"Cánh đồng VietGAP" ở Buôn Choáh

Văn Tâm| 30/12/2017 09:31

Qua 5 năm triển khai, cánh đồng sản xuất lúa VietGAP tại xã Buôn Choáh (Krông Nô) đã đạt được nhiều kết quả mang tính đồng bộ từ năng suất, chất lượng, giá trị kinh tế và môi trường... Hơn thế, cánh đồng VietGAP xã Buôn Choáh còn giải quyết căn bản những hạn chế trong sản xuất nông nghiệp truyền thống tại địa phương.

ADQuảng cáo

Cán bộ kỹ thuật đi kiểm tra ruộng lúa trên cánh đồng xã Buôn Choáh, huyện Krông Nô

Huyện Krông Nô là địa bàn trọng điểm về sản xuất lương thực của tỉnh, diện tích gieo trồng lúa nước hàng năm hơn 4.600 ha, trong đó xã Buôn Choáh chiếm hơn 1.400 ha. So với các xã khác trong huyện, diện tích sản xuất lúa của xã Buôn Choáh chiếm tương đối lớn, và là nguồn thu nhập quan trọng của người dân trên vùng đất bãi bồi ven sông này.

Hơn 5 năm về trước, việc sản xuất lúa của người dân nơi đây vẫn còn nhỏ lẻ, manh mún, chưa tập trung, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn nhiều hạn chế. Thu nhập của người dân từ  trồng lúa chưa cao, chưa tương xứng với tiềm năng lợi thế. Để giải quyết vấn đề này, UBND huyện Krông Nô đã phối hợp với Trường Đại học Tây Nguyên xây dựng bản đồ nông hóa, thổ nhưỡng cho từng cánh đồng, từng xã, từng loại cây trồng.

Theo ông Nguyễn Văn Quang, Trạm trưởng Trạm Khuyến nông – Khuyến ngư huyện thì việc xây dựng bản đồ nông hóa, thổ nhưỡng là nhằm mục tiêu hình thành vùng chuyên canh trồng lúa, tạo ra sản phẩm lớn, cùng một loại giống, xuống giống cùng lúc, chăm sóc cùng một quy trình, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa vào sản xuất và thu hoạch đồng loạt…. Đồng thời, UBND huyện cũng định hướng và khuyến khích các hộ tham gia mô hình thực hiện dồn điền đổi thửa cho nhau, giảm dần sổ thửa/hộ, tạo ra các thửa ruộng lớn để chỉnh trang, san gạt đồng ruộng…

Trên cơ sở đó, năm 2012, huyện đã chọn xã Buôn Choáh xây dựng Đề án “Cánh đồng mẫu lúa nước” tại cánh đồng thôn Ninh Giang và Bình Giang, với diện tích ban đầu 34,1 ha, có 27 hộ tham gia. Từ kết quả ban đầu, địa phương đã tổ chức tổng kết, đánh giá kết quả mô hình và công bố quyết định công nhận vùng sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP. Đến nay các hộ dân tham gia mô hình tiếp tục duy trì và nhân rộng thêm 22,9 ha, đưa diện tích lúa được công nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP lên 62,9 ha.

ADQuảng cáo

Qua kết quả mô hình khảo nghiệm, giống lúa RVT được chọn sản xuất đại trà đạt năng suất khá cao, trung bình đạt 7,5 tấn/ha, chất lượng hạt gạo dẻo, thơm ngon, được người tiêu dùng ưa chuộng nên giá bán luôn cao hơn các giống lúa khác tại địa phương. Trong quá trình sản xuất, người dân được hướng dẫn quy trình chăm sóc, áp dụng quy trình “1 phải 5 giảm” (phải sử dụng giống xác nhận; giảm lượng giống gieo sạ, giảm lượng phân bón (đạm), giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, giảm lượng nước và giảm thất thoát sau thu hoạch); chương trình “3 tăng 3 giảm” (giảm giống, giảm phân, giảm thuốc bảo vệ thực vật, tăng năng suất, chất lượng, lợi nhuận); biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp (IPM)…

Người dân thường xuyên thăm đồng và phun các loại phân bón lá sinh học giúp cây lúa phát triển

Cũng theo ông Quang, sự hình thành vùng chuyên canh, dồn điền đổi thửa, tạo ra các ô thửa ruộng lớn nên trong khâu làm đất và thu hoạch, người dân đã cơ giới hóa 100% diện tích. Qua đánh giá, hiệu quả kinh tế trong sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP cao hơn so với ruộng lúa thông thường (cùng loại giống RVT) trên 18 triệu đồng/ha.

Trong quá trình thực hiện sản xuất theo chuỗi giá trị, nông dân được hưởng lợi từ các dịch vụ phục vụ từ sản xuất, chất lượng vật tư nông nghiệp, khâu xử lý giống, làm đất, chăm sóc, quản lý nước đến thu hoạch, bảo quản, sơ chế, chế biến… Các hoạt động dịch vụ này đã góp phần gia tăng năng suất, chất lượng và giá trị hạt gạo, tăng tính cạnh tranh và lợi nhuận. Về mặt môi trường, quá trình sản xuất đã lập lại cân bằng sinh thái đồng ruộng, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, góp phần xây dựng nền sản xuất xanh, sạch bền vững.

Canh tác tập trung giúp người dân thuận lợi trong việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa vào sản xuất

Để tiếp tục nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP, ông Doãn Gia Lộc, Trưởng Phòng Nông nghiệp – PTNT huyện cho biết: Trong những năm tiếp theo, địa phương sẽ tăng cường các biện pháp quản lý, ứng dụng khoa học công nghệ, triển khai tốt Đề án xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể lúa gạo Krông Nô. Đồng thời, địa phương cũng tạo điều kiện cho các đại lý, doanh nghiệp triển khai chuỗi cửa hàng cung cấp các sản phẩm lúa gạo sạch, đặc sản của huyện.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
"Cánh đồng VietGAP" ở Buôn Choáh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO