Cảnh giác với sâu bệnh vụ đông xuân

Văn Tâm| 02/01/2020 08:38

Theo nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương, vụ đông xuân 2019 – 2020 dễ xảy ra nguy cơ thiếu nước và dịch bệnh phát sinh. Do vậy, nông dân cần phải cảnh giác cao trước những bất lợi trong suốt mùa vụ.

ADQuảng cáo

Theo Chi Cục Phát triển nông nghiệp, Sở Nông nghiệp – PTNT, vụ đông xuân năm 2019 – 2020, toàn tỉnh sản xuất khoảng 9.908 ha cây trồng các loại. Trong đó, lúa: 4.498 ha; ngô: 2.705 ha; khoai lang: 1.249 ha; còn lại là đậu các loại và rau. Ðến nay, các địa phương đã xuống giống được trên 200 ha lúa nước và một số diện tích ngô, rau xanh... Trong những ngày qua, tại hầu hết các địa phương trong tỉnh, thời tiết khá thuận lợi nên bà con đã đẩy nhanh tiến độ làm đất, xuống giống các loại cây trồng.

Hiện nay, diện tích lúa gieo sạ trà đầu ở các địa phương đang giai đoạn bén rễ, phát triển lá. Do đó, khi gặp thời tiết nắng ấm sẽ là điều kiện thuận lợi cho một số loại sâu hại trên lúa phát sinh, gây hại. Các loại sâu, dịch bệnh dễ phát triển ở giai đoạn này như: Bọ trĩ, sâu cuốn lá, rầy các loại, đạo ôn lá...

Nông dân xã Ðắk D’rô (Krông Nô) tập trung ra đồng chăm sóc lúa.

Theo dự báo của Chi Cục Phát triển nông nghiệp, trong thời gian tới, khi cây lúa càng phát triển thì các loại sâu bệnh hại sẽ gia tăng mật độ, tỷ lệ gây hại trên đồng ruộng tăng cao. Bà Lê Thị Thảo, ở thôn Nam Nghĩa, xã Nam Ðà (Krông Nô), cho biết: “Gia đình tôi làm ruộng đã nhiều năm nay, cứ vào đầu vụ là tôi xem kỹ lịch thời vụ rồi mới tiến hành vệ sinh đồng ruộng, cày xới và xuống giống. Bám lịch thời vụ là để căn thời tiết thuận lợi, phòng tránh các loài vật phá hoại cây trồng như chuột, bọ, chim chóc...”.

ADQuảng cáo

Còn gia đình ông Nguyễn Văn Hồng, ở xã Nâm N’đir (Krông Nô), vụ đông xuân này đã xuống giống trên 4 sào lúa nước. Thời gian này, ông thường xuyên ra thăm đồng để theo dõi kỹ ruộng lúa đang bén rễ. Ông Hồng cho hay: Thời điểm lúa mới gieo sạ rất dễ bị chim chóc, chuột cắn phá nên tôi phải thăm nom thường xuyên. Tôi dùng các loại chế phẩm sinh học kích thích phát triển rễ, lá để giúp lúa tăng tính chống chịu với ngoại cảnh và sâu bệnh. Tuy nhiên, qua tìm hiểu tại một số địa bàn, bà con còn dùng những giống lúa có nguy cơ nhiễm rầy cao đã được ngành chuyên môn khuyến cáo. Do đó, nếu bà con không áp dụng triệt để các biện pháp phòng trừ, đến giai đoạn làm đòng, trổ bông, gặp thời tiết nắng ấm, nguồn thức ăn thích hợp, rầy có thể phát sinh và gây hại là rất cao.

Nông dân xã Đắk D’rô (Krông Nô) tập trung ra đồng chăm sóc lúa

Theo ông Nguyễn Thiện Chân, Phó Chi Cục trưởng Chi Cục Phát triển nông thôn, đối với các đối tượng rầy nâu, rầy lưng trắng, rầy xanh đuôi đen là tác nhân truyền bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá trên lúa. Chính vì vậy, bà con cần thường xuyên thăm đồng, thực hiện tốt việc theo dõi, phát hiện sớm và có biện pháp phòng trừ kịp thời. Nếu rầy xuất hiện với mật độ cao (750 – 1.500 con/m2 trở lên), cần phải tiến hành phun thuốc phòng trừ và tốt nhất là phun khi rầy nở rộ ở tuổi 1 – 3 ngày. Việc phun thuốc phải đúng kỹ thuật, nhất là phun sát gốc lúa vì đó là nơi rầy sinh sống. Nếu không phun được sát gốc thì cần cho nước dâng cao để rầy di chuyển lên trên để dễ xử lý hơn.

Ðối với những ruộng lúa bị ngộ độc phèn, ngộ độc hữu cơ cần có biện pháp rửa phèn, làm cỏ, sục bùn, bón vôi, lân… tuyệt đối không bón phân đạm. Những loại ruộng lúa này cần sử dụng các loại phân bón lá chứa hàm lượng lân, kali cao như: K humat, KH… để bón. Khi lúa xanh trở lại thì tiếp tục bón phân, chăm sóc bình thường.

Cũng theo ông Chân, ngoài cây lúa, vụ đông xuân cũng là điều kiện thuận lợi để các loại sâu hại phát triển trên một số loại cây trồng khác. Trong đó, trên cây ngô, cần theo dõi sâu xám, sâu keo mùa thu, mối, kiến… Ngoài ra, nông dân cũng cần chủ động phòng trừ sâu bệnh như: Rệp sáp, tuyến trùng, bọ xít trên cây tiêu, rầy, rệp, rỉ sắt, đốm mắt cua và một số bệnh phổ biến trên cây rau màu… Ðể tăng tính hiệu quả phòng trừ sâu bệnh, bà con nông dân cần tuân thủ các biện pháp theo hướng dẫn của ngành chuyên môn và cán bộ kỹ thuật phụ trách địa bàn để vụ đông xuân đạt kết quả cao.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cảnh giác với sâu bệnh vụ đông xuân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO