mỹ, Ba Lan, Hà Lan, Nga… Tương tự, các lĩnh vực còn lại của tỉnh cũng đã từng bước có sự phát triển rõ rệt.

PV: Từ những kết quả trên cho thấy, việc nâng cao năng suất, chất lượng cho sản phẩm hàng hóa đã được các ngành và địa phương rất quan tâm thực hiện. Vậy, ông có thể cho biết một số hoạt động đầu tư tiêu biểu của tỉnh trong thời gian qua?

ADQuảng cáo

Ông Trần Viết Hùng: Những kết quả có được trên trong thời gian qua phần lớn là nhờ tỉnh đã tập trung ban hành nhiều chính sách khuyến khích, thúc đẩy hoạt động nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của địa phương như Nghị quyết 04/NQ-TU của Tỉnh ủy về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến năm 2020; Nghị quyết số 12/NQ-TU về phát triển khoa học và công nghệ đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030; Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ, giai đoạn 2012-2015…

Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng cho hoạt động năng suất, chất lượng cũng đã được tỉnh ưu tiên đầu tư. Trong đó, mạng lưới thử nghiệm, kiểm định đã được hình thành ở 11 đơn vị, với việc đầu tư máy móc, trang thiết bị hiện đại có chức năng kiểm định, thử nghiệm, hiệu chuẩn ở các lĩnh vực như vật liệu xây dựng, thực phẩm, môi trường, hóa lý…

Trong đó, Phòng Thử nghiệm - Hiệu chuẩn thuộc Chi Cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã được chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn quản lý phòng thí nghiệm TCVN ISO/IEC 17025 và 1 đơn vị đang xây dựng. Các đơn vị khác cũng đang từng bước nâng cao khả năng hoạt động, cơ bản đáp ứng được nhu cầu về thử nghiệm, kiểm định trên địa bàn…

PV: Ông có thể cho biết những mục tiêu và định hướng nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa của tỉnh trong giai đoạn 2016-2020.

Ông Trần Viết Hùng: Trong giai đoạn tới, ngành đã tham mưu cho tỉnh đưa ra một số mục tiêu cụ thể như phấn đấu đến năm 2020 sẽ có 100% doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu sản phẩm hàng hóa dịch vụ chủ lực được áp dụng ít nhất một hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến; xây dựng được 3 quy chuẩn kỹ thuật địa phương cho một số sản phẩm, hàng hóa chủ lực; 100% sản phẩm hàng hóa thuộc diện áp dụng quy chuẩn kỹ thuật được chứng nhận và công bố hợp quy; 10 sản phẩm, hàng hóa được chứng nhận và công bố hợp chuẩn…

Vì vậy, ngoài việc nâng cao công tác thông tin, tuyên truyền, các ngành cũng sẽ đẩy mạnh hơn nữa việc triển khai ứng dụng những tiến bộ của khoa học, kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, công nghiệp. Việc hoàn chỉnh và thực hiện có hiệu quả các chính sách khuyến khích đầu tư phát triển công nghiệp cũng sẽ được ngành chức năng tham mưu cho tỉnh đẩy mạnh để thu hút mạnh các nguồn vốn đầu tư từ các thành phần kinh tế; đồng thời, có giải pháp hỗ trợ khôi phục hoạt động cho các nhà máy đang tạm ngưng hoạt động vì khó khăn về nguồn nguyên liệu hoặc vi phạm về môi trường.

Đặc biệt, Dự án nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của tỉnh, giai đoạn 2016-2020 được triển khai, trên địa bàn tỉnh sẽ có các mô hình điểm, điển hình về cải tiến năng suất, chất lượng được thực hiện.

PV: Xin cảm ơn ông!

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa trên nhiều lĩnh vực đã được nâng cao
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO