Buôn Choáh: Lúa đông xuân được mùa, được giá

Văn Tâm| 22/05/2018 08:46

Đến thời điểm này, nông dân các xã Buôn Choáh (Krông Nô) đang bước vào giai đoạn thu hoạch rộ vụ lúa đông xuân 2017-2018. Không khí mùa vụ của bà con khá bận rộn, tấp nập để nhanh tay thu hoạch với nhiều niềm vui vì vụ lúa năm nay vừa được mùa lại được giá, lợi nhuận cao.

ADQuảng cáo

Thời tiết thuận lợi, năng suất lúa của xã Buôn Choáh (Krông Nô) đạt bình quân 7,5 tấn/ha, nhiều hộ chăm sóc tốt đạt trên 10 tấn/ha

Gia đình chị Vi Thị Hinh, ở thôn Ninh Giang gieo cấy trên 5 ha lúa. Do sản xuất quy trình VietGAP nên ngay từ đầu vụ, gia đình bà đã được bên doanh nghiệp cam kết bao tiêu sản phẩm. Bà Hinh cho biết: “Lúa của tôi là lúa sạch đấy. Từ khi gieo sạ đến thu hoạch, tôi chỉ phun rỉ mật, phun B1, B2, bón phân vi sinh chứ không sử dụng phân hóa học. Do vậy, lúa gặt đến đâu, các công ty thu mua hết đến đó”.

Theo bà Hinh, mọi năm cũng quy trình sản xuất này, năng suất lúa chỉ đạt 6,5 tấn/ha, nhưng năm nay, nhờ thời tiết thuận lợi nên năng suất đạt bình quân trên 7 tấn/ha. Với giá mua 7.000 đồng/kg lúa tươi, cao hơn vụ đông xuân 2016-2017 bình quân 4000 đồng/kg, nông dân thu lãi trên 20 triệu đồng.

Bà Hinh cho biết thêm: “Ngoài trồng lúa, tôi còn làm máy xay xát. Năm ngoái, tôi nhập lúa khô cho công ty với giá 10.000 đồng/kg, năm nay với giá lúa thị trường tăng cao như vậy nên tôi đang yêu cầu phía công ty phải nâng mức giá 11.000 đồng/kg lúa khô mới thỏa đáng”.

Ông Nông Văn Lợi, ở thôn Thanh Sơn cho hay: “Mấy ngày nay các công ty về “vét sạch” lúa ở các hộ trong xã. Gia đình tôi năm nay thu hoạch trên 20 tấn lúa nhưng thương lái nài mua với giá cao nên tôi chỉ để lại một ít đủ ăn đến vụ sau thôi”.

ADQuảng cáo

Giá lúa cao, gia đình Nông Văn Lợi ở thôn Thanh Sơn, xã Buôn Choáh (Krông Nô) thu được trên 20 tấn, xuất bán chỉ để lại một ít đủ ăn đến vụ sau

Niềm vui được mùa, được giá không chỉ đối với các hộ trồng “lúa sạch” theo chuẩn VietGAP mà đối với những hộ sản xuất lúa thường, tức là có bón phân hóa học, phun thuốc diệt sâu rầy, vụ này năng suất cũng vượt trội, giá mua cũng cao gần gấp đôi năm ngoái.

Ông Nông Văn Giáp, ở thôn Bình Giang chia sẻ: “Năm nay, hầu hết các hộ trồng lúa đều trúng mùa. Gia đình tôi gieo cấy hơn 2 ha lúa, điều kiện sản xuất cũng như mọi năm nhưng năng suất đạt 9 tấn/ha, cao hơn năm ngoái 3 tấn/ha. Hiện tại, tôi xuất bán cho thương lái với giá 9.000 đồng/kg lúa khô, cao hơn năm ngoái khoảng 3.000 – 4.000 đồng/kg”.

Theo ông Lưu Công Đức, cán bộ nông nghiệp xã Buôn Choáh thì vụ đông xuân năm nay, toàn xã gieo trồng gần 540 ha lúa, sản lượng ước đạt khoảng 1.825 tấn. Trong đó, diện tích sản xuất theo mô hình “cánh đồng mẫu lớn” áp dụng tiêu chuẩn VietGAP có 60 ha tại thôn Ninh Giang và thôn Thanh Sơn. Để giúp nông dân sản xuất đạt hiệu quả, trong vụ đông xuân này, cán bộ kỹ thuật của xã, phòng nông nghiệp, các doanh nghiệp đã thường xuyên bám đồng ruộng để chỉ đạo, hướng dẫn nông dân xuống giống đúng lịch thời vụ và chăm sóc lúa đúng kỹ thuật nên vụ sản xuất lúa đông xuân năm nay hạn chế sâu bệnh, tiết kiệm chi phí, tăng năng suất. Mặc khác, do chất lượng hạt lúa của xã Buôn Choáh được nâng lên đáng kể, nên vụ này, ngoài các doanh nghiệp có liên kết sản xuất với nông dân như: Công ty Bông lúa Việt, Cơ sở Đức Mười thì nhiều thương lái từ tỉnh Long An đến mua lúa với số lượng lớn. Chính vì thế, lượng lúa sản suất tại địa phương không đáp ứng đủ để cho các doanh nghiệp thu mua.

Thương lái từ tỉnh Long An đến xã Buôn Choáh (Krông Nô) tìm mua lúa bất kể ngày đêm

Mặc dù lúa của bà con xã Buôn Choáh thu hoạch đến đâu bán hết đến đó và bán với giá cao, nhưng xem ra nông dân vẫn bị chịu thiệt. Bà Trần Thị Thanh Vân, Chủ tịch Hội Nông dân xã Buôn Choáh cho rằng, cũng cùng một giống lúa RVT, nhưng lúa sản xuất ở Buôn Choáh thơm ngon hơn ở Long An và các nơi khác. Thế nhưng, khi thương lái ở các tỉnh đến địa phương thu gom lúa mang đi nơi khác tiêu thụ thì hạt gạo không còn mang “tên tuổi” của Buôn Choáh nữa. Bởi một phần là do không có thương hiệu nên sản phẩm lúa gạo của bà con chịu nhiều thua thiệt trên thị trường như: bị ép giá, bị đánh tráo nơi sản xuất, xuất bán nhiều nhưng giá trị gia tăng thấp… Trước thực tế đó, bà con nông dân trong xã mong muốn lúa gạo Buôn Choáh sớm xây dựng được thương hiệu để họ được hưởng lợi nhiều hơn từ sản phẩm lúa gạo do mình một nắng hai sương làm ra.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Buôn Choáh: Lúa đông xuân được mùa, được giá
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO