Các loại thuốc bảo vệ thực vật bị cấm độc hại thế nào ?

Kim Ngân| 28/01/2021 08:25

Từ năm 2017 đến nay, Bộ Nông nghiệp – PTNT đã loại bỏ 16 hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) ra khỏi Danh mục được phép sử dụng tại Việt Nam. Trong đó, nổi bật có Carbendazim, Diazinon, Chlorpyrifos Ethyl, với những tính chất độc hại, nguy hiểm đến môi trường và sức khỏe con người.

ADQuảng cáo

Carbendazim siêu nguy hại

Trước khi bị cấm sử dụng, Carbendazim chiếm 60% thị trường thuốc BVTV. Tác hại của tồn dư Carbendazim ảnh hưởng tới sức khỏe con người. Các nghiên cứu của nhiều tổ chức trên thế giới trên vật nuôi thí nghiệm cho thấy: Carbendazim và các chất dẫn xuất của nó gây vô sinh, gia tăng các dị tật tới quá trình sinh sản, rối loại chức năng của não, thận và sự hình thành khung xương.

Carbendazim được nông dân sử dụng để trừ các loại nấm và phòng bệnh thán thư trong chăm sóc hồ tiêu. Ngoài ra, Carbendazim cũng bị người dân lạm dụng như một hoạt chất bảo quản hồ tiêu sau thu hoạch để chống mốc.

Do đó, tình trạng tồn dư Carbendazim từ đồng ruộng đến sân, kho càng tăng cao. Việc cấm sử dụng Carbendazim có hiệu lực từ ngày 3/1/2019 là hết sức cần thiết.

Sản xuất nông nghiệp sạch cần hạn chế thuốc BVTV

Diazinon làm suy giảm đa dạng sinh học

Diazinon được sử dụng để diệt côn trùng nhóm đục thân trên một số loại cây trồng khác như: Lúa, ngô, cam quýt, nho, chuối, khóm, rau cải, khoai tây, mía cà phê, ca cao…

Các sản phẩm thương mại của Diazinon trên thế giới và Việt Nam như: Ba sudi, Diazan, Vibasa, Knox-out, Dazzel, Gardentox, Kayazol, Nucidol… Diazinon khá độc đối với các sinh vật dưới nước, trên cạn và con người.

Khi nhiễm độc Diazinon, hệ thần kinh của sinh vật sẽ bị tổn hại, dẫn đến nhiều ảnh hưởng khác nhau.

ADQuảng cáo

Sử dụng Diazinon trong canh tác nông nghiệp có thể làm nhiễm bẩn môi trường và suy giảm sự đa dạng sinh học. Hệ thống cấp nước cho canh tác nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản thường gắn với sông, suối, khe.

Do đó, việc sử dụng Dizinon không những làm ảnh hưởng đến thủy sinh vật ngoài tự nhiên mà còn ảnh hưởng đến các loại thủy sản trong các ao hồ. Việc cấm sử dụng hoạt chất Diazinon là bảo vệ sức khỏe con người và môi trường tự nhiên.

Với những yếu tố độc hại như vậy, ngày 28/8/2018, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã ra quyết định loại bỏ Dizinon khỏi danh mục thuốc BVTV được lưu hành tại Việt Nam.

Chlorpyrifos Ethyl có thể gây chết người

Hoạt chất Chlorpyrifos Ethyl thuộc nhóm độc II, là chất độc hại đối với con người. Da tiếp xúc với Chlorpyrifos có thể đổ mồ hôi cục bộ và các cơn co thắt cơ bắp không tự chủ. Khi mắt tiếp xúc với Chlorpyrifos, có thể gây đau, chảy nước mắt và mờ mắt.

Ngộ độc Chlorpyrifos sẽ ảnh hưởng đến hệ thống thần kinh trung ương, nói líu lưỡi, mất phản xạ, suy nhược, mệt mỏi, co thắt cơ không tự chủ, co giật và cuối cùng tê liệt tứ chi cơ thể và các cơ hô hấp.

Nhiễm Chlorpyrifos trong trường hợp nghiêm trọng, có thể dẫn đến đại tiện không tự chủ hoặc rối loạn tâm thần, nhịp đập của tim bất thường, bất tỉnh, co giật và hôn mê. Người nhiễm Chlorpyrifos ở mức độ cao có thể chết do suy hô hấp hoặc tim ngừng đập.

Hiện nay, trên thị trường phổ biến các tên thương phẩm thuốc BVTV chứa hoạt chất Chlorpyrifos Ethyl như: Sacophos 550EC, Sixtoc 700EC, Wavotoc 585EC, Đại bàng đỏ 700EC…

Theo Quyết định 501/QÐ-BNN-BVTV, ngày 12/02/2019 của Bộ Nông nghiệp – PTNT, có 228 loại thuốc BVTV thương phẩm có chứa chất Chlorpyrifos Ethyl bị loại bỏ ra khỏi Danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam. Lộ trình loại bỏ 228 loại thuốc chứa Chlorpyrifos Ethyl hạn cuối đến ngày 12/2/2021.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Các loại thuốc bảo vệ thực vật bị cấm độc hại thế nào ?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO