Cải thiện hơn nữa tính minh bạch, tiếp cận thông tin cho doanh nghiệp

Lê Dung| 23/08/2017 10:44

Thông tin sớm, kịp thời, đầy đủ về các chủ trương, chính sách, các quy định liên quan sẽ có giá trị rất lớn đối với việc hoạch định và xây dựng chiến lược sản xuất, kinh doanh cho mỗi doanh nghiệp. Tuy nhiên, hiện nay, việc thiếu thông tin chính thức để xem xét, quyết định đầu tư đang là thực trạng khá phổ biến đối với các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ trên địa bàn tỉnh.

ADQuảng cáo

Tính đến tháng 7/2017, toàn tỉnh có khoảng 160 trang thông tin điện tử (TTĐT), xác lập 98 tên miền cấp 4 có dạng “daknong.gov.vn” cho các cơ quan nhà nước và 74 trang TTĐT tổng hợp để cung cấp thông tin công khai cho doanh nghiệp người dân có nhu cầu. Thế nhưng, phần lớn trang thông tin này chưa đáp ứng được kỳ vọng do thông tin nghèo nàn, thiếu tính kịp thời.

Nhiều doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ đang khó tiếp cận các nguồn thông tin phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Nhiều kênh, nhưng thiếu thông tin

Theo đánh giá của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại Đà Nẵng thì trên các trang TTĐT của tỉnh hiện nay rất ít trang đăng tải những thông tin về chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp, nhất là đối với các doanh nghiệp đã đăng ký, đi vào hoạt động.

Thực tế, thời gian qua, việc công khai và cung cấp thông tin của các cơ quan Nhà nước mới chỉ đáp ứng được một phần so với nhu cầu của các doanh nghiệp. Trong đó, không ít trường hợp việc đăng tải thông tin thiếu sự chủ động, không đầy đủ khi cung cấp, nhất là các thông tin liên quan đến quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất, các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, các chính sách ưu đãi đầu tư…

Hoạt động của nhiều trang thông tin còn đơn giản, chậm cập nhật, chậm làm mới. Chỉ trừ một số ít trang TTĐT có đăng thông tin hỗ trợ cho doanh nghiệp như Trang TTĐT của Sở Kế hoạch và Đầu tư với mục “Đầu tư - Chính sách ưu đãi đầu tư”, còn lại phần lớn các đơn vị chưa quan tâm đến vấn đề này. Thậm chí, nhiều đơn vị đầu mối nhưng Trang TTĐT vẫn không thường xuyên cập nhật các nội dung, thông tin doanh nghiệp cần như Trang TTĐT của Sở Tài chính, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND huyện Tuy Đức, UBND huyện Krông Nô... Nội dung thông tin trên các trang này thiếu tính chuyên nghiệp nên còn chắp vá, không theo hệ thống. Còn một số trang, mặc dù cũng ghi mục hỗ trợ, nhưng thông tin lại không thường xuyên và đầy đủ. Đáng chú ý như trang TTĐT của Sở Công thương có mục “Phổ biến pháp luật”, nhưng lại không thể truy cập được. Mục “Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp” của ngành lại chỉ đưa thông tin các hoạt động từ năm 2016 trở về trước...

Từ thực trạng này, khi một vài lần tìm kiếm thông tin không được đáp ứng nguyện vọng, doanh nghiệp sẽ "nản" và có "cảm tình không tốt" với chính quyền trong công khai, minh bạch thông tin. Lâu dài hơn, đây sẽ là một trong những bước cản trong nỗ lực bình đẳng hóa môi trường đầu tư, đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh của cộng động doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Tìm đến các... “mối quan hệ thân tín”

ADQuảng cáo

Khi không được đáp ứng về nhu cầu cung cấp thông tin cần thiết trên các trang thông tin công khai, để phục vụ yêu cầu đầu tư, sản xuất, kinh doanh, các doanh nghiệp đành phải xác lập các mối quan hệ thân tín với công chức Nhà nước đang giữ vai trò quan trọng trong khả năng tiếp cận các thông tin, tài liệu đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của họ.

Theo khảo sát của VCCI tại Đà Nẵng mới đây cho thấy, hơn 85% doanh nghiệp được khảo sát tại tỉnh cho rằng họ cần phải có “mối quan hệ thân tín” với cơ quan Nhà nước để có được các thông tin và tài liệu cần thiết. Chính những bất cập trong tiếp cận thông tin minh bạch đã khiến doanh nghiệp phải tìm nhiều cách khác để có thông tin, trong đó có cả việc "đi cửa sau" nên xảy ra việc cạnh tranh không bình đẳng giữa các doanh nghiệp. Bởi vì, khi xác lập mối quan hệ, không phải doanh nghiệp nào cũng có được mối quan hệ tốt, tin cậy mà phụ thuộc nhiều vào "năng lực", mức độ "thân tín". Với hình thức cạnh tranh này, đối tượng thiệt thòi nhất vẫn chính là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Họ sẽ không có nhiều cơ hội trong việc xây dựng các mối quan hệ với người nắm giữ thông tin để nắm bắt và tiếp cận các nguồn lực về đất đai, tài chính, công nghệ…

Việc khó và không thể tiếp cận thông tin minh bạch này còn vô tình kéo theo những hệ quả không mong muốn khác. Ví như thay vì tập trung cho phát triển sản xuất, kinh doanh hiệu quả, nhiều doanh nghiệp sẽ mải đầu tư nguồn lực và thời gian để phát triển các “mối quan hệ” cá nhân với các cơ quan quản lý Nhà nước. Thực tế, trong số các doanh nghiệp của tỉnh được hỏi, chỉ có 11% doanh nghiệp cho rằng rất dễ và dễ tiếp cận các thông tin về chính sách ưu đãi đầu tư của tỉnh; 36% doanh nghiệp có thể tiếp cận và 37% doanh nghiệp có thể nhưng khó tiếp cận. Còn lại tới 15% doanh nghiệp cho biết là không thể tiếp cận được các thông tin. Đặc biệt, có 63% doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ cho rằng khó và không thể tiếp cận thông tin có giá trị về kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng mới; 58% doanh nghiệp cho rằng khó và không thể tiếp cận các thông tin về bản đồ, quy hoạch sử dụng đất…

Không chỉ tác động xấu tới doanh nghiệp, việc thiếu minh bạch thông tin còn là môi trường thuận lợi phát sinh tình trạng nhũng nhiễu, tham ô của cán bộ, lợi ích nhóm trong thụ hưởng chính sách...

Theo khảo sát của VCCI tại Ðà Nẵng mới đây cho thấy, hơn 85% doanh nghiệp được khảo sát tại tỉnh cho rằng họ cần phải có “mối quan hệ thân tín” với cơ quan Nhà nước để có được các thông tin và tài liệu cần thiết. Chính những bất cập trong tiếp cận thông tin minh bạch đã khiến doanh nghiệp phải tìm nhiều cách khác để có thông tin, trong đó có cả việc "đi cửa sau" nên xảy ra việc cạnh tranh không bình đẳng giữa các doanh nghiệp.

Phải minh bạch đúng nghĩa

Kết quả công bố chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2016 của Đắk Nông cho thấy, mặc dù chỉ số thành phần về minh bạch và tiếp cận thông tin đã tăng 10 bậc so với năm 2015, nhưng về cơ bản, điểm số vẫn còn thấp, với 6,01 điểm và trở thành một trong những tỉnh ở nhóm thấp về chỉ số này. Điều này đã lý giải việc minh bạch và tiếp cận thông tin phải luôn được cải thiện không ngừng theo hướng thực chất, đúng nghĩa chứ không thể theo dạng nửa vời, cho có công khai nhưng lại thiếu thông tin, thiếu tính kịp thời và tính kết nối.

Theo ông Châu Ngọc Ba, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông thì để nâng cao tính minh bạch và tiếp cận thông tin cho doanh nghiệp nói riêng và Chỉ số PCI nói chung, vừa qua, đơn vị đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các kế hoạch liên quan. Về phía đơn vị, thời gian tới sẽ tiến hành thanh, kiểm tra hoạt động của các trang TTĐT trên địa bàn để nắm bắt về giao diện, bố cục, tình hình cập nhật tin tức, việc khai thác thông tin phù hợp… Thông qua đó, đơn vị sẽ kịp thời chấn chỉnh những đơn vị có trang thông tin chưa bổ sung, cập nhật nội dung thông tin theo quy định, nhất là những thông tin về hỗ trợ cải thiện môi trường kinh doanh cho doanh nghiệp.

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Diễn, Phó Giám đốc VCCI tại Đà Nẵng cho biết: "Đối với những thông tin hỗ trợ doanh nghiệp, thời gian tới, tỉnh cần biên soạn lại sao cho nhà đầu tư, doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận và nhận diện đúng. Việc đăng tải các nội dung đã biên tập trên trang TTĐT riêng hay một mục trên trang TTĐT của các sở, ban ngành, địa phương cũng phải thường xuyên, liên tục, nội dung ngắn gọn. Đặc biệt, địa phương cần đẩy mạnh công tác quảng bá thông tin để các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh biết đến nhiều hơn nữa thông qua truyền hình, báo, tạp chí, các trang TTĐT. Điều cốt yếu là làm thế nào để càng nhiều người biết đến càng tốt. Có như vậy, thông tin dành cho doanh nghiệp mới được phổ biến rộng rãi. Doanh nghiệp cũng sẽ dễ dàng hơn trong tiếp cận thông tin hỗ trợ cho hoạt động của đơn vị mình".

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cải thiện hơn nữa tính minh bạch, tiếp cận thông tin cho doanh nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO