Cam kết đầu tư vào Đắk Nông: “Nói phải đi đôi với làm”

Lương Nguyên| 21/01/2019 09:55

Tại Hội nghị xúc tiến đầu tư Đắk Nông năm 2019 vừa diễn ra mới đây, bên cạnh việc trao chủ trương đầu tư cho 4 dự án lớn đang triển khai trên địa bàn, nhiều tập đoàn kinh tế lớn trong cả nước cũng đã ký bản ghi nhớ cam kết đầu tư hàng loạt dự án với tỉnh. Nếu những cam kết trên thành hiện thực sẽ tạo cơ hội để Đắk Nông khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế trong phát triển nhanh, bền vững.

ADQuảng cáo

Không chỉ có nhiều nhà đầu tư lớn ký cam kết đầu tư, Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Đắk Nông năm 2019 còn vinh dự được đích thân Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tham dự, chủ trì.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và lãnh đạo các bộ, ngành; lãnh đạo tỉnh Đắk Nông chứng kiến ký biên bản cam kết đầu tư giữa UBND tỉnh Đắk Nông với các nhà đầu tư. Ảnh: Ngọc Tâm

Nhiều dự án lớn được cam kết

Một trong những đơn vị đứng trong tốp đầu ký cam kết đầu tư vào Đắk Nông là Tập đoàn T&T, với biên bản ghi nhớ đầu tư vào 10 dự án, số vốn đăng ký hơn 9.700 tỷ đồng. Theo đó, Tập đoàn T&T cam kết tài trợ kinh phí cho tỉnh Đắk Nông để thực hiện công tác lập quy hoạch như: Lập quy hoạch vùng liên huyện thuộc Công viên địa chất Đắk Nông, quy mô hơn 4.700 km vuông; Lập quy hoạch phân Khu đô thị du lịch sinh thái hồ Đắk R’tíh (Gia Nghĩa), với quy mô 1.725 ha…

Cùng với tập đoàn T&T, Công ty Cổ phần SAM Nông nghiệp công nghệ cao ký biên bản ghi nhớ đầu tư vào Đắk Nông, với số vốn đầu tư lên đến 15.000 tỷ đồng. Theo cam kết, đơn vị sẽ đầu tư vào Đắk Nông các dự án phát triển nông nghiệp đối với các cây trồng như: hồ tiêu, bơ, khoai lang, sầu riêng…; sàn giao dịch nông sản Đắk Nông; chế biến sâu các sản phẩm nông, lâm nghiệp; hạ tầng khu, cụm công nghiệp.

Ngoài ra, một số tập đoàn, công ty lớn đã ký biên bản ghi nhớ đầu tư vào Đắk Nông như: Tập đoàn FLC ký biên bản ghi nhớ 5 dự án, với tổng vốn đầu tư 19.000 tỷ đồng; Tập đoàn Trường Thành Việt Nam ghi nhớ cam kết  dự án phát triển hệ thống đèn chiếu sáng thông minh tại các đô thị, chỉnh trang đô thị, hạ ngầm tuyến cáp viễn thông trên địa bàn Gia Nghĩa, đầu tư dự án Điện năng lượng mặt trời Quảng Phú, với tổng vốn đầu tư 1.220 tỷ đồng; Tập đoàn Mường Thanh ký biên bản nghi nhớ đầu tư dự án “Tổ hợp Trung tâm thương mại và khách sạn Mường Thanh Đắk Nông”, với tổng vốn đầu tư 750 tỷ đồng; Công ty Cổ phần CEPELIA Quảng Nam ghi nhớ dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu Công nghiệp Nhân Cơ (Đắk R’lấp), với tổng vốn đầu tư 1.200 tỷ đồng…

ADQuảng cáo

Ngày 22/11/2018, UBND tỉnh đã ký Quyết định số 1869/QĐ-UBND ban hành danh mục các dự án kêu gọi đầu tư trên địa bàn tỉnh Đắk Nông giai đoạn 2018-2020 thuộc nhiều lĩnh vực như: Nông nghiệp, hạ tầng công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch. Tính đến thời điểm hiện nay, địa phương đã trao chủ trương đầu tư cho 5 dự án, với số vốn đăng ký 2.660 tỷ đồng. Ngoài ra, UBND tỉnh và nhiều tập đoàn kinh tế lớn trong cả nước đã cam kết đầu tư vào Đắk Nông, với tổng số vốn đầu tư đã cam kết đạt mức 50.000 tỷ đồng.

Phát huy lợi thế "mềm" để bù đắp hạn chế "cứng"

Có thể khẳng định, nhiều dự án của các nhà đầu tư lớn, có tiềm lực nếu được thực thi sẽ tạo chuyển biến tích cực về kinh tế, xã hội cho Đắk Nông, từ đó góp phần tạo diện mạo mới, đưa Đắk Nông vững tiến trên bước đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển bền vững trong quá trình hội nhập.

Tại hội nghị xúc tiến đầu tư mới đây, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Bốn khẳng định: “Để bảo đảm huy động được các nguồn vốn, công nghệ trong và ngoài nước cho mục tiêu phát triển kinh tế, Đắk Nông đã, đang và sẽ tiếp tục quan tâm đổi mới cơ chế, chính sách, tạo môi trường thông thoáng, thân thiện giữa chính quyền với nhà đầu tư. Địa phương sẽ nỗ lực khắc phục mọi khó khăn về cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực, thị trường… sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi nhất để đón tiếp các nhà đầu tư”.

Định hướng cho các nhà đầu tư khi cam kết đầu tư vào Đắk Nông, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Đối với các nhà đầu tư hôm nay về đây cam kết, ký bản ghi nhớ thì phải thống nhất giữa lời nói và việc làm, tránh tình trạng nói để lấy việc. Bởi đã có nhiều nơi xảy ra tình trạng lúc đầu ký kết rất hăng hái, nhưng sau đó bỏ ngỏ. Cho nên các đơn vị khi đã đến đây, từ việc cam kết đầu tư, thực hiện các nội hàm của đầu tư đến phương châm đầu tư và kể cả việc sử dụng lao động phải thực hiện theo hướng “nói đi đôi với làm”. Các đơn vị cùng đến đây, cùng đầu tư phát triển để phát huy trách nhiệm xã hội của doanh nhân ở khu vực này”.

Cũng theo Thủ tướng Chính phủ, cùng với các nhà đầu tư, về phía tỉnh Đắk Nông, vấn đề quan trọng nhất là phải giải quyết tốt thủ tục hành chính, nâng cao khả năng giải quyết thủ tục từ lĩnh vực đất đai đến các lĩnh vực khác, để tạo thuận lợi cho nhà đầu tư. Do vậy, địa phương cần có một đội ngũ chuyên nghiệp làm điều này cho doanh nghiệp hoặc có thể thuê tổ chức chuyên nghiệp bên ngoài hỗ trợ doanh nghiệp. Đừng để lâu quá mất ý nghĩa, thời cơ của doanh nghiệp. Địa phương phải phát huy lợi thế “mềm” về môi trường kinh doanh thật nổi trội để bù đắp lại những hạn chế “cứng” về chất lượng cơ sở hạ tầng.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cam kết đầu tư vào Đắk Nông: “Nói phải đi đôi với làm”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO