Bao giờ nông sản thoát cảnh giải cứu?

Đức Diệu| 03/07/2017 16:24

Trong năm 2017, tuy mới hơn nửa chặng đường của năm song chúng ta đang chứng kiến hàng loạt biến động lớn về giá ở nhiều mặt hàng nông sản theo hướng bất lợi cho người nông dân. Từ đây, một lần nữa vấn đề phân khúc thị trường hợp lý cho sản phẩm đầu ra của nông sản Việt Nam nói chung, Đắk Nông nói riêng đang đặt ra cho các nhà quản lý và chính người sản xuất.

ADQuảng cáo

Chỉ cuối năm 2016, đầu 2017 đến nay, từ giá thịt heo giảm sâu kỷ lục đến hồ tiêu đột ngột quay đầu lao dốc, quả bí đỏ, chanh dây... rớt giá thảm hại đã làm cho không ít người dân lao đao. Để rồi phong trào “giải cứu” các mặt hàng nông sản cho nông dân lại một lần nữa rộ lên như cách mà chúng ta giải cứu quả dưa “Mai An Tiêm” cách đây không lâu.

Chăn nuôi tập trung, khép kín đang là xu thế để nông dân giảm bớt rủi ro do thị trường đầu ra thiếu ổn định

Giải cứu hay giải pháp tình thế?

Còn nhớ cách đây chưa lâu, khi quả dưa của nông dân bị ách lại ở các cửa khẩu Việt Nam sang thị trường Trung Quốc, giá dưa rẻ như bèo. Trước tình cảnh khốn đốn của người dân, phong trào bán dưa giải cứu nông dân rộ lên đã làm cho không ít người bắt đầu nhìn nhận lại tiềm năng của thị trường nội địa. Thì ra từ lâu, người tiêu dùng trong nước vẫn chưa thực sự được quan tâm cả về giá, chất lượng… Khi có “biến” ở thị trường ngoại, thị trường nội lại chính là nơi để “giải cứu” nông sản cho người nông dân. Vòng quay này lại diễn ra với thị trường thịt heo những tháng gần đây.

Hàng ngàn tấn thịt heo không xuất khẩu được qua thị trường Trung Quốc nay lại quay về thị trường nội địa tiêu thụ. Việc người tiêu dùng trong nước “giải cứu thịt heo” lại một lần nữa cho thấy tiềm năng thị trường nội cho thịt heo lâu nay vẫn còn khoảng trống khá lớn. Sau thịt heo, gần đây nhất, quả bí đỏ của nông dân hai tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông cũng bị thương lái “làm lơ” nên phải nhờ đến sự “giải cứu” của các tổ chức, người dân.

Từ việc chung sức tiêu thụ sản phẩm giúp người nông dân, cụm từ “giải cứu” ngày càng quen thuộc và được hiểu như một hành động cao đẹp với ý nghĩa cộng đồng giúp đỡ nhau lúc khó khăn, hoạn nạn. Hơn thế, trong lúc ứng biến, tìm thị trường đầu ra cho sản phẩm bằng việc Việt Nam đàm phán với Trung Quốc để xuất khẩu chính ngạch 1 triệu tấn thịt heo/năm, một lần nữa cụm từ giải cứu lại được dùng đến… Thì ra, “giải cứu” ở đây còn hàm ý sự việc diễn ra rồi chúng ta mới tìm cách giải quyết trong thế bị động hoàn toàn nhằm cứu vãn thế cuộc. Suy cho cùng, đây cũng chỉ là giải pháp tình thế mang tính cấp bách chứ không giải quyết căn cơ vấn đề đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp theo hướng bền vững, lâu dài.

Phân khúc hợp lý cho thị trường nông sản Việt

ADQuảng cáo

Quay lại chuyện con heo của người nông dân. Theo các nhà phân tích, lượng lớn thịt heo của Việt Nam thời gian qua được tiêu thụ sang thị trường Trung Quốc qua đường tiểu ngạch. Bởi vì đầu năm 2015, Trung Quốc có chủ trương quy hoạch lại các trang trại heo theo hướng tập trung ra các vùng xa đô thị. Khoảng 30% trang trại heo ở nước này bị ngưng hoạt động, phá bỏ, dời địa điểm để xây mới theo đúng tiêu chuẩn. Từ đây, thị trường heo ở nước này giảm nhanh về cung dẫn đến nhu cầu nhập heo từ Việt Nam tăng lên. Trong giai đoạn này, nông dân Việt Nam lại ồ ạt tăng đàn, mở rộng quy mô sản xuất.

Đến cuối năm 2016, các trang trại heo ở Trung Quốc bắt đầu hoạt động trở lại, đáp ứng đầu vào cho thị trường nước này thì những con heo từ Việt Nam đang “ùn ùn” sang Trung Quốc bằng đường tiểu ngạch bổng dưng bị tắc lại. Giấc mơ làm giàu từ chăn nuôi heo của nhiều nông dân Việt Nam bỗng chốc biến thành “quả đắng”.

Một câu hỏi đặt ra là nếu chúng ta có được những cam kết mang tính pháp lý để con heo của nông dân Việt Nam đường đường, chính chính qua thị trường các nước bằng đường chính ngạch thì rủi ro sẽ được giảm rất nhiều. Hoặc chí ít, trong phân khúc thị trường thịt heo giai đoạn này, các cơ quan chức năng nếu kịp thời có những phân tích, đánh giá, nhận định sát, phổ biến, khuyến cáo kịp thời cho người dân để họ có lựa chọn trong tăng đàn, mở rộng quy mô thì sự việc có thể diễn biến khá hơn?.

Theo thống kê, lượng heo xuất khẩu chính ngạch của Việt Nam sang các nước hiện nay cũng mới ì ạch ở mức 20.000 đến 30.000 tấn/năm, chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong sản lượng sản xuất, số còn lại phần lớn là xuất khẩu tiểu ngạch sang thị trường các nước láng giềng và tiêu thụ nội địa.

Mặc dù được đánh giá là một trong những quốc gia có lợi thế về nông nghiệp do giá nhân công rẻ nhưng sản phẩm của ngành này của Việt Nam xuất khẩu chính ngạch sang thị trường các nước hiện đang rất khiêm tốn. Nguyên nhân trước hết được các nhà phân tích đưa ra là do chúng ta hiện vẫn chủ yếu sản xuất theo dạng tự phát, nhỏ lẻ, chưa có sự liên kết đủ để xác lập được chuỗi giá trị nên rất khó bước qua các rào cản “cứng” và “mềm” để đi đường chính ngạch vào thị trường quốc tế.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra ở đây là động lực hay cam kết bền vững nào để người dân liên kết, đầu tư sản xuất?. Vì nếu chúng ta không có những phân khúc thị trường rõ ràng, bảo đảm tính ổn định cao thì việc triển khai vấn đề liên kết, sản xuất đúng quy mô, quy hoạch là rất khó khăn.

Chỉ đơn cử, trong lĩnh vực chăn nuôi heo, nếu chúng ta đàm phán thành công với Trung Quốc để hàng năm xuất khẩu chính ngạch 1 triệu tấn heo, cộng với làm tốt thị trường trong nước thì với quy mô chăn nuôi hiện tại đã cơ bản đáp ứng đầu ra ổn định. Khi chúng ta làm tốt vấn đề phân khúc cho thị trường nông sản, việc còn lại là của chính người dân trong việc lựa chọn phương án sản xuất tối ưu để đáp ứng thị trường theo “bản đồ” mà nhà nước đã đưa ra để bảo đảm chất lượng, số lượng, hạ giá thành… Có như vậy, nông sản Việt Nam mới giảm dần các “chu kỳ ngấp ngoải” và các “phong trào” giải cứu như hiện nay.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bao giờ nông sản thoát cảnh giải cứu?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO