"Bệnh viện cây trồng" ở Tây Nguyên

Mai Anh (t.h)| 15/08/2017 10:29

Đi vào hoạt động hơn 1 năm, mô hình “Bệnh viện cây trồng” (BVCT) do Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên phối hợp với Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Đắk Lắk triển khai tại các huyện Krông Pắk, Cư Kuin, Cư M’gar, thị xã Buôn Hồ và TP. Buôn Ma Thuột đã mang lại kết quả thiết thực cho nông dân trong việc phòng, trừ nhiều loại sâu bệnh hại trên cây trồng…

ADQuảng cáo

"Bác sĩ" của "Bệnh viện cây trồng" huyện Krông Pắk khám, chữa bệnh trên cây sầu riêng cho nông dân

Cuối năm 2016, ông Đào Xuân Phương, thôn 10, xã Ea Ning, huyện Cư Kuin (Đắk Lắk) chuẩn bị vào vụ thu hoạch thì 8 sào tiêu của gia đình có dấu hiệu bị bệnh chết nhanh, chết chậm… Được người quen giới thiệu, ông tìm đến BVCT đặt tại Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (TT-BVTV) huyện và đã được các "bác sĩ", kỹ sư nông nghiệp tại đây hướng dẫn biện pháp phòng bệnh cho cây tiêu. Sau khi thực hiện đúng các biện pháp phòng bệnh được hướng dẫn, vụ thu hoạch vừa qua, gia đình ông đã thu gần 4 tấn hạt tiêu.

Tương tự, ông Bùi Ngọc Sơn ở khối 14, thị trấn Phước An, huyện Krông Pắk (Đắk Lắk) không giấu được niềm vui khi vườn sầu riêng của gia đình đã vượt qua trận “đại dịch” thối rễ, mục thân, cành cây, làm rụng lá… Gia đình có 5 sào cà phê đã già cỗi nên ông Sơn quyết định vừa trồng xen sầu riêng, vừa tái canh cà phê. Cuối năm 2016, đầu năm 2017, dịch bệnh do nấm phytophthora spp và rhizoctonia spp gây ra đã khiến hơn 30% số cây sầu riêng chết, phần lớn số cây còn lại bị bệnh. Ông Sơn đã tìm đến và được các bác sĩ của BVCT huyện Krông Pắk về tận vườn xem xét, tích cực cứu chữa.

Ông Sơn cho biết: “Các "bác sĩ" đã xuống tận vườn giúp tôi cách phòng trừ bệnh, do đó, năm nay vườn sầu riêng cho sai quả, bảo đảm thu nhập cho gia đình trong giai đoạn tái canh cà phê”.

ADQuảng cáo

Ông Trương Văn Cao, Trưởng Trạm TT-BVTV huyện Krông Pắk cho biết, từ ngày thành lập BVCT đến nay, nhiều người dân biết và tìm đến. Có những vườn cây trồng ở rất xa… đường đi lại khó khăn nhưng anh em vẫn đến tận nơi để tìm hiểu, tư vấn, kịp thời hỗ trợ người dân phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng.

Hiện các BVCT có hơn 20 "bác sĩ" là những kỹ sư nông nghiệp đã được cấp chứng chỉ. Theo đó, vào ngày 14 và 28 hằng tháng, các BVCT đều tổ chức tiếp nhận mẫu sâu bệnh hại hoặc đến tận các vườn cây, chẩn đoán, tư vấn, hướng dẫn kỹ thuật cách phòng trừ các loại sâu bệnh hại trên cây trồng… cho các đơn vị, hộ nông dân trong tỉnh và các tỉnh thuộc khu vực Tây Nguyên.

Từ khi thành lập đến nay, các BVCT đã tổ chức tư vấn, đến tận vườn “khám bệnh” miễn phí cho gần 1.000 lượt nông dân có diện tích cây trồng bị bệnh hại. Bà Vũ Thị Thanh Bình, Phó Chi cục trưởng Chi cục TT-BVTV Đắk Lắk bày tỏ: “Hiện nay, kinh phí hỗ trợ cho các "bác sĩ" ở các BVCT đã bị cắt giảm, địa bàn rộng, nhân lực còn ít; mặt khác do công tác tuyên truyền chưa sâu rộng nên nhiều người dân vẫn chưa biết đến BVCT. Hiện chúng tôi đang có ý tưởng sẽ xây dựng đề án xã hội hóa phối hợp với các công ty, tổ chức và nông dân trong việc vừa hỗ trợ vừa phát triển BVCT để dự báo các dịch, sâu bệnh hại, chuyển giao khoa học kỹ thuật, đặc biệt là trên lĩnh vực bảo vệ thực vật…”.

Tiến sĩ Trương Hồng, Quyền Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên chia sẻ, ngoài việc phòng chống sâu bệnh hại, các "bác sĩ", kỹ sư của BVCT còn thường xuyên cập nhật thông tin về các mẫu bệnh hại vào "ngân hàng" kiến thức cây trồng của Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam. Việc cập nhật, chia sẻ thông tin này sẽ giúp các nhà khoa học, nông dân, cán bộ quản lý nắm bắt tình hình, từ đó có biện pháp xử lý kịp thời, hiệu quả, nâng cao năng suất và chất lượng nông sản, góp phần phát triển nông nghiệp bền vững.

Bệnh viện cây trồng thuộc Dự án “Thiết lập, vận hành Bệnh viện chăm sóc sức khỏe cây trồng và sử dụng dữ liệu của Bệnh viện cây trồng trong Ngân hàng kiến thức cây trồng”. Dự án này do Trung tâm Sinh học nông nghiệp quốc tế (CABI) tài trợ kinh phí, được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt và giao cho Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam (VAAS) là cơ quan thực hiện dự án tại các tỉnh như Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Sơn La, Tiền Giang, Đắk Lắk và sẽ mở rộng tại các địa phương khác trong thời gian tới.
ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
"Bệnh viện cây trồng" ở Tây Nguyên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO