Bất cập trong quản lý thuế đối với hộ kinh doanh

Nguyễn Lương| 29/08/2019 08:22

Do còn một số bất cập trong cơ chế, sự phối hợp của các cơ quan quản lý Nhà nước về cấp phép hộ kinh doanh, doanh nghiệp và cơ quan thuế nên thời gian qua tình trạng thất thu thuế đối với lĩnh vực này là không nhỏ.

ADQuảng cáo

Kỳ 1: Còn nhiều vướng mắc

Việc quản lý các hộ kinh doanh cá thể còn bất cập, chưa đồng bộ đã tạo ra sự thiếu thống nhất trong cập nhật số liệu, mức khoán dẫn đến thất thu thuế.

Cửa hàng tạp hóa Hóa Phượng (Gia Nghĩa) vẫn chưa mấy mặn mà với việc chuyển đổi thành doanh nghiệp

Tràn lan hộ kinh doanh “ảo”

Ông Nguyễn Thanh Hải, Đội trưởng Đội Kiểm tra thuế, Chi cục Thuế huyện Cư Jút, chịu trách nhiệm kiểm tra thuế đối với các hộ kinh doanh cá thể trên địa bàn trong nhiều năm qua. Theo ông Hải, Chi cục Thuế huyện Cư Jút hiện đang quản lý hơn 1.340 hộ kinh doanh. Thế nhưng, Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện Cư Jút lại thông báo trên địa bàn huyện đang có hơn 2.600 hộ kinh doanh cá thể.

Theo lý giải của ông Hải, sở dĩ có sự chênh lệch như vậy là do có nhiều hộ kinh doanh được cấp phép nhiều lần. Một số trường hợp khác được cấp phép kinh doanh, đăng ký mã số thuế, nhưng lại không kinh doanh vì mục đích của họ lập ra là để vay mượn ngân hàng hoặc thế chấp...

Tương tự, ở huyện Đắk Mil, tình trạng hộ kinh doanh “ảo” vẫn đang gia tăng, gây khó khăn trong công tác lập bộ và quản lý thuế. Ông Thái Hữu Nghị, Phó Chi Cục trưởng Chi Cục Thuế Đắk Mil cho biết: Địa phương đang quản lý gần 1.500 hộ kinh doanh. Trong quá trình quản lý hộ, có những trường hợp được cấp phép, sau đó nghỉ kinh doanh, nhưng Phòng Tài chính- Kế hoạch huyện Đắk Mil vẫn không thu hồi giấy phép. Điều này khiến số hộ kinh doanh “ảo” đội lên hàng trăm trường hợp, gây khó khăn cho công tác quản lý thuế.

Theo thống kê của Cục Thống kê tỉnh, Đắk Nông hiện có gần 20.000 hộ kinh doanh cá thể. Tuy nhiên, theo Cục Thuế tỉnh, đến hết tháng 7/2019, toàn tỉnh chỉ có gần 10.000 hộ kinh doanh nằm trong diện chịu thuế. Đây là một con số chênh lệch rất lớn (tương đương 50%), gây nhiều thắc mắc, ngờ vực trong khâu quản lý thuế và hộ kinh doanh.

Theo giải thích của Cục Thuế tỉnh, số liệu của Cục Thống kê tỉnh là dựa vào hồ sơ đăng ký kinh doanh do các địa phương cung cấp. Còn ngành Thuế thực hiện nhiệm vụ quản lý thuế, thu thuế đối với những hộ còn tham gia kinh doanh thực tế. Do đó, giữa hai đơn vị đã có sự chênh lệch về số liệu, bởi vì thực tế trên địa bàn tỉnh có rất nhiều hộ có giấy phép kinh doanh, nhưng lại không còn kinh doanh. Những trường hợp này không đăng ký hủy giấy phép kinh doanh nên hàng năm vẫn được ngành thống kê đưa vào danh sách hộ kinh doanh.

Cán bộ thuế Đắk Glong kiểm tra hóa đơn bán ra tại các hộ kinh doanh trên địa bàn xã Quảng Khê

ADQuảng cáo

Còn tình trạng thất thu

Theo Cục Thuế tỉnh, số hộ kinh doanh trên địa bàn tăng lên liên tục. Thế nhưng, việc phối hợp giữa các đơn vị liên quan trong thống kê số hộ, thống nhất niêm yết mức thuế để đưa vào diện quản lý thuế còn hạn chế, dẫn đến tình trạng thất thu. Mỗi năm, các loại thuế mà hộ kinh doanh đóng góp khoảng hơn 4% trong cơ cấu tổng thu ngân sách Nhà nước. Con số này chưa thấm vào đâu so với thực tế số hộ đang kinh doanh trên địa bàn.

Theo Phòng Tổng hợp Nghiệp vụ Dự toán (Cục Thuế tỉnh), con số cụ thể thất thu trong lĩnh vực kinh doanh cá thể còn chưa thống kê cụ thể được, nhưng chắc chắn là rất lớn. Tình trạng thất thu thuế ở hộ kinh doanh đã và đang diễn ra từ nhiều năm nay.

Thất thu thuế kinh doanh hộ cá thể chủ yếu ở các tuyến đường mới mở, các cơ sở đào tạo. Thực tế hiện nay, nhiều cửa hàng, dịch vụ mới được mở nhưng việc cập nhật các hộ kinh doanh còn hạn chế. Chưa kể, tình trạng chuyển đổi chủ kiốt, chủ cửa hàng kinh doanh, sang nhượng tên nhưng cán bộ thuế chưa kịp nắm danh sách. Hơn nữa, gần đây, trên địa bàn xuất hiện một số hình thức kinh doanh trực tuyến, bán hàng online, một số dịch vụ kinh doanh lưu động như: quầy bán thực phẩm vỉa hè, quần áo xe đẩy… cũng chưa quản lý thu thuế được.

Một nguyên nhân nữa cũng dẫn đến tình trạng thất thu thuế là do địa bàn nhiều xã thuộc vùng sâu, vùng xa nên cơ quan thuế quản lý không “xuể”. Ông Nguyễn Hải Ninh, Chi Cục trưởng Chi Cục thuế Tuy Đức cho hay: Trên địa bàn hiện có hơn 750 hộ sản xuất, kinh doanh. Một trong những khó khăn hiện nay mà địa phương gặp phải là do địa bàn một số xã cách khá xa trung tâm. Theo quy định pháp luật thuế hiện nay, các hộ kinh doanh tự khai, tự nộp thuế theo từng quý. Đây là điều kiện để cho nhiều hộ kinh doanh, nhất là ở vùng sâu, vùng xa tìm cách né tránh, không tự giác nộp thuế, dẫn đến thất thu. Ông Ninh nêu ví dụ, ở xã Đắk Ngo, khi bước vào mùa thu hoạch nông sản, nhiều hộ đứng ra kinh doanh để thu mua hàng hóa. Cơ quan thuế phát hiện, đưa vào diện quản lý, lập bộ thuế. Tuy nhiên, vài tháng sau, khi cán bộ thuế tiến hành thu thuế, phí, nhiều trường hợp không còn kinh doanh nữa.

Một nguyên nhân khác, theo ông Vũ Văn Thiện, Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh, chuyện “lọt thuế” của nhiều hộ kinh doanh hay tình trạng nộp thuế ít so với doanh thu thực tế đang diễn ra khá nhiều. Nguyên nhân là do một số hộ thiếu hiểu biết về quy định. Nhiều trường hợp nắm rõ quy định nhưng cố tình không chấp hành nộp thuế. Trong khi việc cấp đăng ký kinh doanh tách rời với việc đăng ký thuế. Điều này gây không ít khó khăn cho cơ quan thuế trong quá trình xác định doanh thu để ấn thuế.

Hiện nay, việc xác định mức thuế khoán được xác định theo Thông tư 92/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính. Theo đó, để xác định được mức thuế khoán đối với hộ kinh doanh, cơ quan thuế phải thực hiện rất nhiều bước. Trước tiên, cơ quan thuế phải tham khảo ý kiến của hội đồng tư vấn thuế xã, phường, sau đó mới xác định mức thuế khoán chính thức đối với hộ kinh doanh.

Sau khi mức thuế khoán được xác định, cơ quan thuế niêm yết công khai mức thuế khoán tại bộ phận "một cửa" của cơ quan thuế, trụ sở chính quyền địa phương. Nếu hội đồng tư vấn thuế xã, phường làm việc công tâm, nghiêm túc, mức thuế khoán sẽ sát với thực tế. Ngược lại, nếu hội đồng thiếu khách quan hoặc là có sự thông đồng, thỏa thuận ngầm với hộ kinh doanh thì chắc chắn không đánh giá được thực tế về doanh thu để giao khoán thuế hợp lý.

Với cơ quan thuế lâu nay, công tác xác định doanh thu hộ kinh doanh vốn gặp nhiều khó khăn, phức tạp. Nhiều trường hợp quản lý doanh thu chưa phù hợp với thực tế kinh doanh, nhất là các hộ hoạt động kinh doanh trong các ngành nghề đặc thù như dịch vụ ăn uống, nhà nghỉ…

“Chính sách thuế chưa hoàn thiện cũng là một trong những lý do dẫn đến việc quản lý thuế đối với hộ kinh doanh nộp thuế khoán còn vướng. Vì thế, luật Quản lý thuế (sửa đổi) được Quốc hội thông qua mới đây đã đề cập vấn đề nâng cao vai trò của hội đồng tư vấn thuế xã, phường. Từ đây, việc xác định mức thuế khoán đối với hộ kinh doanh sẽ được minh bạch và công bằng hơn”, ông Thiện khẳng định thêm.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bất cập trong quản lý thuế đối với hộ kinh doanh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO