Cần đẩy mạnh liên kết để phát triển du lịch

Tường Mạnh| 03/08/2015 15:05

Ngày 24/7 vừa qua, tại TP.Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), Ban Kinh tế Trung ương, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên và Thời báo Kinh tế Việt Nam đã phối hợp tổ chức Hội thảo Liên kết phát triển kinh tế vùng Tây Nguyên. Tại hội thảo chuyên đề “Liên kết phát triển du lịch vùng Tây Nguyên”, nhiều tham luận đã tập trung phân tích, đánh giá và đưa ra những giải pháp, hiến kế để góp phần thúc đẩy du lịch vùng Tây Nguyên “cất cánh”.

ADQuảng cáo

MỤC TIÊU ĐÃ ĐƯỢC ĐẶT RA

Theo Tổng cục Du lịch thì Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã xác định Tây Nguyên là 1 trong 7 vùng du lịch của cả nước. Với những nét đặc trưng riêng của các điều kiện tự nhiên và những giá trị văn hóa đặc sắc của các dân tộc, Tây Nguyên có thể tạo nên những sản phẩm du lịch đặc thù, mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam, có đầy đủ những thế mạnh riêng để thu hút khách du lịch.

Tốc độ tăng trưởng khách du lịch quốc tế và nội địa đến Tây Nguyên trong những năm gần đây bình quân đạt trên 10% và tốc độ tăng trưởng bình quân tổng thu du lịch xấp xỉ 30%. So sánh với cả nước, tổng thu du lịch vùng Tây Nguyên vẫn chiếm một tỷ lệ thấp (trung bình khoảng 4,3% tổng thu du lịch cả nước), nhưng lại có tốc độ tăng trưởng cao nhất so với các vùng khác trong cả nước. Điều này cho thấy, sức hấp dẫn riêng cũng như triển vọng phát triển du lịch của vùng Tây Nguyên.

Du khách tham quan thác Lưu Ly, xã Nâm N'Jang (Đắk Song). Ảnh: Đức Hùng

Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng Tây Nguyên đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 2162/QĐ-TTg ngày 11/11/2013. Theo đó, mục tiêu đến năm 2020, toàn vùng thu hút khoảng 800.000 lượt khách quốc tế, 3,9 triệu lượt khách du lịch nội địa, với tổng thu du lịch trên 11.000 tỷ đồng; đến năm 2030 thu hút khoảng 1,8 triệu lượt khách quốc tế, 6,8 triệu lượt khách du lịch nội địa, với tổng thu trên 26.000 tỷ đồng.

Phấn đấu đến năm 2020, Tây Nguyên cơ bản hình thành được sự liên kết phát triển du lịch giữa các địa phương trong vùng một cách toàn diện, đồng bộ; xây dựng được sản phẩm du lịch đặc trưng của vùng, có thương hiệu và đến năm 2030 du lịch Tây Nguyên trở thành ngành kinh tế quan trọng, tạo động lực thúc đẩy các ngành kinh tế khác phát triển, đóng góp tích cực vào xóa đói giảm nghèo của vùng…

VẪN CÒN NHIỀU THÁCH THỨC

Tuy nhiên, theo phân tích của các nhà chuyên môn, để đạt được mục tiêu nói trên thực sự là thách thức không nhỏ đối với du lịch Tây Nguyên. Bởi từ nay đến năm 2020 không còn xa, trong khi việc phát triển du lịch vùng Tây Nguyên vẫn chưa có sự bứt phá mạnh mẽ.

Cụ thể, hệ thống kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch, chất lượng các sản phẩm, dịch vụ du lịch còn ở mức thấp. Tài nguyên và môi trường du lịch đang có nguy cơ suy giảm do khai thác, sử dụng thiếu hợp lý và do những tác động của thiên tai ngày càng tăng. Sự phát triển của các ngành kinh tế khai khoáng, thủy điện và nạn chặt phá rừng…đã và đang làm mất đi những nguồn tài nguyên thế mạnh của Tây Nguyên như hệ thống các thác nước, các cảnh quan, hệ sinh thái.

Bên cạnh đó, trên thực tế, sự phát triển kinh tế-xã hội nói chung và du lịch nói riêng của Tây Nguyên trong những năm qua trong mối quan hệ liên vùng và tính hội nhập quốc tế…còn rất hạn chế. Việc liên kết để khai thác mọi tiềm năng, lợi thế sẵn có trong phát triển du lịch giữa các tỉnh trong vùng cũng như với các vùng khác trong cả nước chưa mang lại kết quả như mong muốn.

ADQuảng cáo

Hoạt động liên kết hầu như mới dừng lại ở hợp tác giữa các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch của các địa phương, thiếu vắng vai trò của nhóm đối tác rất quan trọng là các doanh nghiệp du lịch và Hiệp hội du lịch. Hoạt động liên kết chưa dựa trên một chiến lược phát triển du lịch tổng thể của khu vực nên chưa xác định cụ thể sản phẩm nào, dịch vụ nào cần tập trung phát triển chung cho toàn khu vực, dẫn đến tình trạng manh mún, dàn trải.

Chợ đêm Đà Lạt (Lâm Đồng) thu hút du khách đến tham quan, mua sắm

LIÊN KẾT LÀ YÊU CẦU CẤP THIẾT

Qua phân tích, đánh giá của các nhà chuyên môn, hội thảo đã đi đến thống nhất, trong bối cảnh hiện nay, việc liên kết để khai thác, phát triển du lịch vùng là yêu cầu cấp thiết của các tỉnh Tây Nguyên. Bởi vì, thực tế phát triển du lịch những năm qua đã chứng minh liên kết là xu thế tất yếu nếu muốn hình thành nên những trung tâm du lịch lớn.

Liên kết cho phép khai thác tối đa lợi thế phát triển du lịch như kết cấu hạ tầng, tài nguyên du lịch, nguồn lực con người…tạo ra những sản phẩm du lịch nội vùng và liên vùng độc đáo, có sức hút. Liên kết trong du lịch vừa mang lại lợi ích cho tất cả các bên tham gia, vừa tiết kiệm đầu tư của mỗi thành viên, trong khi sản phẩm du lịch sẽ được tái sử dụng. Ngoài ra, việc hợp tác, liên kết sẽ góp phần giải quyết thực trạng phát triển nhỏ lẻ, manh mún, không chuyên nghiệp cũng như bổ sung, hỗ trợ các nguồn lực để phát triển du lịch ở các địa phương.

Cưỡi voi - sản phẩm độc đáo của khu du lịch Buôn Đôn (Đắk Lắk)

Theo đó, trước hết, các tỉnh cần xây dựng đề án liên kết phát triển du lịch vùng Tây Nguyên. Đây là cơ sở để triển khai các nội dung liên kết và hợp tác, xây dựng các hoạt động xúc tiến quảng bá cần thiết, xác định thương hiệu và các sản phẩm du lịch mang bản sắc vùng. Các tỉnh trong khu vực cần phải thống nhất trong đề án chung, lấy các khu, điểm du lịch quốc gia đã được xác định làm các điểm ưu tiên phát triển để tạo sức lan tỏa trong toàn khu vực.

Thứ hai, các tỉnh cần xây dựng được cơ chế, hình thức, nội dung liên kết phát triển du lịch có hiệu quả. Liên kết ở đây không đơn giản chỉ là kết nối các điểm đến mà phải tạo ra sự liên kết toàn diện, ở nhiều cấp độ hình thức và nội dung. Cụ thể là liên kết trong đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực; trong quy hoạch, đầu tư xây dựng hạ tầng du lịch; trong xây dựng điểm, tuyến du lịch và thương hiệu điểm đến; trong xây dựng các sản phẩm; trong điều tiết và cung ứng các dịch vụ, các sản phẩm du lịch; trong tổ chức quản lý du lịch và xây dựng hành lang pháp lý cho du lịch phát triển.

Thứ ba, các tỉnh cần hình thành Ban điều phối liên kết phát triển du lịch vùng Tây Nguyên để thúc đẩy quá trình liên kết hợp tác. Việc thành lập Ban điều phối liên kết phát triển du lịch vùng là một nhiệm vụ hết sức cần thiết để chỉ đạo công tác quản lý, tổ chức, liên kết hợp tác trong phát triển du lịch toàn vùng. Đây là vấn đề đang được các địa phương trong vùng và các doanh nghiệp du lịch rất quan tâm để tạo bước đột phá trong hoạt động liên kết, thúc đẩy quá trình liên kết, hợp tác, đem lại hiệu quả thực sự cho phát triển du lịch vùng Tây Nguyên.

Thứ tư là tăng cường vai trò của các doanh nghiệp trong các hoạt động liên kết, hợp tác phát triển du lịch. Hoạt động liên kết giữa các tỉnh trong khu vực phải là cầu nối, là diễn đàn để liên kết hợp tác giữa các doanh nghiệp du lịch. Tiếng nói của doanh nghiệp nên được coi trọng và cần có các chính sách khuyến khích các doanh nghiệp liên kết xây dựng những tour du lịch mới nhằm lôi kéo khách quốc tế cũng như xây dựng các sản phẩm du lịch độc đáo, đặc sắc để nâng cao hơn sức cạnh tranh.

Hội thảo cũng nhấn mạnh, để Tây Nguyên trở thành khu vực phát triển du lịch nhanh và bền vững, các địa phương trong vùng cần thực sự nỗ lực, nhất là phải có sự đồng thuận về liên kết hợp tác. Phải bằng những hành động cụ thể, các tỉnh Tây Nguyên mới có thể vượt thách thức, tìm được tiếng nói chung trong liên kết phát triển du lịch.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần đẩy mạnh liên kết để phát triển du lịch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO