Các tổ chức tín dụng tập trung xử lý, ngăn ngừa nợ xấu gia tăng

Lương Nguyên| 04/06/2019 09:48

Mặc dù tình trạng nợ xấu trong toàn ngành ngân hàng trên địa bàn tỉnh Đắk Nông vẫn đang được kiềm chế dưới mức cho phép, nhưng trong những tháng đầu năm 2019, tỷ lệ nợ xấu có chiều hướng tăng lên. Để ngăn ngừa tình trạng nợ xấu “leo dốc”, các tổ chức tín dụng đang tập trung vào cuộc, với nhiều giải pháp khá rõ nét.

ADQuảng cáo

Mặc dù tình trạng nợ xấu trong toàn ngành ngân hàng trên địa bàn tỉnh Đắk Nông vẫn đang được kiềm chế dưới mức cho phép, nhưng trong những tháng đầu năm 2019, tỷ lệ nợ xấu có chiều hướng tăng lên. Để ngăn ngừa tình trạng nợ xấu “leo dốc”, các tổ chức tín dụng đang tập trung vào cuộc, với nhiều giải pháp khá rõ nét.

Nhân viên Ngân hàng Nam Á hướng dẫn khách hàng làm thủ tục khi giao dịch. Ảnh: Nguyễn Lương

Đẩy mạnh mở rộng tín dụng

Theo Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tỉnh, tính đến hết tháng 4/2019, tổng nợ xấu trong toàn ngành ngân hàng trên địa bàn là hơn 260 tỷ đồng, chiếm 1,01% tổng dư nợ, tăng 0,6% so với thời điểm đầu năm 2019.

Lý giải về nguyên nhân chính dẫn đến nợ xấu gia tăng, ông Hoàng Văn Minh, Giám đốc Chi nhánh NHNN tỉnh cho biết: “Đối với tỉnh Đắk Nông, kinh tế của người dân chủ yếu dựa vào việc sản xuất, thâm canh cây công nghiệp dài ngày như tiêu, cà phê. Thời điểm 2018, hồ tiêu bị chết hàng loạt cũng như giá cả giảm xuống mức kỷ lục, khiến nhiều nông dân rơi vào tình cảnh khó khăn. Trong khi, vốn đầu tư vào vườn cây chủ yếu vay ngân hàng nên khi năng suất, giá cả cây trồng giảm, khả năng trả nợ cho ngân hàng khi đến kỳ hạn là rất khó”.

Cũng theo ông Minh, trước tình trạng nợ xấu gia tăng, Chi nhánh NHNN tỉnh đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động, kiềm chế nợ xấu xuống mức thấp nhất. Trong đó, việc mở rộng tín dụng là giải pháp được các ngân hàng triển khai thực hiện. Bởi vì, một khi tăng trưởng tín dụng được nâng lên, con số % nợ xấu trên tổng dư nợ sẽ dao động theo tỷ lệ nghịch.

Thực tế, những tháng đầu năm 2019, vốn tín dụng được các ngân hàng đầu tư trực tiếp vào hoạt động sản xuất, kinh doanh. Cơ cấu cho vay cũng tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, sản xuất nông nghiệp sạch, xuất khẩu…

Tính đến hết tháng 4/2019, tổng dư nợ của ngành ngân hàng đầu tư cho nền kinh tế trên địa bàn là hơn 26.100 tỷ đồng, tăng gần 3% so với thời điểm tháng 12/2018. Trong đó, riêng dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn là gần 22.000 tỷ đồng.

ADQuảng cáo

Là một trong những đơn vị tập trung mở rộng tín dụng trong thời điểm đầu năm, ông Thân Văn Chí, Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp-PTNT Đắk Nông cho biết: “Đơn vị tập trung đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn thông qua việc nâng mức đầu tư tín dụng, giải ngân kịp thời cho các khách hàng để phát huy hiệu quả kinh tế của từng dự án. Riêng lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chi nhánh đã đẩy mạnh cho vay một số dự án hiệu quả, lãi suất cho vay cũng giảm mạnh, phổ biến từ 6-8%/năm. Những trường hợp thuộc diện chính sách, ưu đãi và nhiều chương trình tín dụng đặc thù thì lãi suất chỉ khoảng 5-6%/năm. Nhờ đó, đến nay, tăng trưởng tín dụng tại đơn vị đạt hơn 8.000 tỷ đồng, nợ xấu vẫn được kiềm chế và duy trì dưới mức 1% tổng dư nợ.

Kiểm tra quá trình sử dụng vốn sau khi giải ngân là một cách để phát huy hiệu quả vốn vay và kiềm chế nợ xấu.  Ảnh: Cán bộ Ngân hàng Nông nghiệp-PTNT Chi nhánh Đắk Nông kiểm tra quá trình sử dụng vốn vay tại Trang trại Hiệp Thành (Gia Nghĩa). Ảnh tư liệu

Rà soát, phân tích từng khoản nợ

Theo ông Hoàng Văn Minh, kiềm chế nợ xấu bằng mở rộng tín dụng tuy là một giải pháp tích cực, nhưng xét về bản chất thì nợ xấu vẫn chưa thực sự được kiềm chế. Do vậy, thời gian qua, các tổ chức tín dụng đã có nhiều nỗ lực trong công tác thu hồi nợ, nhất là tập trung rà soát, phân tích từng khoản nợ để có hướng giải quyết được xem là giải pháp mang lại hiệu quả khá cao.

Ông Phạm Văn Hưng, Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Đắk Nông cho hay: “Chi nhánh đã thành lập Ban chỉ đạo xử lý và thu hồi nợ để tiến hành phân tích, đánh giá nguyên nhân từng khoản nợ, từ đó, có giải pháp thu hồi cụ thể. Những khoản vay nào có triển vọng trả, ngân hàng thực hiện cơ cấu lại nợ. Đối với những khách hàng gặp khó trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, đơn vị phối hợp với khách hàng để cơ cấu lại nợ một cách phù hợp. Cụ thể, ngân hàng xem xét giãn thời hạn trả nợ, điều chỉnh kỳ hạn nợ và miễn, giảm lãi suất vay, hạ lãi suất cho vay một cách hợp lý để khách hàng giảm bớt khó khăn về tài chính…”.  

Cùng mục tiêu giảm nợ quá hạn, Chi nhánh Ngân hàng Công thương Đắk Nông tập trung phân tích nguyên nhân nợ xấu, từ đó nhận diện những khoản nợ xấu xuất phát từ nguyên nhân khách quan để kịp thời thực hiện các giải pháp cơ cấu lại nợ theo đúng quy định. Đơn vị từng bước hỗ trợ khách hàng phục hồi, khôi phục sản xuất kinh doanh, tăng khả năng trả nợ của khách hàng.

Tăng cường thanh tra,  kiểm tra

Theo ông Hoàng Văn Minh, cùng với nỗ lực của các tổ chức tín dụng, về phía Chi nhánh NHNN tỉnh cũng đã chủ động tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra nhằm chấn chỉnh, minh bạch hoạt động của các ngân hàng. Thông qua thanh, kiểm tra, Chi nhánh NHNN tỉnh tập trung giám sát việc chấp hành quy định về các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động ngân hàng, trong đó tăng cường lập dự phòng và xử lý rủi ro tín dụng nhằm đôn đốc thu hồi nợ, nhất là các khoản nợ đến hạn, quá hạn. Đơn vị cũng chỉ đạo các tổ chức tín dụng không ngừng nâng cao chất lượng quản lý, thẩm định các dự án đầu tư, nhất là lựa chọn các dự án đầu tư an toàn, hiệu quả, nhằm hạn chế nợ xấu phát sinh.

Tuy nhiên, để kiềm chế nợ xấu phát sinh, ngoài nỗ lực của các tổ chức tín dụng, ngành ngân hàng mong muốn có sự phối hợp chặt chẽ từ các sở, ngành, đơn vị liên quan. Trong đó, vấn đề quan trọng nhất là quyền thu giữ tài sản bảo đảm, quá trình tố tụng thi hành án, thực hiện thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản bảo đảm.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Các tổ chức tín dụng tập trung xử lý, ngăn ngừa nợ xấu gia tăng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO