Tuổi trẻ Ðắk Nông với khát vọng khởi nghiệp (kỳ 2): Ðắk Glong tạo “đòn bẩy” cho thanh niên khởi nghiệp

Đặng Hiền| 23/09/2022 05:56

Đồng hành với thanh niên trong khởi nghiệp, lập nghiệp, Huyện đoàn Đắk Glong đã tập trung thực hiện các hoạt động kết nối, hỗ trợ nguồn vốn, tạo “đòn bẩy” cho đoàn viên, thanh niên phát triển kinh tế, mở rộng quy mô sản xuất, phấn đấu làm giàu cho bản thân và xã hội.

ADQuảng cáo

Cú hích từ nguồn vốn hỗ trợ

Chị Ka Rệp, thôn 7, xã Quảng Khê (Đắk Glong) gặp khó khăn khi không có vốn để chuyển đổi cây trồng từ vườn cà phê già cỗi, kém năng suất sang cây trồng khác. Năm 2020, chị Ka Rệp nhận tin vui khi được hỗ trợ giải ngân 80 triệu đồng từ vốn vay ủy thác của Ngân hàng Chính sách Xã hội do Huyện đoàn quản lý. Có vốn trong tay, vợ chồng chị đã trồng cây dâu trên diện tích 7 sào đất và đầu tư nuôi lứa tằm đầu tiên.

Vừa làm vừa học hỏi, khi có đủ kinh nghiệm và nguồn lá dâu ổn định, chị Rệp tăng nuôi lên 8-9 lứa tằm/năm, mỗi lứa từ 3-4 hộp trứng. Với giá kén duy trì như hiện nay, 180.000 đồng/kg, mỗi lứa tằm đang cho chị Rệp thu nhập từ 20 đến 25 triệu đồng.

Chị Ka Rệp phấn khởi: “May nhờ có nguồn vốn vay ưu đãi này mà vợ chồng tôi đã có tiền đầu tư, chuyển hướng phát triển kinh tế. Tôi cố gắng sử dụng nguồn vốn thật hiệu quả, đem lại nguồn thu nhập tương đối cho gia đình và sẽ trả khoản vay đúng hạn như cam kết”.

Huyện đoàn Đắk Glong quan tâm, kết nối, hỗ trợ vốn vay cho thanh niên địa phương phát triển kinh tế, khởi nghiệp

Năm 2019, với số vốn ít ỏi 15 triệu đồng, anh Nguyễn Văn Hiệp, ở thôn 8, xã Đắk Ha (Đắk Glong) đã quyết định lập nghiệp với mô hình nuôi heo rừng lai. Ban đầu, Hiệp đầu tư mua 3 con heo giống, mượn đất của gia đình để làm chuồng trại nuôi heo. Heo rừng lai có nguồn gốc hoang dã nên có đặc tính ăn tạp, kháng bệnh tốt, không mất nhiều công chăm sóc. Hiệp tận dụng cây chuối, rau cỏ, củ, quả có sẵn trong vườn để làm thức ăn cho heo. Từ 3 con giống đầu tiên, đến nay, Hiệp đã có đàn heo thường xuyên khoảng 13 con mẹ, 50 con heo con. Hiệp bán heo con làm giống và heo thịt tùy nhu cầu của người mua, đem lại nguồn thu nhập tương đối ổn định cho gia đình.

Từ thành công với mô hình nuôi heo, anh Hiệp muốn mở rộng thêm chăn nuôi, phát triển đàn bò để đa dạng vật nuôi, tăng thêm thu nhập cho bản thân, nhưng đòi hỏi nguồn vốn lớn để đầu tư ban đầu. Đứng trước khó khăn về nguồn vốn, Hiệp được tổ chức đoàn hỗ trợ vay 90 triệu đồng từ nguồn vốn Quỹ quốc gia về giải quyết việc làm (Chương trình 120 của Trung ương Đoàn) để phát triển chăn nuôi.

Hiệp tâm sự: “Sau khi cung cấp thông tin cho các anh chị của Đoàn xã thì chưa đầy 1 tháng là mình đã được giải ngân vốn, thủ tục nhanh chóng và đơn giản. Với số tiền có được, mình đã đặt bò giống để nuôi, đầu tư chuồng trại và tái đầu tư nuôi heo rừng lai. Mong rằng, mô hình nuôi bò cỏ sẽ đạt được kết quả tích cực, mở thêm hướng phát triển kinh tế mới cho bản thân”.

Anh Nguyễn Văn Hiệp, thôn 8, xã Đắk Ha (Đắk Glong) được hỗ trợ vay 90 triệu đồng từ nguồn vốn Quỹ quốc gia về giải quyết việc làm (Chương trình 120 của Trung ương Đoàn) để phát triển chăn nuôi
ADQuảng cáo

Tiếp sức cho thanh niên khởi nghiệp

Đắk Glong là huyện nghèo thuộc diện 30A, đời sống người dân, trong đó, có đoàn viên, thanh niên còn nhiều khó khăn. Chia sẻ khó khăn với đoàn viên thanh niên, Huyện đoàn Đắk Glong luôn đồng hành cùng thanh niên trong khởi nghiệp, lập nghiệp là nội dung quan trọng trong các chương trình công tác đoàn hằng năm.

Huyện đoàn đã chỉ đạo các tổ chức đoàn trực thuộc thực hiện nhân rộng mô hình phát triển kinh tế hiệu quả, tổ chức các lớp tập huấn, hướng nghiệp, động viên thanh niên học hỏi, triển khai các ý tưởng, mô hình khởi nghiệp, lập nghiệp. Huyện đoàn đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện tiếp nhận, giải ngân nguồn vốn cho thanh niên để giải quyết việc làm, hỗ trợ khởi nghiệp, lập nghiệp. Hiện tại, Huyện đoàn đang quản lý 45 tổ vay vốn với tổng dư nợ vốn vay ủy thác qua Ngân hàng Chính sách Xã hội trên 117 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, Huyện đoàn quan tâm, hỗ trợ vốn vay cho thanh niên làm kinh tế thông qua các chương trình, kênh vốn của Trung ương Đoàn và của tỉnh phân bổ. Toàn huyện đã hỗ trợ, giải ngân cho 5 đoàn viên, thanh niên với tổng 390 triệu đồng từ nguồn vốn Quỹ quốc gia về giải quyết việc làm (kênh 120 của Trung ương Đoàn) và Quỹ hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp của tỉnh.

Từ việc sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay ưu đãi, các hộ đoàn viên, thanh niên đã đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, ổn định cuộc sống, nâng cao thu nhập, đồng thời giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động tại địa phương. Đồng thời, tạo điều kiện khích lệ, động viên thanh niên khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của địa phương để phát triển sản xuất và giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương như: mô hình chăn nuôi heo của anh Triệu Cao Cường, trồng dâu nuôi tằm của chị H’Jớt, xã Quảng Khê; mô hình cây ăn trái đa canh của anh Ngô Thanh Sáng, xã Quảng Sơn… Qua khảo sát, đánh giá thực tế, các nguồn vốn khi được giải ngân đã cho thấy tính hiệu quả, với thu nhập từ 100 triệu đồng đến 250 triệu đồng/năm/mô hình.

Bí thư Huyện đoàn Đắk Glong Giàng Seo Chúng cho biết: “Cùng với hỗ trợ thanh niên phát triển kinh tế theo cá nhân, thời gian tới, chúng tôi quan tâm, thúc đẩy, hướng các bạn trẻ phát triển kinh tế theo nhóm, mô hình hợp tác xã. Các bạn trẻ khi được trang bị kiến thức khởi nghiệp, tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi từ ngân hàng, các quỹ hỗ trợ có điều kiện mở rộng quy mô ngành nghề, hoạt động kinh doanh, thêm động lực, tự tin, quyết tâm hơn trên con đường khởi nghiệp, lập nghiệp mà mình đã chọn”.

Đồng hành cùng thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp của Huyện đoàn Đắk Glong đang ngày càng đi vào chiều sâu, đạt hiệu quả thực chất. Đây là bước đệm quan trọng để mỗi bạn trẻ vững vàng, mạnh dạn hơn trên con đường khởi nghiệp, tự tạo công ăn việc làm và thu nhập cho bản thân, gia đình, cộng đồng.

>> Kỳ 3: Chắp cánh cho khát vọng khởi nghiệp

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tuổi trẻ Ðắk Nông với khát vọng khởi nghiệp (kỳ 2): Ðắk Glong tạo “đòn bẩy” cho thanh niên khởi nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO