Áp lực khi lãi suất ngân hàng tăng

Nguyễn Lương| 02/11/2022 08:45

Mới đây, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quyết định nâng lãi suất điều hành thêm 1%/năm. Trước động thái này, nhiều người dân, doanh nghiệp tỏ ra khá lo lắng khi nhu cầu vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh những tháng cuối năm thường tăng cao.

ADQuảng cáo

Lãi suất cho vay tăng lần 2

Kể từ ngày 25/10/2022, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quyết định tăng thêm 1% lãi suất điều hành. Theo quy định này, lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu, trần lãi suất huy động dưới 6 tháng, lãi suất cho vay các lĩnh vực ưu tiên sẽ tăng lên 1%/năm so với trước đây.

Đây là lần nâng lãi suất điều hành thứ 2 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam kể từ đầu tháng 10/2022. Có thể thấy, trong điều kiện thực tế hiện nay, việc điều chỉnh tăng các mức lãi suất điều hành là giải pháp kịp thời, phù hợp trong việc kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.

Theo Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thực hiện chỉ đạo của ngân hàng Trung ương, đơn vị đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn thực hiện nghiêm túc các quy định về lãi suất. Việc tuyên truyền về những thay đổi trong điều chỉnh lãi suất để khách hàng biết và tiếp cận cũng được các ngân hàng chú trọng.

Thời điểm này, hầu hết các ngân hàng thương mại trên địa bàn đã tăng lãi suất cho vay đối với cá nhân, doanh nghiệp. Trong đó, khối ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước vẫn đang điều chỉnh tăng ở mức thấp nhất. Cụ thể, lãi suất cho vay doanh nghiệp được các ngân hàng điều chỉnh tăng 1% so với trước đây. Riêng ở khối ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân, lãi suất cho vay doanh nghiệp tăng từ 1%-1,5% và có thể tăng cao hơn trong thời gian tới.

Ðến hết tháng 10/2022, tổng dư nợ của toàn ngành ngân hàng đối với nền kinh tế trên địa bàn hơn 39.000 tỷ đồng, tăng hơn 12% so với thời điểm đầu năm. Những tháng đầu năm, toàn ngành đã cơ cấu thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho 1.058 khách hàng, với tổng dư nợ 772 tỷ đòng. Toàn tỉnh có 116 khách hàng được miễn, giảm lãi vay, với tổng dư nợ được miễn, giảm lãi đạt 82 tỷ đồng.

Doanh nghiệp, người dân tỏ ra lo lắng khi các ngân hàng đồng loạt tăng lãi suất cho vay

Nhiều áp lực

ADQuảng cáo

Việc tăng lãi suất điều hành, trong đó có lãi suất cho vay đã khiến không ít khách hàng trên địa bàn tỉnh tỏ ra khá lo lắng. Ông Nguyễn Xuân Trường, chủ Doanh nghiệp tư nhân Dịch vụ Nông nghiệp - Thương mại Xuân Trường (Đắk R’lấp) cho rằng, cuối năm là giai đoạn “nước rút” cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi.

Việc chuẩn bị các nguồn hàng thực phẩm cung cấp cho thị trường Tết buộc các doanh nghiệp phải có đủ tiềm lực tài chính. Từ thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, nâng cấp chuồng trại của các doanh nghiệp đều phải vay ngân hàng.

Chưa kể, so với các ngành nghề khác, làm nông nghiệp tiềm ẩn nhiều rủi ro, nên việc ngân hàng tăng lãi suất cho vay trong thời điểm này sẽ rất khó khăn cho doanh nghiệp.

Không chỉ doanh nghiệp lo lắng, nhiều người dân, nhất là các tiểu thương cũng bất an khi lãi suất ngân hàng tăng lên. Bà Lê Thị Ngọc, chủ tạp hóa Ngọc Bích (Đắk Mil) chia sẻ, với các tiểu thương, thời điểm cuối năm thường vay ngân hàng số vốn nhiều để dự trữ nguồn hàng phục vụ người tiêu dùng.

Do vậy, lãi suất vừa phải, người kinh doanh sẽ dễ thở hơn. Trong kinh doanh, buôn bán, vấn đề người dân quan tâm là lợi nhuận thu về. Lãi suất vay ngân hàng tăng, đồng nghĩa lợi nhuận giảm đi.

"Cần vốn nên lãi suất tăng vẫn phải chấp nhận. Chúng tôi chỉ mong tình hình kinh tế trong nước và thế giới sớm được cải thiện để mặt bằng lãi suất được điều chỉnh phù hợp hơn”, bà Ngọc cho biết.

Trong kỳ điều hành lãi suất lần này, cùng với nâng lãi tiền vay, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã điều chỉnh nâng lãi suất đối với một số kỳ hạn tiền gửi.

Như vậy, động thái tăng lãi suất huy động vốn không chỉ giúp các tổ chức tín dụng thu hút dòng tiền nhàn rỗi trong dân cư, mà chính người dân cũng được hưởng lợi khi quy định mới được áp dụng.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Áp lực khi lãi suất ngân hàng tăng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO