Cà phê vàng úa, rụng trái hàng loạt sau khi bón phân Đầu trâu: Cần làm rõ nguyên nhân do phân bón hay là bệnh tuyến trùng rễ

Ngàn Sâu| 30/07/2019 09:16

Sau khi bón phân NPK nhãn hiệu Đầu trâu, nhiều diện tích cà phê của người dân xã Quảng Hòa (Đắk Glong) bị vàng lá, rụng trái hàng loạt. Nhiều hộ dân cũng vì thế mà rơi vào cảnh mất trắng mùa cà phê năm nay.

ADQuảng cáo

Mất trắng mùa cà phê

Theo ông Mai Tuấn Anh, thôn 10, xã Quảng Hòa, khoảng gần một tháng trước, gia đình ông đã mua phân NPK hỗn hợp nhãn hiệu Đầu trâu để bón cho 1,4 ha cà phê. Loại phân này gia đình ông mua từ đại lý Nhật Huyền, xã Đạr Sal, huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng (tiếp giáp với xã Quảng Hòa).

Khoảng 15 ngày sau khi bón phân, gia đình ông Anh phát hiện toàn bộ vườn cà phê vàng lá, héo úa bất thường và rụng trái hàng loạt. Nghi ngờ phân bón có vấn đề, gia đình ông đã báo lên chính quyền địa phương và đại lý phân bón Nhật Huyền để kiểm tra vườn cà phê. Sau đó vài hôm, đại lý Nhật Huyền có dẫn hai người đến và giới thiệu là nhân viên của công ty sản xuất phân Đầu trâu để kiểm tra vườn cà phê. Hai nhân viên này sau khi kiểm tra đã khẳng định do vườn cà phê của gia đình ông Anh bị nhiễm tuyến trùng rễ, dẫn đến có hiện tượng như trên chứ không phải do phân.

“Trước khi bón phân, vườn cà phê của tôi vẫn xanh tốt bình thường, không hề có biểu hiện của bệnh lý. Năm ngoái, gia đình tôi thu được 6 tấn quả, nhưng năm nay thì trắng tay hoàn toàn”, ông Anh buồn bã cho biết.

Cà phê của gia đình ông Mai Tuấn Anh vàng úa, rụng trái sau khi bón phân Đầu trâu

Tương tự, gia đình ông Nông Văn Mân, thôn 6, xã Quảng Hòa, cũng mua hai tấn phân NPK hỗn hợp nhãn hiệu Đầu trâu tại đại lý Nhật Huyền về bón cho cà phê. Gia đình ông Mâm có 2,7 ha cà phê, nhưng khi bón phân được 2 ha thì phát hiện vườn cà phê vàng lá, rụng trái bất thường, nên ông đã ngừng lại. Số phân bón còn lại là 14 bao được ông giữ lại và báo cho chính quyền địa phương. Đại lý Nhật Huyền cũng đưa hai người đến kiểm tra vườn cà phê của ông Mâm và cũng kết luận cà phê bị bệnh tuyến trùng rễ chứ không phải do phân. Ông Mâm bức xúc: “Cách giải thích như vậy là vô lý. Cà phê của tôi vàng lá, rụng trái bất thường chắc chắn do phân Đầu trâu. Vì trước khi bón phân, cà phê vẫn xanh tốt, không hề hấn gì. Hơn nữa, chỉ có 2 ha cà phê được bón phân mới xảy ra tình trạng như vậy. Còn 0,7 ha chưa bón phân thì không bị sao cả”.

Cũng theo ông Mâm, cùng với thời điểm bón phân cho cà phê, vợ ông đã lấy một ít phân để bón cho 2 sào lúa. Chỉ 2 ngày sau khi bón phân, cả 2 sào lúa của gia đình ông cũng bị vàng úa, khô héo và coi như mất mùa hoàn toàn.

Ông Mai Anh Tuấn cũng như nhiều hộ dân khác ở Quảng Hòa đối diện cảnh mất mùa vì cà phê rụng trái hàng loạt

Theo thống kê của UBND xã Quảng Hòa, đến nay đã có 9 hộ dân trên địa bàn có vườn cà phê xảy ra tình trạng như đã nói trên, với tổng diện tích hơn 10 ha. Các hộ dân này đều đã mua tổng cộng gần 8,5 tấn phân NPK nhãn hiệu Đầu trâu từ đại lý Nhật Huyền.

ADQuảng cáo

Chủ tịch UBND xã Quảng Hòa Nguyễn Bá Thủy cho biết, chính quyền địa phương đã tổ chức kiểm tra vườn cà phê của các hộ dân và đã gửi văn bản hỏa tốc tới Sở Nông nghiệp và PTNT cùng các cơ quan chức năng để báo cáo về sự việc. UBND xã Quảng Hòa cũng đã lập biên bản tạm giữ toàn bộ số phân còn lại của các hộ dân để chờ cơ quan chức năng tiến hành lấy mẫu kiểm nghiệm.

Về phía đại lý Nhật Huyền đã dẫn hai người giới thiệu là nhân viên của đơn vị sản xuất phân đến kiểm tra vườn cà phê của các hộ dân. Thế nhưng, hai nhân viên này lại không hợp tác với chính quyền địa phương và khẳng định đơn vị sản xuất phân không chịu trách nhiệm đối với vườn cây của người dân. “Thiệt hại của người dân là rất lớn, mất mùa hoàn toàn. Trước mắt chính quyền địa phương đang phối hợp với người dân tập trung các biện pháp để cứu vườn cây, không để cà phê chết và chờ cơ quan chức năng vào cuộc xử lý”.

Ông Nông Văn Mân nghi ngờ phân NPK nhãn hiệu Đầu trâu của Công ty Cổ phần Bình Điền-Lâm Đồng là phân giả

Nhà sản xuất không nhận trách nhiệm

Theo những thông tin được ghi trên bao bì, loại phân NPK nhãn hiệu Đầu trâu nói trên được sản xuất tại Công ty Cổ phần Bình Điền-Lâm Đồng, quốc lộ 20, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng. Thành phần được công bố trên bao bì gồm: 16-7-17-8S+TE (MgO + SiO2 + Zn). Công dụng được ghi trên bao bì là: “Tăng khả năng sinh trưởng, phát triển của cây trồng; Tăng năng suất, chất lượng nông sản, tăng hiệu quả kinh tế; Cải thiện và duy trì độ màu mỡ của đất”. Thông tin về ngày sản xuất đã bị mờ, nhưng hạn sử dụng được công bố là 24 tháng kể từ ngày sản xuất.

Bà Đào Thị Huyền, chủ đại lý Nhật Huyền cho biết, thời gian qua có nhiều người dân ở Quảng Hòa thường xuyên mua phân của đại lý, trong đó có 9 hộ dân có cà phê bị hư hại như đã nói trên. Bà Huyền cũng xác nhận đã kiểm tra thực tế vườn cà phê của 9 hộ dân và tình trạng vàng lá, rụng trái sau khi bón phân NPK nhãn hiệu Đầu trâu là đúng sự thật. Tuy nhiên, bà Huyền cho rằng, đại lý chỉ biết buôn bán phân chứ không chịu trách nhiệm về chất lượng của phân. Việc buôn bán phân đều có hóa đơn, chứng từ rõ ràng.

Công văn hỏa tốc của UBND xã Quảng Hòa báo cáo về sự việc

Phóng viên Báo Đắk Nông đã liên hệ với ông Trần Thái Bình, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Phân bón Bình Biền để trao đổi về sự việc. Ông Bình cho biết, qua kiểm tra thực tế, Công ty xác định nguyên nhân cà phê vàng lá, rụng trái là do vườn cây bị nhiễm bệnh tuyến trùng rễ trước khi bón phân NPK nhãn hiệu Đầu trâu. Công ty bảo đảm không có chuyện phân kém chất lượng hoặc phân giả dẫn đến làm hư hại vườn cà phê của người dân.

“Hiện tại Công ty đang liên hệ mời các chuyên gia để kiểm tra thực tế, xác định nguyên nhân cuối cùng. Còn việc hỗ trợ hay bồi thường cho nông dân thì Công ty chưa tính đến, thời gian tới sẽ họp bàn trong ban lãnh đạo rồi mới có phương hướng cụ thể”, ông Bình thông tin.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cà phê vàng úa, rụng trái hàng loạt sau khi bón phân Đầu trâu: Cần làm rõ nguyên nhân do phân bón hay là bệnh tuyến trùng rễ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO