"Bài toán" cho nguyên liệu đầu vào

Đức Diệu| 18/09/2017 16:14

Là tỉnh có nhiều lợi thế về phát triển nguồn nguyên liệu đầu vào phục vụ hoạt động sản xuất, chế biến, nhất là trong lĩnh vực nông, lâm sản nhưng hiện đang là bài toán khó cho nhiều doanh nghiệp trên địa bàn Đắk Nông.

ADQuảng cáo

Quỹ đất dành cho trồng rừng nguyên liệu nhỏ lẻ, manh mún nên khó khăn cho doanh nghiệp trong trồng rừng nguyên liệu tập trung

Mới đây, Thường trực Tỉnh ủy đã có buổi làm việc với Công ty Cổ phần Kỹ nghệ gỗ MDF BISON để nắm bắt khó khăn, tìm hướng tháo gỡ trong vấn đề nguyên liệu đầu vào cho hoạt động sản xuất, chế biến gỗ ván MDF. Điều đáng nói, đây không phải là khó khăn mới phát sinh mà đã tồn tại nhiều năm nay nhưng vẫn chưa được tháo gỡ. Trong khi, Đắk Nông được đánh giá là tỉnh có tiềm năng trong phát triển nguyên liệu các nhóm cây lấy gỗ.

Theo lãnh đạo Công ty Cổ phần Kỹ nghệ gỗ MDF BISON, hiện nhà máy MDF BISON tại Đắk Song có nhu cầu nguyên liệu đầu vào khoảng 200.000 tấn/năm. Tuy nhiên, từ cuối tháng 5/2017 đến nay, nhà máy MDF chỉ hoạt động khoảng 50% công suất do thiếu nguyên liệu. Chưa kể, số nguyên liệu này phần lớn Công ty phải thu mua từ các tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk, còn địa bàn Đắk Nông chỉ đáp ứng được nhu cầu rất nhỏ. Chưa xây dựng được vùng nguyên liệu tại chỗ nên hàng tháng, Công ty đang phải “gánh” thêm một khoản chi phí tăng thêm từ việc vận chuyển, thu mua nguyên liệu từ các tỉnh.

Bên cạnh đó, hiện Công ty cũng đang xây dựng Nhà máy ván dán BISON tại Khu Công nghiệp Tâm Thắng (Chư Jút), dự kiến cuối năm 2017 đi vào hoạt động với nhu cầu nguyên liệu đầu vào khoảng 100.000 tấn/năm cho giai đoạn 1. Từ đây, phát triển vùng nguyên liệu đang là vấn đề sống còn của Công ty.

Không riêng gì Công ty Cổ phần Kỹ nghệ gỗ MDF BISON, phát triển vùng nguyên liệu bền vững, phục vụ hoạt động sản xuất, chế biến cho các nhà máy ở lĩnh vực nông, lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh đang là vấn đề sống còn của nhiều doanh nghiệp. Điều đáng nói, việc phát triển vùng nguyên liệu bền vững không phải bản thân doanh nghiệp tự quyết định mà còn liên quan đến nhà nước và cả người nông dân.

Chỉ đơn cử, Chư Jút, Krông Nô là các địa phương trọng điểm cung cấp sản phẩm đầu vào cho hoạt động sản xuất, chế biến đậu nành, đậu phụng của doanh nghiệp đóng chân trên địa bàn. Thế nhưng, những nguồn nguyên liệu này đang ngày bị thu hẹp diện tích, sản lượng do người dân chuyển đổi sang trồng hồ tiêu và một số cây trồng khác. Nếu không có các giải pháp can thiệp kịp thời để xây dựng ổn định vùng nguyên liệu, hoạt động chế biến, xuất khẩu đậu nành, đậu phụng của tỉnh sẽ bị ảnh hưởng. Câu chuyện sản xuất mía đường Đắk Nông là một ví dụ điển hình về hậu quả của việc không xây dựng được vùng nguyên liệu ổn định. Do không có nguồn nguyên liệu tại chỗ, đầu năm 2017, nhà máy đường đóng ở Khu công nghiệp Tâm Thắng đã phải ngưng hoạt động, tháo dỡ máy móc để “rút lui”.

ADQuảng cáo

Những nguyên liệu trên đã vậy, nhiều danh nghiệp hoạt động chế biến cà phê, hồ tiêu cũng không thoát khỏi cảnh lo nguyên liệu đầu vào. Bởi vì, mặc dù là những cây trồng có thế mạnh chủ lực, với sản lượng lớn song để đáp ứng yêu cầu chế biến sâu với máy móc, dây chuyền hiện đại có vốn đầu tư ban đầu lớn thì doanh nghiệp thấy lo nhất là nguyên liệu đầu vào. Do sản xuất manh mún, không đồng nhất về giống, chủng loại, xuất xứ nên những sản phảm này chưa đáp ứng được yêu cầu chế biến sâu với số lượng lớn.

Vấn đề ở đây là, không phải doanh nghiệp chưa tính đến nguyên liệu nhưng khi bắt tay vào triển khai lại đang gặp khó. Bởi hiện nay vấn đề quy hoạch, triển khai và quản lý quy hoạch về vùng nguyên liệu của Đắk Nông còn chậm, có nhiều bất cập. Do công tác quy hoạch chưa đáp ứng được yêu cầu nên việc phát triển các vùng sản xuất tập trung ở Đắk Nông gần như chưa có. Các loại cây trồng chủ yếu phát triển tự phát, manh mún nên khó khăn trong chuyển đổi cây trồng theo định hướng.

Bên cạnh đó, việc giải quyết quỹ đất cho doanh nghiệp thuê phát triển các vùng nguyên liệu tập trung cũng không hề đơn giản bởi phần lớn đất đủ điều kiện đều đang được người dân canh tác nên chi phí đền bù, giải phóng mặt bằng cao. Nếu có thì quỹ đất lại rất nhỏ, phân tán, không đáp ứng được yêu cầu của phía doanh nghiệp.

Nhiều ý kiến cho rằng, hướng đi cho "bài toán" nguyên liệu đầu vào chính là việc tăng cường sự liên kết, hợp tác giữa doanh nghiệp và người nông dân. Trên thực tế, thời gian qua, vấn đề này đã được nhiều doanh nghiệp thực hiện nhưng nhìn chung mới ở dạng mô hình, chưa phát triển quy mô rộng.

Bên cạnh đó, tính liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp còn lỏng lẻo, thiếu bền vững. Vì thế, hợp đồng liên kết này dễ bị phá vỡ khi một trong các bên tìm được những lợi ích kinh tế riêng. Đã không ít doanh nghiệp bội tín với nông dân, bỏ mặc khi giá cả nông sản tụt dốc hoặc cũng rất nhiều nông dân sẵn sàng phá bỏ hợp đồng để chuyển sang trồng loại cây khác có giá trị kinh tế cao hơn hay bán sản phẩm cho người khác với giá có lời hơn…

Từ đây cho thấy, để xây dựng được chuỗi liên kết trong cung ứng, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, bên cạnh đẩy mạnh quy hoạch, quản lý quy hoạch, doanh nghiệp và người dân phải xác lập được những thỏa thuận mang tính pháp lý cao trên cơ sở đáp ứng được quyền lợi, trách nhiệm cho nhau.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
"Bài toán" cho nguyên liệu đầu vào
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO