Cần quyết liệt trong xây dựng thương hiệu nông sản Việt Nam

Hoài An (t.h)| 14/09/2017 09:07

Ngành nông nghiệp Việt Nam hiện có nhiều sản phẩm nông, lâm, thủy sản xuất khẩu, trong đó có nhiều sản phẩm có kim ngạch xuất khẩu hơn 1 tỷ USD/năm, nhưng vẫn còn hơn 80% số các hàng nông sản chưa xây dựng được thương hiệu, chưa có biểu tượng lô gô, nhãn mác. Đây là một bất lợi lớn, làm giảm sức cạnh tranh của các loại nông sản Việt trên thị trường thế giới.

ADQuảng cáo

Mặc dù là một nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới nhưng đến nay vẫn chưa xây dựng được biểu trưng về thương hiệu Việt Nam. Ảnh tư liệu

Gạo là một trong những trường hợp như vậy. Mặc dù là một trong những nước đứng tốp đầu thế giới về gạo xuất khẩu, nhưng biểu trưng và thương hiệu của gạo Việt đến nay vẫn chưa có. Ngày 23/2/2017(sau gần 2 năm Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 706/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án phát triển thương hiệu gạo Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030), Bộ Nông nghiệp - PTNT mới ban hành Quyết định 463/QĐ-BNN-CB thành lập Ban tổ chức cuộc thi và gần hai tháng sau mới tổ chức lễ phát động “Cuộc thi sáng tác biểu trưng thương hiệu quốc gia gạo Việt Nam”.

Đến nay, sau gần 5 tháng phát động, Ban tổ chức vẫn chưa lựa chọn được lô gô của cá nhân hay tổ chức nào ở trong nước và ngoài nước thể hiện trọn vẹn được hình ảnh truyền thống, danh tiếng và chất lượng gạo Việt Nam để có thể công bố trong tháng 9 này.

Không chỉ có gạo, sản phẩm nông sản của nước ta đã được biết đến rộng rãi ở thị trường trong nước và ngoài nước, nhiều sản phẩm đã được Cục Sở hữu Trí tuệ bảo hộ tên gọi xuất xứ, chỉ dẫn địa lý, nhưng vẫn chưa xây dựng được thương hiệu, chưa có lô gô, nhãn mác. Nhiều sản phẩm cung cấp ra thị trường thế giới phải thông qua các thương hiệu nước ngoài. Đây là một bất lợi lớn trong cạnh tranh của các loại nông sản Việt, nhất là trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng như hiện nay, đòi hỏi việc tăng cường khả năng cạnh tranh của sản phẩm đồng nghĩa với việc phải tạo ra sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, với chất lượng đáp ứng các tiêu chuẩn, nhu cầu, thị hiếu của thị trường.

ADQuảng cáo

Bên cạnh việc đẩy nhanh tiến trình thực hiện “Đề án phát triển thương hiệu gạo Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”, ngành Nông nghiệp đang khẩn trương hoàn thiện “Chương trình phát triển thương hiệu nông sản chủ lực Việt Nam đến năm 2020” đối với một số sản phẩm như chè, cà phê, xoài, thanh long, cá tra,… gắn với chỉ dẫn địa lý.

Tuy nhiên, để triển khai việc xây dựng và phát triển thương hiệu nông sản chủ lực, các ngành, địa phương cần ưu tiên đầu tư các mặt hàng nông sản có thế mạnh của địa phương và phục vụ xuất khẩu, cũng như tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất có thể tiếp cận nhanh chóng, dễ dàng các nguồn hỗ trợ nhằm phát huy tiềm lực về đất đai, tài chính, khoa học, kỹ thuật để phát triển thị trường, đào tạo nguồn nhân lực, thúc đẩy sự liên kết giữa “bốn nhà” (nhà quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp và nông dân) để tham gia chặt chẽ, hiệu quả vào lộ trình xây dựng thương hiệu nông sản.

Các cơ quan chức năng cần hoàn thiện các quy định pháp lý về thương hiệu, như các thuật ngữ về thương hiệu, nhãn hiệu sử dụng trong các văn bản quy phạm pháp luật cần được thống nhất, chung một cách hiểu; xây dựng chương trình tổng thể về phát triển thương hiệu nông sản Việt Nam, trong đó bao gồm đầy đủ các hướng dẫn thực hiện về lộ trình, các công cụ tài chính, kỹ thuật, cơ chế phối hợp, hệ thống chia sẻ, xác định thị trường, ngành hàng tập trung xây dựng thương hiệu… một cách khả thi, áp dụng thực tiễn để các địa phương có căn cứ triển khai thực hiện. Đồng thời, các ngành tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chất lượng để các sản phẩm đã và đang xây dựng thương hiệu bảo đảm có chất lượng tốt, ổn định, dần khẳng định “danh tiếng” trên thị trường.

Mặt khác, cần tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, nhằm quảng bá những sản phẩm có thương hiệu; tổ chức tuyên truyền, vận động bà con nông dân tham gia vào các hội, hiệp hội, làng nghề để thống nhất quan điểm trong việc áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tốt, hạn chế sản xuất tự phát, làm ảnh hưởng đến thương hiệu các sản phẩm địa phương trong mắt người tiêu dùng trong nước và quốc tế.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần quyết liệt trong xây dựng thương hiệu nông sản Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO