Cần quan tâm kiểm soát dịch bệnh trên vật nuôi

Bài, ảnh: Hồng Thoan| 14/06/2022 09:26

Mùa mưa đang là điều kiện thuận lợi cho các loại dịch bệnh nguy hiểm phát sinh, lây lan trên đàn vật nuôi, nhất là dịch tả heo châu Phi (DTHCP) và bệnh viêm da nổi cục (VDNC) trên trâu bò. Do đó, ngành chức năng, người dân đang tập trung phòng bệnh, bảo vệ đàn vật nuôi an toàn, khỏe mạnh.

ADQuảng cáo

Đắk Glong được ngành chức năng ghi nhận là địa phương mới nhất có sự xuất hiện của DTHCP. Trước đó, vào cuối tháng 5/2022, dịch đã xuất hiện tại đàn heo của ông Phùng Văn Tuy, bon B’Srê B, xã Đắk Som (Đắk Glong), làm 30 con heo bị chết, buộc phải tiêu hủy.

Theo Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp huyện Đắk Glong, đơn vị đã nhanh chóng cử lực lượng xuống hộ ông Tuy lấy mẫu gửi đi xét nghiệm. Các biện pháp tiêu hủy heo bệnh, tiêu độc khử trùng cũng được tiến hành nhanh chóng. Qua 1 tuần, tạm thời mầm bệnh được khống chế.

Không chỉ Đắk Glong, theo Sở NN - PTNT, từ cuối tháng 5 đến nay, DTHCP có xu hướng tăng. Đắk Song, Đắk Mil cũng là hai địa bàn mới nhất có sự xuất hiện của dịch bệnh này.

DTHCP đã làm cho nhiều hộ dân chịu cảnh "trắng chuồng"

Tính đến nay, có 7/8 huyện, thành phố đã xuất hiện DTHCP, với tổng cộng 1.121 con heo của 19 hộ dân mắc bệnh, phải tiêu hủy. Có 6 xã, phường thuộc 4 huyện, thành phố có dịch bệnh chưa qua 21 ngày gồm: Thuận An (Đắk Mil); Nâm N’Jang và Trường Xuân (Đắk Song); Đắk Ru (Đắk R’lấp); Đắk Som (Đắk Glong); phường Nghĩa Trung (Gia Nghĩa).

Ngoài ra, bệnh VDNC trên trâu bò cũng đã xuất hiện tại 2 huyện là Krông Nô và Cư Jút, với 12 con bò mắc bệnh. Trong đó, một con đã chết, phải tiêu hủy.

Theo ngành chức năng, DTHCP và VDNC là 2 loại dịch bệnh nguy hiểm nhất trong mùa mưa đối với vật nuôi. UBND tỉnh, ngành chức năng, các địa phương đã có sự chủ động phòng ngừa, nhưng dịch bệnh vẫn xuất hiện.

Trong đó, về nguyên nhân khách quan là do thời tiết biến đổi thất thường, làm giảm sức đề kháng của vật nuôi. Công tác tái đàn, tăng đàn vật nuôi được người dân triển khai mạnh, trong khi khâu áp dụng các biện pháp an toàn sinh học còn hạn chế đã khiến dịch gia tăng.

DTHCP vẫn chưa có vắc xin phòng bệnh. Loại vắc xin này mới được Việt Nam sản xuất thương mại thành công gần đây, nhưng vẫn chỉ đang sử dụng ở mức thử nghiệm.

ADQuảng cáo

Nhân viên thú y huyện Đắk R'lấp tiêm vắc xin VDNC cho đàn bò

Theo bà Nguyễn Thị Tình, Phó Giám đốc Sở NN - PTNT, để khẩn trương kiểm soát tốt các dịch bệnh trên vật nuôi, các huyện, thành phố, các đơn vị chức năng cần tập trung triển khai thực hiện quyết liệt các biện pháp theo chỉ đạo của Trung ương, UBND tỉnh.

Ngành chức năng, người dân tránh tình trạng chủ quan, lơ là để dịch bệnh phát sinh, lây lan diện rộng. Đặc biệt, UBND cấp xã tổ chức rà soát, thống kê tổng đàn, hộ chăn nuôi để chủ động nắm bắt thực tế, kiểm soát dịch bệnh.

Chính quyền các cấp cần tuyên truyền đến người chăn nuôi thực hiện việc khai báo hoạt động chăn nuôi theo quy định, đồng thời áp dụng các biện pháp an toàn sinh học.

Các địa phương kiện toàn, duy trì hoạt động của các đoàn liên ngành để tăng cường kiểm soát việc vận chuyển động vật, cơ sở giết mổ động vật. Lực lượng chuyên ngành các cấp đẩy mạnh kiểm tra, kiểm soát tình hình buôn bán, giết mổ động vật, xử lý nghiêm các vi phạm.

Việc tiêu hủy đàn heo mắc dịch tả châu Phi được xã Đắk Som (Đắk Glong) triển khai đúng quy định

Đối với người chăn nuôi, cần chú ý khai báo với chính quyền cơ sở và làm đúng các hướng dẫn chăn nuôi an toàn sinh học, mua con giống có nguồn gốc. Bà con thường xuyên tiêu độc, khử trùng chuồng trại chăn nuôi, bổ sung chất dinh dưỡng cho đàn vật nuôi.

Bà con cũng cần tiêm vắc xin phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho đàn vật nuôi, đồng thời theo dõi sát sao các biểu hiện về dịch bệnh trên địa bàn để có biện pháp phòng, ngừa hiệu quả.

Đối với bệnh VDNC trên trâu bò, biện pháp chính hiện nay là đẩy mạnh tiêm vắc xin. Ngoài ra, bà con cũng cần áp dụng các biện pháp chăn nuôi trâu bò an toàn, tránh thả rông dễ lây nhiễm dịch bệnh.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần quan tâm kiểm soát dịch bệnh trên vật nuôi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO