Tận dụng thế mạnh của địa phương để khởi nghiệp

Linh Thư| 08/09/2021 09:09

Lập nghiệp, khởi nghiệp trên cơ sở tận dụng những thế mạnh từ sản phẩm nông nghiệp đặc trưng ở địa phương đang là hướng phát triển của các bạn trẻ.

ADQuảng cáo

Nhanh nhạy với thị thường, biết nắm bắt thời cơ, chị Nguyễn Thị Ngọc Hương ở TP. Gia Nghĩa đã lựa chọn sản xuất các sản phẩm từ hạt mắc ca để làm hướng phát triển kinh tế của bản thân. Hạt mắc ca thành phẩm được thị trường ưa chuộng với giá khá cao và cây mắc ca được nhiều người dân trong tỉnh và các vùng lân cận trồng nên có sẵn nguồn nguyên liệu.

Nhiều bạn trẻ đã tận dụng những thế mạnh từ sản phẩm nông nghiệp đặc trưng ở địa phương để khởi nghiệp

Từ nhận định trên, chị Hương đã mạnh dạn quyết định đầu tư máy móc, tìm hiểu quy trình sản xuất, thu mua nguyên liệu và bắt tay vào sản xuất các sản phẩm từ hạt mắc ca.

Vượt qua những khó khăn ban đầu, chị Hương đã gặt gái được những thành công khi các sản phẩm do Công ty TNHH Thương mại - Xuất nhập khẩu Macca Sachi Thịnh Phát của chị sản xuất đã dần có chỗ đứng trên thị trường, được người tiêu dùng tin tưởng sử dụng. Ngoài sản phẩm hạt mắc ca rang sấy thông thường, chị Hương còn phát triển thêm các sản phẩm dầu mắc ca, sữa hạt mắc ca, muối, bánh từ hạt mắc ca…

Chị Hương còn đạt giải nhất tại Cuộc thi khởi nghiệp tỉnh Đắk Nông lần thứ I, năm 2019 với đề án “Kinh doanh, chế biến mắc ca, sachi và các sản phẩm từ hạt mắc ca, sachi” của mình. Năm 2020, hạt mắc ca rang sấy của công ty chị cũng được công nhận là sản phẩm đạt OCOP 3 sao cấp tỉnh.

ADQuảng cáo

Cũng có sản phẩm hạt mắc ca được công nhận đạt OCOP 3 sao cấp tỉnh, chị Trần Thị Dịu, Giám đốc Công ty TNHH MTV Thương mại và Dịch vụ An Phát, ở phường Nghĩa Trung (Gia Nghĩa) đã gặt hái được những thành công trên con đường kinh doanh các đặc sản nông nghiệp đặc trưng của địa phương. Không chỉ sản xuất, kinh doanh các sản phẩm từ hạt mắc ca, chị Dịu còn kinh doanh các mặt hàng đặc trưng khác của tỉnh như cà phê, tiêu, điều, hạt sachi, hạt kơ nia…

Những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh xuất hiện ngày càng nhiều mô hình thanh niên xây dựng kinh tế nông thôn và tham gia chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Nhiều sản phẩm được phát triển, công nhận OCOP, có điều kiện phát triển sâu rộng trong và ngoài tỉnh.

Tỉnh đoàn, Sở Khoa học và Công nghệ ký kết chương trình phối hợp triển khai các hoạt động trong lĩnh vực khoa học, công nghệ trong đoàn viên, thanh niên

Thúc đẩy phong trào khởi nghiệp trong thanh niên, các cấp bộ đoàn trong tỉnh đã triển khai nhiều chương trình, hoạt động thiết thực, nhất là quan tâm, tạo cơ chế hỗ trợ, giúp các bạn trẻ có điều kiện tìm hiểu, tiếp cận nguồn vốn vay để khởi nghiệp, tập huấn, trang bị kiến thức về OCOP.

Tỉnh đoàn Đắk Nông, Hội LHTNVN tỉnh tiến hành rà soát, nhân rộng các mô hình thanh niên phát triển kinh tế tại các địa phương và tổ chức chuyển giao các mô hình ứng dụng công nghệ trong thanh niên… Mới đây, Tỉnh đoàn, Sở Khoa học và Công nghệ, Trường Cao đẳng Cộng đồng Đắk Nông đã tổ chức ký kết chương trình phối hợp triển khai các hoạt động trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo; các hoạt động hướng nghiệp, khởi nghiệp cho đoàn viên, thanh niên.

Những hoạt động này nhằm kiến tạo môi trường, tạo động lực mạnh mẽ để lực lượng đoàn viên, thanh niên trong tỉnh ra sức sáng tạo khởi nghiệp, từ đó khơi nguồn được tiềm năng, thế mạnh, sức sáng tạo và tinh thần xung kích của mỗi bạn trẻ, đóng góp vào sự phát triển kinh tế của tỉnh.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tận dụng thế mạnh của địa phương để khởi nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO