Cân đối các loại cây ăn trái để phát triển phù hợp hơn

Thanh Nga| 24/11/2021 08:58

Thời gian qua, diện tích cây ăn trái trên địa bàn tỉnh tăng nhanh, nhất là một số loại cây có thế mạnh như sầu riêng, bơ, xoài... Thế nhưng, một số loại cây đã bộc lộ những hạn chế, đòi hỏi phải tính toán, cân đối lại để phát triển phù hợp, ổn định hơn.

ADQuảng cáo

Theo Sở Nông nghiệp - PTNT, khoảng 10 năm nay, diện tích xoài trên địa bàn tỉnh tăng nhanh và hiện có khoảng 1.200 ha. Đối với cây sầu riêng, bơ cũng phát triển rất mạnh.

Cụ thể, cây bơ hiện có khoảng gần 3.000 ha trồng thuần và khoảng 1.500 ha trồng xen. Đối với cây sầu riêng đang có khoảng 2.600 ha trồng thuần, khoảng 2.400 ha trồng xen với các loại cây khác.

Nhiều loại cây ăn trái khác như cam, bưởi, măng cụt, mãng cầu, na, mít... cũng được nhiều người dân lựa chọn để đầu tư phát triển kinh tế. Hầu hết các loại cây ăn trái đều mang lại thu nhập tương đối tốt cho người dân.

Bà Nguyễn Thị Tình, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp - PTTN cho biết, việc phát triển cây ăn trái là phù hợp với các lợi thế của tỉnh cũng như xu hướng thị trường hiện nay.

Trong số các loại cây ăn trái hiện nay sầu riêng đang mang lại giá trị kinh tế cao nhất. Nhiều năm qua, sầu riêng luôn có đầu ra tốt, giá cả ổn định. Sầu riêng có thời gian thu hoạch dài, khâu bảo quản tương đối thuận lợi.

Sầu riêng sản xuất ở Đắk Nông có chất lượng cao, bảo đảm các tiêu chuẩn để xuất khẩu, kể cả các thị trường khó tính. Do đó, tỉnh xác định đây là loại cây chủ lực để quy hoạch, phát triển tốt hơn trong thời gian tới.

Sầu riêng được xem là cây chủ lực, có định hướng để phát triển thời gian tới

Đối với cây bơ, thời gian qua, sản phẩm chủ yếu tiêu thụ nội địa và thị trường Trung Quốc. Thế nhưng, thị trường tiêu thụ bơ không ổn định, nhất là thị trường xuất khẩu, dẫn đến giá cả lên xuống thất thường.

Lý giải về điều này, bà Nguyễn Thị Tình cho biết, điều kiện sinh thái của Đắk Nông khó phát triển các sản phẩm bơ đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, nhất là thị trường châu Âu.

ADQuảng cáo

Ở châu Âu, Mỹ, người dân chủ yếu có nhu cầu sử dụng bơ hass. Trong khi, qua thực tế sản xuất của người dân cho thấy, điều kiện sinh thái của Đắk Nông rất khó phát triển giống bơ này.

Một số loại như bơ booth, bơ Cu Ba... có khả năng xuất khẩu sang Hàn Quốc, Nhật Bản, nhưng hiện nay diện tích chưa nhiều. Trong khi nhiều loại bơ có giá trị thấp hơn lại được người dân trồng đại trà.

Ngoài ra, quả bơ phải cấp đông nhanh, sau đó chuyển sang bảo quản đông lạnh mới giữ được hương vị, bảo đảm chất lượng. Cung đoạn này đòi hỏi phải đầu tư lớn, không phải doanh nghiệp nào cũng làm được, nhất là với doanh nghiệp trong tỉnh.

"Cây bơ đang có xu hướng chững lại và có khả năng không phát triển nữa. Ngành Nông nghiệp sẽ cân nhắc kỹ để phát triển cây bơ một cách chuyên sâu hơn, phù hợp hơn", bà Tình cho biết.

Nhiều năm qua, xoài cũng là một trong những loại cây trồng mang lại giá trị kinh tế cao. Qua đánh giá của ngành Nông nghiệp, xoài đòi hỏi yêu cầu sinh thái khắt khe mới cho sản phẩm chất lượng.

Xã Đắk Gằn (Đắk Mil) là nơi được quy hoạch phát triển xoài tập trung

Ngành Nông nghiệp định hướng chỉ phát triển xoài tập trung ở xã Đắk Gằn (Đắk Mil). Đến nay, diện tích xoài đã giữ ổn định vì hầu như đã hết dư địa phát triển.

Cũng theo bà Tình, ngành Nông nghiệp sẽ chú trọng đánh giá các vùng thích nghi với từng cây trồng để định hướng phát triển như măng cụt ở Đắk Nia, Đắk R'moan (Gia Nghĩa); cam, quýt ở Buôn Choáh (Krông Nô); ổi Quảng Khê (Đắk Glong)...

Việc đánh giá, phát triển cây ăn trái cũng sẽ được chú trọng vào khâu tuyển chọn những cây đầu dòng. Từ đó xây dựng các vườn cây giống đạt tiêu chuẩn phục vụ người dân sản xuất.

Các loại cây ăn trái sẽ được phát triển thành vùng nguyên liệu, rải vụ để tăng thu nhập, tránh tình trạng lúc thừa, lúc thiếu. Khâu chế biến, bảo quản các sản phẩm trái cây cũng được hướng đến nhiều hơn.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cân đối các loại cây ăn trái để phát triển phù hợp hơn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO