Công nghệ sinh học đã “bám rễ” vào thực tiễn

Bảo Anh| 18/05/2016 09:15

Qua gần 10 năm triển khai thực hiện Chương trình hành động số 07-CTr/TU, ngày 13/6/2006 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc đẩy mạnh phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học (CNSH) phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nhiều lĩnh vực đã đạt được các thành tựu rõ nét và đã từng bước đi vào cuộc sống.

ADQuảng cáo

Sử dụng công nghệ sinh học trong việc nhân giống Lan gấm tại Trạm Ứng dụng và Phát triển công nghệ sinh học (Sở Khoa học và Công nghệ)

Trong 10 năm qua, toàn tỉnh đã có hơn 100 nhiệm vụ khoa học và công nghệ được triển khai ở các cấp. Trong đó, các nhiệm vụ đã đi sâu vào việc ứng dụng CNSH phục vụ sản xuất nông nghiệp, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, cải thiện đời sống của nhân dân như sản xuất chế phẩm vi sinh vật đa chức năng; sử dụng CNSH trong nhân giống lan gấm, khoai lang và một số cây dược liệu; khảo nghiệm, đưa vào trồng một số giống cây có triển vọng đối với địa phương như cây mắc ca, cà phê, ngô lai, lúa, đậu tương...

Thông qua các chương trình, dự án, các giống cây trồng, vật nuôi mới có giá trị kinh tế cao như chuối la ba, chuối già Nam Mỹ, khoai lang Nhật Bản, đinh lăng… được đưa vào sản xuất, ứng dụng theo hướng mới, hiện đại, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường và từng bước cải thiện đời sống cho người dân địa phương. Quá trình sử dụng các chế phẩm sinh học trong canh tác ngô, lúa lai bền vững và các cây trồng khác cũng được người dân quan tâm hưởng ứng, giúp tăng năng suất, chất lượng cây trồng.

Trong chăn nuôi, việc đẩy nhanh kế hoạch cải tạo đàn bò cũng đã được các địa phương quan tâm, thông qua việc ứng dụng rộng rãi phương pháp thụ tinh nhân tạo và bằng các giống bò đực Brahman, Lai Sind... góp phần đưa chăn nuôi bò thành một ngành sản xuất hàng hóa trong cơ cấu sản xuất nông nghiệp. Chăn nuôi heo, gà, vịt, thủy sản theo hướng ứng dụng CNSH cũng đã ngày càng gia tăng về quy mô. Một số giống mới được đưa vào thử nghiệm và đang dần hình thành các trang trại chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học như gà J-Dabaco, gà sao, vịt bầu cánh trắng, cá tầm, cá lăng...

Trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, CNSH cũng đã nghiên cứu và ứng dụng rộng rãi các tiến bộ kỹ thuật trong chế biến thức ăn chăn nuôi gia súc. Nổi bật lên là các mô hình ủ xanh và chế biến phụ phế phẩm nông nghiệp trong chăn nuôi, chế biến các phụ phế phẩm bằng phương pháp xử lý urê với các tỷ lệ khác nhau, chế biến và dự trữ thức ăn xanh cho mùa khô bằng phương pháp ủ xanh thức ăn trong nông hộ…

ADQuảng cáo

Qua quá trình hoạt động sản xuất, người dân cũng đã có sự thay đổi về thói quen sử dụng phân bón trong canh tác nông nghiệp theo hướng giảm tối đa lượng phân bón hóa học và thay vào đó là sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học cũng như việc phát triển sản xuất phân vi sinh tận dụng nguồn phế phụ phẩm nông nghiệp.

Việc sử dụng các chế phẩm phục vụ công tác xử lý chất thải trong quá trình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp cũng ngày càng phổ biến. Trong lĩnh vực y tế, công tác ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, nhất là CNSH vào khám chữa bệnh đã và đang được ngành chú trọng, từng bước đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh của người dân trên địa bàn…

Cũng theo Sở Khoa học và Công nghệ thì bên cạnh việc đẩy mạnh công tác nghiên cứu, ứng dụng, việc đầu tư tiềm lực khoa học công nghệ cho CNSH cũng đã và đang được tỉnh chú trọng. Trong đó, hiện nay, UBND tỉnh đã đồng ý cho đầu tư xây dựng Dự án trạm ứng dụng và phát triển CNSH.

Hiện tại, công trình đang từng bước đầu tư hoàn thiện mua sắm trang thiết bị, góp phần nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của nông sản hàng hóa. Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được hình thành để các nhà đầu tư có điều kiện sản xuất ra sản phẩm chất lượng tốt, có khả năng cạnh tranh cao. Đây cũng là nơi nghiên cứu mô hình, đào tạo, chuyển giao công nghệ để trình diễn các giống cây trồng, vật nuôi có năng suất cao, chất lượng tốt giúp người dân tham quan, học tập kinh nghiệm.

Bên cạnh đó, Dự án xây dựng trung tâm giống thủy sản của tỉnh cũng đang được triển khai xây dựng, khi hoàn thành sẽ góp phần chọn tạo ra các giống thủy sản có phẩm chất tốt, cung cấp cho thị trường trong tỉnh và khu vực. Hy vọng rằng, với sự đầu tư lớn mạnh này, CNSH sẽ ngày càng được ứng dụng hiệu quả và gắn chặt hơn với cuộc sống của nhân dân.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Công nghệ sinh học đã “bám rễ” vào thực tiễn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO