Nhân rộng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo

Lê Dung thực hiện| 25/06/2019 09:50

Vài năm trở lại đây, phong trào khởi nghiệp dựa trên đổi mới sáng tạo (hay còn gọi là Startup) đang có sự lan tỏa mạnh mẽ trong cả nước nói chung và tỉnh Đắk Nông nói riêng. Liên quan đến vấn đề này, phóng viên (PV) Báo Đắk Nông đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Ngọc Danh, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ về việc triển khai Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh.

ADQuảng cáo

Ông Phạm Ngọc Danh, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Đắk Nông

PV: Ông có thể cho biết phong trào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh Đắk Nông hiện nay đang diễn ra như thế nào?

Ông Phạm Ngọc Danh: Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định 844/QĐ-TTg, ngày 18/5/2016, Sở Khoa học và Công nghệ đã tham mưu UBND tỉnh ban hành “Chương trình hỗ trợ Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Đắk Nông, giai đoạn 2018-2020, tầm nhìn đến năm 2025” tại Quyết định số 1523/QĐ-UBND, ngày 25/9/2018. Chương trình với mục tiêu thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo thông qua việc nâng cao chất lượng, quy mô và sự liên kết giữa các tổ chức, cá nhân trong Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo. Đến nay, đơn vị đã thực hiện công tác tuyên truyền thông qua Hội nghị tập huấn triển khai Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Đắk Nông.

Ngoài ra, trước đó, trên cơ sở nguồn kinh phí sự nghiệp khoa học công nghệ, đơn vị cũng đã thực hiện hỗ trợ cho 1 doanh nghiệp là Công ty Cổ phần đầu tư và Xuất nhập khẩu An Phong (Đắk Song) thực hiện đề tài “Hoàn thiện quy trình sản xuất piperin và tích hợp công nghệ thu tinh dầu trong quá trình chế biến tiêu trắng”.

Hiện tại, đơn vị đang tham mưu UBND tỉnh xây dựng Dự thảo Nghị quyết về “Chính sách khuyến khích hỗ trợ Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của tỉnh” để trình HĐND tỉnh trong thời gian tới. Qua đó nhằm hỗ trợ kịp thời cho các đối tượng khởi nghiệp trên địa bàn, giúp hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của địa phương ngày càng phát triển.

Bên cạnh đó, hiện nay, trên địa bàn tỉnh còn có 2 Đề án khởi nghiệp cũng đã và đang được các đơn vị triển khai, gồm: Đề án Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, giai đoạn 2017-2025 của Thủ tướng Chính phủ do Liên hiệp Hội Phụ nữ tỉnh triển khai và Chương trình Thanh niên khởi nghiệp, giai đoạn 2017-2022 của Ban Bí thư Trung ương Đoàn do Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh Đắk Nông triển khai thực hiện. Các đề án bước đầu đã mang lại kết quả thiết thực…

PV: Ông cho biết rõ hơn về lộ trình triển khai Chương trình hỗ trợ Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh?

Ông Phạm Ngọc Danh: Trước tiên, chương trình xây dựng mục tiêu cho 3 năm đầu (2018-2020) là sẽ hỗ trợ phát triển tối thiểu 8 doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, với tổng kinh phí ước khoảng 4,3 tỷ đồng. Trong đó, năm 2018, tỉnh dành kinh phí 300 triệu đồng cho các hoạt động như: Thành lập Ban chỉ đạo Hệ sinh thái khởi nghiệp để thực hiện dịch vụ hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh; tuyên truyền phổ biến kiến thức; đào tạo nguồn nhân lực…

ADQuảng cáo

Năm 2019, chương trình sẽ thực hiện hỗ trợ phát triển cụ thể cho 4 doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, với tổng kinh phí khoảng 2 tỷ đồng. Và phần kinh phí còn lại sẽ thực hiện hỗ trợ trong năm 2020. Tiếp đó, từ giai đoạn 2021-2025, Chương trình dự kiến hỗ trợ cho 10 doanh nghiệp khởi nghiệp trên địa bàn. Ngoài ra, trong quá trình triển khai chương trình, Sở cũng sẽ tham mưu kịp thời cho tỉnh xây dựng và ban hành cơ chế chính sách thu hút đầu tư, hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; đồng thời, sẽ thành lập Quỹ hỗ trợ Hệ sinh thái khởi nghiệp để hỗ trợ các hoạt động liên quan tại địa phương…

PV: Để phong trào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển, theo ông cần tập trung vào những những hoạt động hỗ trợ cụ thể nào?

Ông Phạm Ngọc Danh: Để phong trào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ngày càng phát triển, tỉnh đã, đang và sẽ có những hoạt động hỗ trợ cụ thể. Theo đó, tỉnh sẽ tiếp tục hỗ trợ tuyên truyền phổ biến kiến thức về hoạt động khởi nghiệp, Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên các phương tiện thông tin đại chúng…

Đơn vị chủ trì cũng sẽ thường xuyên cập nhật, thu thập thông tin, tiến tới thành lập Trang Thông tin điện tử khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Đắk Nông nhằm cung cấp các thông tin như: Công nghệ, sáng chế; tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng, sở hữu trí tuệ; chính sách, pháp luật; nguồn nhân lực; nguồn đầu tư và giao dịch đầu tư; đối tác, khách hàng; tổ chức, cá nhân hỗ trợ; sản phẩm dịch vụ, mô hình kinh doanh mới và các hoạt động khác hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo…

Đặc biệt, tỉnh sẽ tập trung cho công tác đào tạo nguồn nhân lực thông qua việc tổ chức các khóa đào tạo khởi nghiệp đổi mới sáng tạo như: Huấn luyện khởi nghiệp; marketing, quảng bá sản phẩm, dịch vụ; khai thác thông tin công nghệ, sáng chế; thanh toán, tài chính; đánh giá, định giá kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, tài sản trí tuệ.

Song song đó, đơn vị cũng sẽ phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan tổ chức thẩm định phương án, đề án về các mô hình, ý tưởng của các doanh nghiệp, cá nhân cần được hỗ trợ; đồng thời, xác định định hướng các hệ sinh thái khởi nghiệp phù hợp với địa phương như mô hình doanh nghiệp khởi nghiệp, cơ sở ươm tạo; tổ chức thúc đẩy kinh doanh…

Hy vọng, với những hoạt động hỗ trợ cụ thể trong thời gian tới, phong trào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh sẽ ngày càng được nhân rộng, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Cần được hỗ trợ tiếp cận thị trường

(Ông Đỗ Văn Kiều, Phó Giám đốc Công ty TNHH Thương mại sản xuất đông trùng Thảo Nguyên JG (Tuy Đức)).

Khu vực sản xuất Đông trùng hạ thảo của Công ty TNHH Thương mại sản xuất đông trùng Thảo Nguyên JG (Tuy Đức)

Thực ra Đắk Nông có 1 lợi thế rất lớn, đó là "cửa ngõ" giao thông giữa các tỉnh Tây Nguyên. Vì vậy, chúng tôi đã chọn Tuy Đức là nơi để thực hiện dự án đầu tư phát triển vùng dược liệu. Lúc đầu chúng tôi nhận định, khi đóng chân ở đây thì sẽ tận dụng được nhiều lợi thế để đưa sản phẩm về thành phố Hồ Chí Minh tiêu thụ.

Tuy nhiên, địa bàn này ở xa, giao thông đi lại không thuận lợi nên hiện nay, việc tiếp cận thông tin, công nghệ và thị trường, chúng tôi đang gặp nhiều hạn chế. Sản phẩm từ khi làm ra đến khi “chạm” thị trường rất lâu. Bình quân mỗi tháng, doanh nghiệp chỉ bán ra được khoảng tầm 4 kg dược liệu khô cho các thị trường ở thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và các tỉnh lân cận.

Vì vậy, thời gian tới, doanh nghiệp mong muốn cần có sự hỗ trợ nhiều hơn nữa từ các đơn vị chức năng trong vấn đề đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm ra thị trường… Để một doanh nghiệp mới đầu tư phát triển và gắn bó lâu dài với địa phương thì chúng tôi mong muốn thời gian tới, tỉnh cần tập trung vào việc quy hoạch các vùng dược liệu cũng như quy hoạch về những chính sách một cách rõ ràng. Có như vậy, các doanh nghiệp mới yên tâm đầu tư phát triển trên địa bàn.

*****

Doanh nghiệp trẻ “bắt tay” nhau cùng phát triển

(Ông Phan Văn Tâm, Giám đốc Công ty Cổ phần Tình yêu Việt TP. Hồ Chí Minh).

Phần lớn doanh nghiệp khởi nghiệp của tỉnh Đắk Nông đều hoạt động ở quy mô nhỏ và siêu nhỏ nên gặp rất nhiều khó khăn về vốn, thủ tục… Mặt khác, sự hoạt động độc lập, riêng lẻ của mỗi doanh nghiệp cũng khó tạo nên sức mạnh trong việc cạnh tranh với những sản phẩm của các doanh nghiệp bên ngoài tràn vào.

Đặc biệt, với những doanh nghiệp trẻ, mới thành lập, sản phẩm sẽ càng khó khăn trong việc tiếp cận thị trường. Vì vậy, cùng với việc hỗ trợ xúc tiến đầu tư, giao lưu hợp tác của các ngành, địa phương, doanh nghiệp cũng cần mạnh dạn “bắt tay” nhau để cùng tạo cơ hội học hỏi kinh nghiệm, hỗ trợ lẫn nhau cùng phát triển.

*****

Quan tâm hỗ trợ khởi nghiệp hộ kinh doanh, doanh nghiệp vừa và nhỏ

(Ông Trần Văn Thuân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Đắk Nông).

Qua kết quả khảo sát mới đây của Học viện Năng lượng- Kinh tế cho thấy, hiện nay, "hệ sinh thái khởi nghiệp" tỉnh Đắk Nông đang ở mức sơ khai. Phần đa vốn ban đầu của doanh nghiệp đều là đến từ các khoản tiết kiệm, bạn bè hoặc gia đình. Nhu cầu tín dụng của các doanh nghiệp rất lớn. Trong khi đó, các rào cản tín dụng đối với doanh nghiệp lại chưa được tháo gỡ.

Về góc độ văn hóa khởi nghiệp cũng chỉ mới chớm nở trong nhận thức của người dân, đơn giản đó chỉ là kinh doanh buôn bán hay sản xuất nhỏ theo hộ gia đình. Thời gian qua, tỉnh cũng đã thực hiện các chính sách, chương trình hành động cụ thể về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp trên địa bàn đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.

Tuy nhiên, các mục tiêu đề cập trong chính sách chỉ mang tính định hướng, chưa có sự ràng buộc trách nhiệm rõ ràng. Trong khi đó, thực trạng khởi nghiệp hiện nay lại đang dành mọi sự quan tâm cho những doanh nghiệp kỳ vọng vào sự tăng trưởng mạnh mẽ nhờ công nghệ hoặc những sáng tạo mang tính đột phá. Thiết nghĩ, với điều kiện hiện nay, trong chính sách hỗ trợ khởi nghiệp của tỉnh cần quan tâm ưu tiên nhiều hơn tới những hộ kinh doanh truyền thống, các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhân rộng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO