Bức tranh kinh tế Đắk Nông 2017

Công Tính (biên soạn)| 10/01/2018 16:59

Vừa qua, ông Lưu Văn Trung, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đắk Nông đã tham gia Chương trình Bức tranh kinh tế năm 2017 của Truyền hình internet Báo Đắk Nông và trao đổi một số vấn đề về tình hình kinh tế của tỉnh. Để bạn đọc tiện theo dõi, chúng tôi xin tóm lược, giới thiệu những nội chính của chương trình.

ADQuảng cáo

Ông Lưu Văn Trung, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tham gia chương trình Bức tranh kinh tế 2017 cùng biên tập viên Nguyễn Lương, Báo Đắk Nông. Ảnh: Trung Dũng

BTV Nguyễn Lương: Giai đoạn 5 năm 2016-2020, Đắk Nông đã đưa ra một kịch bản tăng trưởng biến thiên, có dạng hình sin. Theo ông, cơ sở nào để chúng ta đưa ra một kịch bản cho tăng trưởng như vậy?

Ông Lưu Văn Trung: Thứ nhất, khi xây dựng kế hoạch tăng trưởng kinh tế của tỉnh giai đoạn 2016-2020, các ngành đã rà soát từng lĩnh vực theo từng năm và ước sản lượng của từng ngành, từng năm để tính tốc độ tăng trưởng. Thứ hai, quy mô kinh tế tỉnh Đắk Nông tương đối nhỏ, vì vậy, khi có sản phẩm mới có giá trị lớn tăng cao thì tốc độ sẽ tăng nhanh hơn những năm trước đó. Khi xây dựng kế hoạch tăng trưởng năm 2016-2018 tăng cao là tỉnh đã tính toán năm 2016 Nhà máy Alumin đi vào sản xuất và đến năm 2018 có sản phẩm nhôm…Chính vì vậy, kế hoạch tăng trưởng kinh tế của tỉnh không đồng đều giữa các năm. Nhìn tổng thể thì biểu đồ tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2016-2020 có dạng hình sin.

Video clip: Tăng trưởng hình sin

Biểu đồ tốc độ tăng trưởng kinh tế Đắk Nông. Đồ họa: Ngọc Tú

BTV Nguyễn Lương: Qua thực tế diễn ra, tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2016-2017 không theo kế hoạch ban đầu. Ông có thể cho biết, nguyên nhân ở đây là gì?

Ông Lưu Văn Trung: Như tôi đã nói ở trên, trong kế hoạch 5 năm thì năm 2016 tỉnh dự kiến Nhà máy Alumin đi vào sản xuất, nhưng thực tế đến tháng 11 mới cho sản phẩm và chỉ được 30.000 tấn. Năm 2017 nhà máy cho sản phẩm 500.000 tấn, do vậy đã đẩy tốc độ tăng trưởng khu vực công nghiệp lên trên 26%, góp phần đưa tăng trưởng kinh tế toàn tỉnh đạt 9,47%. Vì Nhà máy Alumin thường xuyên chậm tiến độ, nên trong xây dựng kế hoạch chúng tôi chỉ ước nhà máy sản xuất 250.000 tấn. Tuy nhiên, thực tế lại rất cao… Cũng chính vì vậy tốc độ tăng trưởng cao hơn kế hoạch đề ra.

Tăng trưởng kinh tế 2017

Chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2017 nằm trong tổng thể kế hoạch tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2016 -2010. Năm 2017, Đắk Nông đưa ra chỉ tiêu kế hoạch tăng trưởng kinh tế là 6,93%. Tuy nhiên do năm 2016, tỉnh chỉ đạt tốc độ tăng trưởng 7,08%, thấp hơn kế hoạch đề ra là 9,62%. Do đó, để bảo đảm tốc độ tăng trưởng cả giai đoạn, tỉnh điều chỉnh kế hoạch tăng trưởng năm 2017 lên mức 7,5%. Kết quả năm 2017, tỉnh đã đạt mức tăng trưởng là 9,33%, vượt cả kế hoạch ban đầu và kế hoạch 7,5% đã điều chỉnh.

Video  clip: Tăng trưởng kinh tế Đắk Nông 2017 

Kế hoạch tăng trưởng kinh tế Đắk Nông năm 2017 được điều chỉnh lên 7,5%. Thực tế thực hiện năm 2017 là 9,33%. Đồ họa: Ngọc Tú

Tăng trưởng kinh tế Đắk Nông năm 2017 theo ngành, lĩnh vực. Đồ họa: Ngọc Tú

BTV Nguyễn Lương: Trong quy trình xây dựng kế hoạch, chỉ tiêu của tỉnh thì Sở Kế hoạch và Đầu tư đóng vai trò rất quan trọng. Theo ông, dựa trên những cơ sở nào để chúng ta dự báo chính xác về tăng trưởng kinh tế?

Ông Lưu Văn Trung: Muốn làm được điều này, đòi hỏi từng ngành, lĩnh vực phải rà soát và ước giá trị sản phẩm trong năm. Ví dụ, lĩnh vực nông nghiệp thì ngành Nông nghiệp phải tính toán các sản phẩm nông nghiệp chủ lực… dự báo tình hình. Trên cơ sở số liệu này, Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ phối hợp với cơ quan thống kê tính toán tốc độ tăng trưởng cho năm đó.

Quy trình ban hành chỉ tiêu kinh tế. Đồ họa: Ngọc Tú

Nhà máy Alumin Nhân Cơ với tốc độ tăng trưởng kinh tế Đắk Nông

Dự án Nhà máy Alumin Nhân Cơ đã nộp ngân sách hơn 1.195 tỷ đồng, tương đương với nguồn thu ngân sách 9 tháng đầu năm 2016 của cả tỉnh Đắk Nông. Dự kiến năm 2018, nhà máy sẽ nộp ngân sách hơn 560 tỷ đồng, tương đương hơn 1/3 nguồn thu ngân sách của tỉnh năm 2017.

Nhà máy Alumin Nhân Cơ đi vào hoạt động đã góp phần rất lớn trong việc thúc đẩy mạnh mẽ sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế khu vực từ thuần nông, lâm nghiệp sang kinh tế đa ngành nghề. Sự ra đời của ngành công nghiệp nhôm sẽ tạo điều kiện phát triển mạnh mẽ cho các ngành công nghiệp khác như: Hóa chất, xây dựng, giao thông, chế tạo thiết bị điện, thiết bị giao thông vận tải… Các ngành công nghiệp chế biến sản phẩm sau alumin và nhôm cũng sẽ phát triển.

Video: Nhà máy Alumin Nhân Cơ với tốc độ tăng trưởng kinh tế Đắk Nông

ADQuảng cáo

BTV Nguyễn Lương:Tăng trưởng kinh tế của tỉnh Đắk Nông năm qua có sự đóng góp khá lớn từ Nhà máy Alumin Nhân Cơ. Năm 2016 nhà máy chậm đi vào hoạt động đã ảnh hưởng lớn đến tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Ông có thể phân tích thêm về vấn đề này?

Ông Lưu Văn Trung: Năm 2016, kế hoạch đề ra tốc độ tăng trưởng kinh tế tỉnh Đắk Nông trên 9%, trong đó Nhà máy Alumin sản xuất được trên 350.000 tấn. Tuy nhiên, thực tế sản phẩm Alumin đạt thấp dẫn đến tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh chỉ đạt 7,5%. Như đã nói ở trên, quy mô kinh tế của tỉnh còn nhỏ, vì vậy chỉ cần một nhà máy lớn ảnh hưởng bởi sản xuất thì sẽ tác động rất lớn lên nền kinh tế địa phương.

Một điểm ảnh hưởng khác, năm 2016, khoản thu thuế không đạt theo kế hoạch dự kiến nên đã tác động khá lớn đến đầu tư hạ tầng.

BTV Nguyễn Lương: Trước những tác động này, tỉnh có điều chỉnh kế hoạch tăng trưởng như đã đề ra trong giai đoạn 2016-2020?

Ông Lưu Văn Trung: Chúng ta vẫn có đủ cơ sở để khẳng định kinh tế của tỉnh sẽ đạt kế hoach tổng thể cả giai đoạn. Nếu năm 2020 nhà máy nhôm đi vào động (dù chậm 1 năm so với kế hoạch) thì giá trị kinh tế của tỉnh vẫn đạt như mục tiêu đề ra. Do vậy quan điểm cá nhân tôi không có điều chỉnh lại tốc độ kế hoạch phát triển kinh tế của tỉnh trong giai đoạn 2016-2020. Đến tháng 6/2018 tỉnh sẽ có đánh giá lại nhiệm vụ thực hiện kinh tế-xã hội của tỉnh giữa nhiệm kỳ. Lúc đó thì chúng tôi sẽ đưa ra câu trả lời cụ thể hơn.

BTV Nguyễn Lương: Nếu không điều chỉnh kế hoạch tổng thể thì trước mắt tỉnh sẽ có giải pháp gì để bù những khoản hụt của các năm?

Ông Lưu Văn Trung: Ngay từ đầu năm 2017 và năm 2018 này, các sở, ngành đã rà soát lại tất cả những ngành, lĩnh vực để tìm ra các dư địa thúc đẩy tăng trưởng. Tỉnh tập trung hỗ trợ tạo mọi điều kiện để các dự án đầu tư sớm đi vào động. Ngoài ra, trong lĩnh vực nông nghiệp, tỉnh đẩy nhanh tiến độ thành cơ cấu ngành nông nghiệp và thực hiện chương trình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao…

Những tín hiệu khả quan

Sản phẩm Alumin đang được xuất khẩu sang thị trường: Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, UAE và Hồng Kông. Giá alumin trên thị trường đang có xu hướng tăng, doanh thu từ sản phẩm alumin và hydrat năm 2017 đạt hơn 2.042 tỷ đồng.

Ông Trần Tiến Dũng, Phó Giám đốc Công ty Nhôm Đắk Nông-TKV cho biết: “Thời điểm hiện tại thì giá mà xuất khẩu alumin của Nhà máy Alumin Nhân Cơ rơi vào khoảng tầm 480 USD cho 1 tấn sản phẩm alumin. Theo dự báo của thị trường thế giới thì giá này sẽ giữ ổn định đến khoảng tháng 6, năm 2018”.

Cùng với tín hiệu vui về giá, việc làm chủ hoàn toàn dây chuyền công nghệ sản xuất của Công ty Nhôm Đắk Nông-TKV đã tạo điều kiện tích cực cho toàn bộ hoạt động của Nhà máy.

Tại Khu Công nghiệp Nhân Cơ còn có Dự án điện phân nhôm Đắk Nông đang khẩn trương được triển khai hứa hẹn sẽ đi vào vận hành trong vài năm tới.

Video: Những tín hiệu khả quan

Ông Lưu Văn Trung trả lời phỏng vấn chương trình Bức tranh kinh tế 2017. Ảnh: Trung Dũng

BTV Nguyễn Lương:Thưa ông, Nhà máy điện phân nhôm được xem là một trong những dự án trọng điểm của tỉnh. Vậy khi nhà máy này đi vào hoạt động sẽ có đóng góp như thế nào đến sự phát triển của tỉnh?

Ông Lưu Văn Trung: Nhà máy điện phân nhôm được tỉnh xem là một trong những dự án trọng điểm của tỉnh. Tỉnh tập trung mọi nguồn lực để hỗ trợ cho nhà đầu tư để sớm đưa nhà máy này vào hoạt động. Khi nhà máy hoạt động sẽ tạo sản phẩm mới, một nền công nghiệp mới không chỉ của Tây Nguyên mà của cả nước. Nhà máy vận hành vừa tạo công ăn việc làm, nộp thuế sẽ còn kéo theo nhiều dịch vụ phụ trợ như công nghiệp chế biến sản phẩm từ nhôm…

BTV Nguyễn Lương: Bên cạnh công nghiệp thì lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao có đóng góp như thế nào cho sự phát triển của tỉnh?

Ông Lưu Văn Trung: Trong cơ cấu kinh tế của tỉnh Đắk Nông, tỉ trọng của lĩnh vực nông nghiệp chiếm khoảng 50% và khoảng 70% dân số của tỉnh Đắk Nông về làm nông nghiệp. Vai trò của ngành nông nghiệp có ý nghĩa hết sức quan trọng, nhất là lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao lại càng đặc biệt có ý nghĩa. Bản chất nông nghiệp công nghệ cao là tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích. Trong khi, đất đai là tư liệu sản xuất mà đông đảo người dân nắm giữ. Vì vậy, thu nhập nông nghiệp công nghệ cao tăng lên thì thu nhập người dân tăng lên… Tỉnh Đắk Nông đã đang và triển khai hai đề án: Đề án tái cơ cấu nông nghiệp và Đề án quy hoạch vùng nông nghiệp công nghệ cao để hỗ trợ cho người dân, cho doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất, góp phần tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích…

Xin cảm ơn ông!

Ông Lưu Văn Trung chụp hình lưu niệm cùng nhóm thực hiện chương trình Bức tranh kinh tế 2017. Ảnh: Trung Dũng

Video Chương trình bức tranh kinh tế 2017:

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bức tranh kinh tế Đắk Nông 2017
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO