Cách bảo vệ mùa màng ở vùng “rốn hạn”

Nguyễn Lương| 03/03/2020 09:07

Nhiều năm trở lại đây, bằng nhiều cách làm khác nhau, người dân nơi được xem là "rốn hạn" xã Đắk Gằn đã từng bước khắc phục được tình trạng hạn hán, bảo vệ tốt mùa màng, kinh tế.

ADQuảng cáo

Xã Đắk Gằn (Đắk Mil) hàng năm thường xảy ra tình trạng thiếu nước, khô hạn kéo dài. Riêng trong đợt hạn hán lịch sử vào 2016, có trên 800 ha cây trồng ở Đắk Gằn chịu thiệt hại, gây ảnh hưởng lớn đời sống của người dân.

Tích nước chống hạn bằng... ao chống thấm

Đến đầu tháng 3/2020, ao trữ nước rộng hơn 70 m2 của gia đình ông Tịnh Ngọc Hải, thôn Tân Lợi, xã Đắk Gằn, vẫn còn đầy ắp nước. Theo tính toán của ông Hải, nếu trong vòng hơn 1 tháng tới chưa có mưa, nguồn nước này vẫn đủ tưới cho hơn 2,5 ha cây trồng của gia đình.

Ao tích nước chống thấm của gia đình ông Tịnh Ngọc Hải vẫn đầy nước, bảo đảm tưới từ 1 - 2 đợt tiếp theo cho cây trồng

Được biết, ao nước này được gia đình ông Hải xây dựng vào đầu năm 2017, với nguồn kinh phí hơn 80 triệu đồng. Ao được dùng bạt khổ lớn lót ở bề mặt đáy để chống thấm. Hằng năm, ông bơm nước từ hệ thống giếng khoan để tích trữ và tưới cho cây trồng. Nước từ ao này đáp ứng được nhu cầu tưới khoảng 4 đợt trong năm cho 2,5 ha cà phê.

Ông Hải chia sẻ: “Có ao trữ nước, gia đình yên tâm hẳn về khoản tưới tiêu. Chứ như trước kia (khi chưa có ao trữ nước), gia đình cứ nau náu lo hạn. Thu nhập của nông dân chúng tôi chủ yếu dựa vào diện tích cây trồng. Năm nào bị hạn hán, thiệt hại nhiều là y rằng nông dân gặp đói.

Thời gian qua, tại thôn Tân Lợi, hầu hết các gia đình đều đầu tư xây dựng ao chống thấm để trữ nước kiểu như ông Hải để chống hạn cho cây trồng. Việc chủ động chống hạn bằng cách này, phần nào giúp nông dân chủ động trong đầu tư sản xuất.

Ông Đào Văn Vương, Trưởng thôn Tân Lợi chia sẻ: Toàn thôn hiện có 334 ha cây trồng các loại. Trong đó, diện tích cây trồng chủ yếu là cà phê và một số loại cây ăn quả. Để bảo đảm nguồn nước tưới, những năm gần đây, bà con trong thôn đã chủ động đào ao chống thấm để tích trữ nước. Hộ nào có điều kiện tự đào ao tích nước riêng cho gia đình. Những trường hợp khó khăn hơn thì từ 3 đến 4 hộ góp kinh phí đào một ao sử dụng chung. Nguồn nước được bảo đảm, cây trồng ổn định về năng suất, chất lượng.

ADQuảng cáo

Theo ông Phạm Văn Nam, Chủ tịch UBND xã Đắk Gằn, với một địa phương có diện tích cây nông nghiệp lớn, nhưng trên địa bàn chỉ có 3 hệ thống đập thủy lợi. Do vậy, người dân đã chủ động đào ao để tích trữ nước. “Như năm nay, đến thời điểm này, trên địa bàn xã chưa có hạt mưa nào. Qua khảo sát, các công trình đập thủy lợi chỉ còn phục vụ được 1 đợt tưới nữa. Riêng đập thủy lợi thôn Bắc Sơn vừa ở xa trung tâm, lại phục vụ cho cả diện tích của người dân xã Trúc Sơn (Cư Jút), nên khó bảo đảm nước tưới cho dân. Do đó, hầu hết diện tích cây trồng đều dựa vào nguồn nước khoan và các ao tích nước. Hiện tại, người dân đã bước vào đợt tưới nước thứ 3. Qua rà soát, nguồn nước vẫn được các hộ dân bảo đảm tưới cho cây trồng từ 1 - 2 đợt nữa và chưa nơi nào xảy ra hạn hán”, ông Nam khẳng định.

Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng

Trước tình trạng khó khăn về nguồn nước tưới, những năm gần đây, nhiều người dân trong xã đã chủ động chuyển đổi diện tích cà phê, hồ tiêu sang những cây trồng cần ít nước tưới hơn. Cũng vì thế, hàng trăm ha cây trồng như xoài, mít, ổi, cam, bưởi... đã được người dân đưa vào canh tác và từng bước mang lại thu nhập ổn định.

Nhiều người dân xã Đắk Gằn đã chuyển sang trồng mít để đối phó với hạn hán

Bà Lê Thị Hoàng, nông dân thôn Tân Lập, xã Đắk Gằn, cho biết: “Năm 2017, gia đình tôi chuyển đổi 5 sào cà phê sang trồng 300 cây mít. Sở dĩ vậy là do diện tích cà phê trước đó thường đối mặt với tình trạng thiếu nước, nên năng suất mang lại không cao. Riêng cây mít, nhu cầu nước tưới ít hơn. Gia đình tôi chăm sóc khá bài bản, nên năng suất cây mít vì thế cũng bảo đảm”.

Trao đổi về việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên địa bàn, ông Phạm Văn Nam, Chủ tịch UBND xã Đắk Gằn, cho biết, trước đây, diện tích cây dài ngày như cà phê, hồ tiêu, điều trên địa bàn tương đối lớn, khoảng hơn 3.000 ha. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, được chính quyền địa phương vận động, người dân tự chuyển đổi sang trồng nhiều loại cây trồng khác để phù hợp với điều kiện khí hậu, bảo đảm nguồn nước tưới. Hiện tại, toàn xã chỉ còn gần 2.000 ha cây dài ngày. Hàng trăm ha cây ăn quả như xoài, mít, bơ... đã được bà con đưa vào canh tác và cho thu nhập khá cao.

Xã Đắk Gằn hiện có 7.500 ha cây nông nghiệp, với tổng sản lượng lương thực đạt gần 15.000 tấn/năm. Trong đó, cây công nghiệp lâu năm 3.220 ha. Cụ thể, cà phê có 1.200 ha; điều 450 ha; hồ tiêu 250 ha; xoài 800 ha; mít 150 ha.

Cũng theo ông Nam, để chống hạn, ngoài sự chủ động từ phía người dân, hằng năm, địa phương luôn có nhiều giải pháp để ứng phó, không lơ là. Đơn cử như năm nay, dự kiến cuối tháng 3 đến đầu tháng 4 nếu chưa có mưa, nguy cơ hạn hán xảy ra rất cao. Hiện tại, chính quyền xã ra sức tuyên truyền, khuyến cáo người dân cố gắng nạo vét ao hồ, tích trữ thêm nước, tưới nước tiết kiệm. Còn về lâu dài, địa phương đang phối hợp với Chi cục Thủy lợi tỉnh rà soát, đẩy mạnh thực hiện Đề án hỗ trợ thủy lợi vừa và nhỏ trên địa bàn. "Làm sao trong vòng vài năm tới, từ nhiều nguồn kinh phí khác nhau, hệ thống thủy lợi vừa, nhỏ sẽ phủ rộng trong toàn Nhân dân. Từ đây, bà con sẽ chủ động nguồn nước tưới cho cây trồng, hạn chế tình trạng hạn hán xảy ra", ông Nam cho biết.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cách bảo vệ mùa màng ở vùng “rốn hạn”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO