Bài học từ cây hồ tiêu rớt giá: Nông dân cần thay đổi cách nghĩ, cách làm

Văn Tâm| 09/04/2018 09:33

Trong khi giá tiêu trên thị trường trong tỉnh liên tục “lao dốc” và chạm đáy 50.000 – 54.000 đồng/kg thì những hộ sản xuất tiêu theo hướng hữu cơ vẫn bán đước với giá từ 100 – 130.000 đồng/kg. Đây chính là bài học bổ ích để người trồng tiêu trong tỉnh thay đổi cách nghĩ, cách làm lâu nay.

ADQuảng cáo

Những năm qua, khi giá hồ tiêu đạt ở mức cao, người dân ồ ạt mở rộng diện tích, bất chấp các khuyến cáo của ngành Nông nghiệp, chính quyền địa phương. Diện tích lớn nhưng khả năng đầu tư kỹ thuật vào canh tác không đồng đều giữa các hộ, các vùng, dân tộc đã gây khó khăn cho quá trình nâng cao giá trị ngành hàng hồ tiêu Đắk Nông.

Liên kết sản xuất hồ tiêu hữu cơ đã mang lại hiệu quả cao cho xã viên Hợp tác xã Hồ tiêu hữu cơ Đồng Thuận, xã Nhân Cơ (Đắk R’lấp)

Thua lỗ vì sản xuất theo phong trào

Trong vụ thu hoach hồ tiêu năm nay, về thăm những vùng có diện tích tiêu lớn trong tỉnh, chứng kiến một vụ thu hoạch buồn mới thấy được nỗi khổ của nông dân. Nhất là những hộ nông dân chỉ trồng độc canh cây tiêu và những hộ vay ngân hàng để đầu tư, mở rộng diện tích hồ tiêu.

Những năm 2012 về trước, ông Trần Văn Quốc ở xã Nâm N’Jang (Đắk Song), có 4 ha hồ tiêu. Nhớ lại những năm đó, ông Quốc cho hay: Vào thời điểm cây tiêu được mùa, được giá, gia đình ông mỗi vụ trừ tất cả chi phí cũng thu về trên 1,5 tỷ đồng.

Sau mấy năm trồng tiêu, ông Quốc đã gửi vào ngân hàng hơn 12 tỷ đồng. Những năm sau đó, giá cả hồ tiêu liên tục ổn định ở mức cao, thấy nhiều người trong vùng ồ ạt mở rộng diện tích, ông Quốc cũng nôn nóng làm theo. Sẵn số tiền dành dụm gửi ở ngân hàng, ông không ngại ngần rút ra để mua đất. Ban đầu mua đất gần nhà, sau đó ông mua sang các xã lân cận như Trường Xuân, Đắk Rung, Đắk Môl… nghe ở đâu có bán đất là ông đến "đổ tiền" ra mua.

Nói về ngày bị cây tiêu mê hoặc, ông Quốc chua chát giải bày: “Tôi đổ gần hết số tiền dành dụm được ra mua đất, khi tiêu “sốt giá” mỗi ha đất bình thường chẳng trồng được cây gì nhưng lúc ấy người ta bán với giá từ 200 – 300 triệu đồng. Đâu phải mua đất không đâu. Muốn đầu tư hoàn chỉnh cho một vườn tiêu, mỗi ha phải chi ngót ngắc cỡ 400 – 500 triệu đồng nữa”.

Tuy nhiên, với hơn 10 ha đất trồng tiêu mới đây của ông Quốc thì chỉ có 3 – 4 ha mới cho thu bói, còn lại đều mới trồng. Điều đáng nói là sau khi dốc hết 12 tỷ đồng đầu tư trồng tiêu, hiện giờ ông Quốc nợ lại của ngân hàng 4 tỷ đồng. Với gia cảnh như thế này không biết mấy năm nữa ông mới trả được nợ.

Cũng như ông Quốc, gia đình bà Trương Thị Nhân ở xã Đắk N'drung cũng lâm vào cảnh nợ nần do chạy theo cây tiêu.

Từng một thời được ví như “vàng đen”, đến nay, hồ tiêu bất ngờ rớt giá một cách thê thảm, khiến cho nhiều người muốn bỏ vườn. Bởi, với 54.000 đồng/kg, những vườn tiêu tốt thì thu hoạch hòa vốn, còn vườn tiêu mất mùa, khó hái thì thu hoạch không đủ tiền trả cho nhân công. Đó là những hộ chỉ việc trả tiền thuê người hái còn so với tiền vay ngân hàng để đầu tư thì coi như không còn khả năng.

ADQuảng cáo

Thu nhập ổn định từ làm tiêu hữu cơ

Trong khi đại đa số người trồng tiêu trên địa bàn tỉnh lao đao vì giá tiêu giảm sâu thì có một số xã viên Hợp tác xã (HTX) tiêu hữu cơ Đồng Thuận đứng chân trên địa bàn thôn 6, xã Nhân Cơ (Đắk R’lấp) nhờ sản xuất tiêu theo hướng hữu cơ nên vẫn bán được tiêu với mức giá cao gấp đôi tại thời điểm này. Bởi, thay vì sử dụng phân, thuốc hóa học, bà con chỉ sử dụng phân chuồng, phân hữu cơ nên không chỉ giảm đáng kể chi phí sản xuất mà giá bán cũng cao hơn.

Theo ông Đào Duy Hải, Giám đốc HTX Hồ tiêu hữu cơ Đồng Thuận thì việc sản xuất hồ tiêu theo hướng hữu cơ không thể đạt tuyệt đối về năng suất như trước (từ 8 – 12 tấn/ha). Nhưng bù lại vườn cây ít nhiễm bệnh, năng suất luôn giữ mức ổn định, trung bình đạt từ 3 - 4 tấn, chăm sóc tốt đạt từ 5 tấn trở lên. Hiện nay, sau khi thực hiện xong các công đoạn sau thu hoạch như: Phơi, sấy, đóng bao bì bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, sản phẩm hồ tiêu của HTX được công ty liên kết thu mua với giá 130.000 đồng/kg, cao hơn 76.000 đồng/kg so với giá tiêu chung.

Sản xuất tiêu hữu cơ được ông Đào Duy Hải, Giám đốc HTX Hồ tiêu hữu cơ Đồng Thuận từng bước nghiên cứu, áp dụng chuyên sâu hơn

Ông Hải cho biết: “HTX Đồng Thuận đã trải qua 8 năm sản xuất tiêu theo hướng hữu cơ. Nhiều năm nay, chúng tôi không lạm dụng phân bón hóa học và thuốc BVTV để chăm sóc vườn tiêu nữa mà chủ yếu sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc hữu cơ như: Phân bò, phân cá ủ hoai, thuốc trị nấm bệnh sinh học…”. Do đó, hiện trên 20 ha hồ tiêu của bà con HTX đều tuân thủ sản xuất đúng quy trình và được giám sát nghiêm ngặt.

Với hướng đi là không chạy theo số lượng về diện tích, năng suất mà tập trung vào chất lượng, thực hành nông nghiệp tốt, thân thiện môi trường nên sản phẩm hồ tiêu của HTX Đồng Thuận được đánh giá cao ở thị trường EU, Nhật Bản…

Người dân bon Me Ra, xã Đắk R’tíh (Tuy Đức) chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc hồ tiêu. Ảnh:  Minh Huyền 

Giải pháp để cây tiêu phát triển bền vững

Cây hồ tiêu là cây trồng có hiệu quả kinh tế, phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương, tuy nhiên đòi hỏi người sản xuất phải có kinh nghiệm và kỹ thuật. Theo định hướng đến năm 2020, tỉnh Đắk Nông ổn định diện tích hồ tiêu khoảng gần 10.000 ha, sản lượng gần 19.000 tấn/năm, nhưng thực tế năm 2017, diện tích trồng tiêu trên địa bàn tỉnh đã đạt trên 31.000 ha, sản lượng 37.000 tấn đã phá vỡ định hướng chung của tỉnh.

Trước thực tế đó, tỉnh Đắk Nông đang thực hiện nhiều giải pháp để phát triển ngành hồ tiêu bền vững. Trong đó, đặc biệt chú trọng đến rà soát, quản lý quy hoạch vùng sản xuất hồ tiêu gắn với vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; thực hiện sản xuất hồ tiêu sinh học, hữu cơ gắn với chế biến sâu để nâng cao chất lượng, gia tăng giá trị sản phẩm.

Theo bà Hoàng Ngọc Duyên, Chi cục phó Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp – PTNT), ngành Nông nghiệp đang cùng với các địa phương tích cực vận động, tuyên truyền bà con ổn định sản xuất, không chạy theo giá cả thị trường làm phá vỡ quy hoạch chung; xây dựng các tiêu chuẩn sản xuất giống, tiến hành công nhận cây đầu dòng, vườn cây đầu dòng nhằm bảo đảm sản xuất giống có nguồn gốc, sạch bệnh. Đồng thời, tỉnh cũng sẽ thực hiện đồng bộ các chính sách hỗ trợ xây dựng cơ sở chế biến; các mô hình chuyển giao kỹ thuật và thu hút đầu tư, tạo mối liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân theo tiêu chuẩn trong nước và quốc tế. Việc đăng ký mẫu mã và xây dựng thương hiệu để tăng khả năng cạnh tranh các sản phẩm hồ tiêu là giải pháp bảo đảm tính lâu dài mà tỉnh sẽ triển khai.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài học từ cây hồ tiêu rớt giá: Nông dân cần thay đổi cách nghĩ, cách làm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO