Khởi nghiệp từ lợi thế của địa phương

Linh Thư| 25/03/2019 14:15

Bằng sức trẻ, sự nhiệt huyết, nhiều bạn trẻ đã biết nắm bắt cơ hội, khai thác lợi thế của địa phương để khởi nghiệp bằng nhiều hình thức phong phú.

ADQuảng cáo

Trồng hoa lan rừng

Xuất phát từ niềm đam mê hoa lan, anh Phạm Xuân Trường (SN 1988) ở thôn 2, xã Quảng Khê (Đắk Glong) đã có thêm nghề trồng hoa lan rừng với thu nhập tương đối ổn định. Thích chơi hoa lan nên anh Trường thường sưu tập và nhân giống nhiều loại lan trong những đợt đi rừng làm rẫy và tìm mua giống tại các tỉnh lân cận như Đắk Lắk, Lâm Đồng về trồng...

Sau một thời gian, anh Trường nhận thấy nhu cầu chơi hoa lan ngày càng đa dạng, phong phú, việc đầu tư trồng hoa lan cũng không tốn nhiều thời gian, diện tích đất mà hiệu quả kinh tế lại cao hơn nhiều so với những cây trồng khác nên nảy sinh ý định kinh doanh hoa lan rừng.

Nghĩ là làm, năm 2015, anh Trường chính thức bắt đầu công việc trồng, kinh doanh hoa lan. Từ vài chục mét vuông diện tích trồng lan ban đầu, anh đã mở rộng hơn 500m2 và đầu tư vốn liếng để trồng hoa lan. Không chỉ lấy giống hoa từ các tỉnh lân cận, anh còn mạnh dạn mua thêm giống lan từ nhiều vùng miền trên cả nước và nước ngoài như Đài Loan, Thái Lan... Nhà trồng lan được thiết kế bài bản với khung sắt cao 6m, mái lợp lưới che 50% ánh sáng. Những loại lan cùng giống, cùng độ tuổi được bố trí theo từng khu vực với khoảng cách hợp lý để dễ chăm sóc và các giò lan đều nhận được lượng ánh sáng đồng đều.

Để lan phát triển tốt, ít bị bệnh, anh Trường còn học hỏi, áp dụng chế độ chăm sóc hợp lý, tưới nước, bón phân cho lan tùy vào tình hình thời tiết, tình trạng của cây. Nhờ tận tâm chăm sóc, nhân giống lan, đến nay, anh Trường đã có hơn 100 loài lan khác nhau như Di linh xuân, Hawai, Trầm rồng đỏ, Long tu, Giáng hương....với số lượng hơn 3.000 chậu.

ADQuảng cáo

Tận dụng thế mạnh của mạng xã hội, anh Trường tham gia vào các nhóm yêu thích lan, hội trao đổi, mua bán hoa lan... trên các trang web, hội nhóm trên facebook để trao đổi, học hỏi kinh nghiệm cũng như bán lan cho những người yêu thích chơi lan trên cả nước. Hiện tại, anh Trường đã có được đầu ra ổn định với lượng khách từ nhiều tỉnh thành khác nhau và có nguồn thu nhập hơn 15 triệu đồng/tháng từ việc kinh doanh hoa lan của mình.

Chị Trần Thị Dịu, ở tổ dân phố 4, phường Nghĩa Trung (Gia Nghĩa) lựa chọn kinh doanh các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của Đắk Nông làm hướng khởi nghiệp.

Kinh doanh sản phẩm mắc ca

Chị Trần Thị Dịu (SN 1989), ở tổ dân phố 4, phường Nghĩa Trung (Gia Nghĩa) lại chọn con đường kinh doanh các đặc sản nông nghiệp đặc trưng của Đắk Nông làm hướng đi cho bản thân. Với niềm đam mê, năm 2016, chị Dịu quyết định từ bỏ công việc hành chính để khởi nghiệp kinh doanh. Từ nguồn vốn tích cóp được những ngày còn đi làm, chị Dịu tập tành mua sản phẩm mắc ca về bán cho người thân quen và trên mạng xã hội.

Hạt mắc ca thơm ngon, nhiều chất dinh dưỡng, lại còn khá mới lạ với nhiều người, nên chị Dịu nhanh chóng có được lượng khách hàng ổn định. Ngoài việc bán lẻ, chị Dịu còn mở rộng bán sỉ cho nhiều bạn hàng tại các tỉnh lân cận với số lượng 2 tấn mắc ca ngay trong mùa đầu kinh doanh. Nhận thấy sức hút của đặc sản Đắk Nông, đầu năm 2017, chị Dịu đứng ra thành lập Công ty TNHH MTV Thương mại và Dịch vụ An Phát, chuyên cung cấp các mặt hàng nông sản như mắc ca, cà phê, điều, tiêu... với số vốn điều lệ 1 tỷ đồng.

Sau những ngày đầu bỡ ngỡ tìm nguồn nguyên liệu ổn định, tự sản xuất và tìm đầu ra cho sản phẩm, đến nay, công ty của chị đã có được hệ thống bán hàng ổn định trên phạm vi cả nước với doanh thu hàng tỷ đồng. Chị Dịu cho biết: “Tôi hy vọng có thể đem những đặc sản của quê hương Đắk Nông vươn ra thị trường cả nước và xa hơn là thị trường quốc tế”.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khởi nghiệp từ lợi thế của địa phương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO