Bảo đảm an toàn công trình thủy lợi trong mùa mưa bão

Hồng THoan| 25/07/2017 09:48

Theo Chi cục Thủy lợi và Phòng chống lụt bão (Sở Nông nghiệp - PTNT), toàn tỉnh Đắk Nông hiện có 214 công trình thủy lợi gồm 186 hồ chứa, 17 đập dâng và 11 hệ thống trạm bơm, kênh tiêu úng.

ADQuảng cáo

Thời gian qua, ngành chức năng, đơn vị quản lý đã triển khai nhiều giải pháp tích cực để gia cố hồ, đập nhưng việc bảo đảm an toàn các công trình này trong mùa mưa lũ vẫn cần sự tập trung.

Ngành Nông nghiệp - PTNT kiểm tra an toàn công trình thủy lợi ở xã Thuận Hạnh (Đắk Song)

Qua kiểm tra một số công trình trọng điểm ở tất cả các huyện, thị xã của Chi cục Thủy lợi mới đây cho thấy, một số công trình hồ đập có biểu hiện thấm, nứt, sạt trượt mái bờ, thân đập bị lún hoặc xói lở hạ lưu... Nguyên nhân là do các công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh chủ yếu được xây dựng từ lâu, quy mô nhỏ. Việc quản lý, vận hành, khai thác và kiểm tra hồ chứa của các chủ đập và cơ quan quản lý nhà nước trên địa bàn chưa tuân thủ hoàn toàn theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN 8414:2010 về quy trình quản lý, vận hành, khai thác và kiểm tra hồ chứa.

ADQuảng cáo

Ông Trịnh Văn Tường, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tỉnh cho biết: Trong những tháng đầu năm 2017, bằng nguồn vốn thủy lợi phí và các nguồn vốn khác, Công ty đã triển khai sửa chữa cấp bách và sửa chữa lớn 4 công trình thủy lợi. Bên cạnh đó, 29 công trình bị hư hỏng xuống cấp do Công ty quản lý cũng được triển khai sửa chữa, bảo đảm an toàn công trình. Cụ thể, có 18 công trình đã được đưa vào dự án “Sửa chữa và nâng cao an toàn đập”, 11 công trình đã được đưa vào dự án “Phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn phục vụ sản xuất cho các tỉnh Tây Nguyên”. Dù đã có nhiều nỗ lực, nhưng các hạng mục đập đất và một số công trình khác đang bị thấm nước qua thân đập, điển hình như hồ Đắk Hlang, hồ Băs Rai, hồ N’Jer, hồ 847 (Đắk Glong),  hồ Rẫy Mới, hồ Tân Hiệp 1 (Gia Nghĩa)…  Các công trình này xuất hiện sụt, lún mạnh, xói lở, sình lầy bề mặt, mái đập ở thượng lưu chưa được gia cố bằng bê tông hoặc được gia cố nhưng đã xuống cấp nghiêm trọng. Bên cạnh đó, mái đập hạ lưu của các công trình này cũng xuất hiện nhiều rãnh xói sâu, sạt lở...

Theo ông Phạm Hữu Hào, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT, bên cạnh việc đầu tư nâng cấp, sửa chữa và khắc phục các công trình hồ chứa bị rò rỉ, ngành Nông nghiệp - PTNT đã yêu cầu các đơn vị chuyên môn thực hiện kiểm tra, rà soát, đồng thời cắm biển cảnh báo nguy hiểm đối với các công trình hồ chứa có dấu hiệu bị hỏng, xuống cấp có nguy cơ mất an toàn. Hiện tại, có nhiều công trình hồ chứa đã được lập phương án phòng, chống lụt bão, bảo đảm an toàn công trình khi mưa lũ xảy ra. Trong đó, công tác đề phòng được coi là nhiệm vụ thường xuyên hàng đầu. Vì vậy, các đơn vị, địa phương cần đẩy mạnh công tác phối hợp để tuyên truyền, vận động nhân dân nêu cao tinh thần cảnh giác. Các bên liên quan kiên quyết di dời các công trình nhà ở, lán trại nằm trong phạm vi bảo vệ công trình để bảo đảm an toàn cho các công trình hồ chứa, phục vụ sản xuất và sinh hoạt của người dân.

Toàn tỉnh có 214 công trình thủy lợi. Trong đó, có 198 công trình do Công ty TNHH MTV khai thác Công trình thủy lợi Đắk Nông quản lý, 14 công trình do các địa phương quản lý, 2 công trình do các công ty nông, lâm nghiệp quản lý. Đến ngày 17/7/2017, tổng dung tích hồ chứa của 198 công trình do Công ty TNHH MTV khai thác Công trình thủy lợi Đắk Nông quản lý đã đạt 119,111 triệu m3, chiếm 96,99% so với dung tích thực tế.
ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bảo đảm an toàn công trình thủy lợi trong mùa mưa bão
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO