Rút ngắn khoảng cách từ khởi sự ý tưởng đến thành công

Đức Diệu| 20/12/2018 09:14

Khởi nghiệp- cụm từ được nhắc đến nhiều trong những năm gần đây, trở thành phong trào lan tỏa rộng khắp từ chủ trương, chính sách đến hành động. Nhiều ý kiến cho rằng khởi nghiệp là vấn đề không mới, nhưng hiện chúng ta đang có cách thức tiếp cận, cách làm mới với kế hoạch, lộ trình rõ ràng, bài bản hơn.

ADQuảng cáo

Nếu như trước đây, khởi nghiệp được hiểu như là vấn đề khá “to tát”, tức phải là những ý tưởng khởi sự tầm cỡ; phải là đề án, dự án ở tầm doanh nghiệp, công ty chẳng hạn thì nay, vấn đề này được nhận diện rõ ràng, thực tế hơn. Đơn cử như một người nông dân có thể khởi sự ý tưởng bằng những dự án, thậm chí mô hình ngay trên đồng rộng của chính mình. Thanh niên có thể thành công bằng những nghề phổ thông đơn giản nhưng mang lại hiệu quả thực tiễn, phù hợp với điều kiện, xu thế phát triển, dù đó là nghề cắt tóc, rửa xe...

Tất nhiên, bên cạnh đó, cũng có những ý tưởng khởi nghiệp cao hơn, xa hơn… Điều đáng nói, dù quy mô thế nào, tất cả các ý tưởng khởi nghiệp hợp với điều kiện, xu thế, mang tính bền vững đều được Đảng, nhà nước khuyến khích, tạo cơ chế, cơ hội để mọi công dân phát huy ý tưởng sáng tạo, tâm huyết cho mục tiêu phát triển.

Tại hội nghị tuyên truyền về hội nhập kinh tế quốc tế năm 2018 được tổ chức tại Đắk Nông mới đây, Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển cho rằng trong thời đại công nghệ số như hiện nay, nhiều quan điểm truyền thống đã bị phá vỡ, thay vào đó là sự ứng biến linh hoạt với xu thế chung. Có những quan điểm, ý tưởng có thể đúng, phù hợp với ngày hôm nay nhưng ngày mai lại không phù hợp.

Trong quan điểm về khởi nghiệp cũng vậy, không ai dám chắc rằng một ý tưởng khởi nghiệp “hoành tráng” có tính khả thi cao hơn một ý tưởng khởi nghiệp “cò con”. Vấn đề ở đây là ý tưởng đó có hợp với xu thế phát triển, năng lực triển khai ý tưởng và sự linh hoạt trong  tận dụng triệt để được các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và môi trường hội nhập hay không.

ADQuảng cáo

Thực tế cho thấy, trên địa bàn Đắk Nông những năm gần đây, nhiều người đã mạnh dạn tiên phong khởi sự ý tưởng của mình bằng những mô hình kinh tế mang lại hiệu quả thiết thực.  Từ nông thôn đến thành thị, ngày càng xuất hiện nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh tiêu biểu, tạo nên một phong trao thi đua sôi nổi, rộng khắp. Từ những ý tưởng, mô hình đó, cùng với sự hỗ trợ, khuyến khích từ phía nhà nước, nhiều nông dân, hộ kinh doanh cá thể đã phát triển thành tổ hợp tác, hợp tác xã, công ty…

Chỉ tính trong năm 2018, toàn tỉnh đã có 500 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, nâng tổng số doanh nghiệp đăng ký toàn tỉnh lên 4.614 doanh nghiệp, trong đó có 2.967 doanh nghiệp đang hoạt động, chiếm 64%. Mặc dù doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn chủ yếu ở quy mô nhỏ và siêu nhỏ song những đóng góp của khối kinh tế tư nhân, trong đó có cộng đồng doanh nghiệp cho nền kinh tế là rất lớn. Theo thông kê, khối kinh tế tư nhân hiện nay đang đóng góp hơn 90% cho ngân sách địa phương, trở thành khối động lực cho phát triển. Kinh tế tư nhân cũng đang tạo việc làm, thu nhập cho phần lớn lao động, góp phần bảo đảm an sinh, ổn định cho mục tiêu phát triển bền vững.

Để tiếp tục hỗ trợ, động viên toàn dân khởi nghiệp theo tinh thần của Chính phủ, ngoài việc triển khai kịp thời các chủ trương, chính sách của Đảng, nhà nước, thời gian qua, Đắk Nông cũng quyết liệt trong nỗ lực tạo lập môi trường sản xuất, kinh doanh minh bạch, bình đẳng. Đơn cử, trong năm 2018, tỉnh đã rút ngắn thời gian thành lập mới doanh nghiệp xuống không quá 2 ngày; cấp mã số doanh nghiệp không quá 12 giờ; thời gian cấp phép xây dựng từ 30 ngày xuống còn 10 ngày, thời gian tiếp cận điện năng xuống còn 6 ngày; thời gian hoàn thành thủ tục bảo hiểm bắt buộc xuống còn 45 giờ… để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho tổ chức, cá nhân về mặt thủ tục hành chính.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng đang triển khai khá đồng bộ các đề án, chương trình hỗ trợ khởi nghiệp như: thanh niên khởi nghiệp, phụ nữ khởi nghiệp, nông dân khởi nghiệp… Từ đây, nhiều ý tưởng khởi nghiệp đã sớm nhận được “người đỡ đầu” để được tư vấn, định hướng về mặt thủ tục, kỹ thuật, xác lập hồ sơ năng lực và cụ thể hóa ý tưởng trong môi trường thực tiễn.

Có thể thấy, cùng với sự hỗ trợ tích cực từ công nghệ thông tin, sự tự nâng cao kiến thức, kỹ năng theo tinh thần xã hội học tập của mỗi người dân, việc quan tâm, hỗ trợ từ phía nhà nước được xem là cơ sở, động lực rút ngắn khoảng cách trên lộ trình từ khởi sự ý tưởng đến thành công.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Rút ngắn khoảng cách từ khởi sự ý tưởng đến thành công
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO