“Cánh tay nối dài” của Ngân hàng Chính sách Xã hội

Nguyễn Lương| 20/12/2016 09:33

Tổ TK&VV thôn 3, xã Nhân Đạo (huyện Đắk R’lấp, tỉnh Đắk Nông) là một trong những đơn vị hoạt động rất hiệu quả trong nhiều năm qua. Toàn tổ hiện có gần 60 thành viên, với dư nợ hơn 1,8 tỷ đồng.

ADQuảng cáo

Nguồn vốn vay từ Phòng Giao dịch NHCSXH huyện được bà con sử dụng hiệu quả nên nhiều năm liền trong tổ không có nợ quá hạn, lãi tồn đọng.

Chia sẻ về kinh nghiệm quản lý tổ, ông Nguyễn Văn Chôm, Tổ trưởng Tổ TK&VV thôn 3 cho biết: “Trong các buổi sinh hoạt định kỳ, Ban Quản lý Tổ thông báo đến thành viên số tiền có thể cho vay từng đợt, nhắc nhở, đôn đốc các hộ vay trả nợ. Trước mỗi đợt giải ngân, Tổ luôn tổ chức họp, bình xét dân chủ, công khai, đúng đối tượng. Việc hướng dẫn các hộ vay làm thủ tục đúng quy định cũng được tổ chú trọng”.

Là một thành viên trong tổ được tiếp cận nguồn vốn theo chương trình thoát nghèo từ NHCSXH huyện để đầu tư phát triển kinh tế, ông Lê Văn Chấn chia sẻ: “Nhờ có Tổ TK&VV hướng dẫn nên việc làm hồ sơ, nhận vốn đối với tôi đơn giản hơn nhiều. Sau khi nhận vốn, gia đình tôi còn được tổ hướng dẫn sử dụng vốn hiệu quả. Đến ngày trả lãi hằng tháng, Ban Quản lý Tổ đến trực tiếp nhắc nhở trước mấy ngày nên gia đình luôn chủ động được số tiền để nộp đúng thời gian quy định”.

Cũng là một trong những “cầu nối” hoạt động khá hiệu quả, những năm qua, Tổ TK&VV buôn Trum, xã Tâm Thắng (Chư Jút) luôn là “điểm tựa” của nhiều thành viên. Theo ông Y Sinh, Tổ trưởng Tổ TK&VV buôn Trum, hiện tại, tổ có hơn 40 thành viên, với dư nợ hơn 800 tỷ đồng. Để nâng cao hoạt động hằng năm, tổ chọn những mô hình làm ăn đạt hiệu quả cao để định hướng cho các hội viên khác làm theo.

Để bảo đảm nguồn vốn cho vay sử dụng đúng mục đích, hằng tháng, Ban Quản lý Tổ đã trực tiếp đi kiểm tra đối với các hộ vay, từ đó, kịp thời báo cáo những trường hợp sử dụng sai mục đích vốn. Nhờ đó, nguồn vốn ủy thác tại buôn luôn được sử dụng đúng mục đích, góp phần tạo động lực cho nhiều thành viên thoát nghèo và vươn lên làm giàu chính đáng.

ADQuảng cáo

Các thành viên trong Ban Quản lý Tổ TK&VV buôn Trum, xã Tâm Thắng (Chư Jút) trao đổi nghiệp vụ với cán bộ Phòng Giao dịch NHCSXH huyện

Ông Mai Văn Nam, Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH Chư Jút cho biết: “Hệ thống tổ TK&VV ở cơ sở là “cầu nối” không thể thiếu giữa NHCSXH và người dân. Nhờ quá trình hoạt động khá hiệu quả của hơn 200 tổ TK&VV ở cơ sở, tất cả các khâu từ bình xét, giải ngân, sử dụng vốn, thu lãi hằng tháng, thu gốc tại địa phương… đều được thực hiện suôn sẻ”.

Theo Chi nhánh NHCSXH tỉnh, hiện nay, việc đánh giá các tổ được thực hiện trên phần mềm máy tính tự động theo một thang điểm có sẵn trên cơ sở hoạt động thu nợ, thu lãi, cho vay, thu tiết kiệm… Với cách làm này, đơn vị đã đánh giá chất lượng, xếp loại tổ chính xác, công bằng và thực chất hơn. Sau mỗi lần xếp loại, số tổ hoạt động trung bình, yếu, tổ chưa đủ số thành viên theo quy định cũng được Chi nhánh triển khai tập huấn, kiện toàn kịp thời.

Đặc biệt, đơn vị còn tiến hành cấp sổ họp giao ban cho các tổ TK&VV với nhiều nội dung được in sẵn như kết quả hoạt động của tổ, tồn tại, khó khăn, chính sách, nghiệp vụ mới… Với cuốn sổ này, các tổ trưởng không còn lúng túng trong việc ghi chép cuộc họp như trước, mà còn phục vụ tốt hơn cho công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách mới, cũng như triển khai nhiệm vụ thu nợ, thu lãi tháng tiếp theo.

Trên 68% tổ TK&VV được xếp loại tốt

Ông Đào Thái Hòa, Giám đốc Chi nhánh NHCSXH tỉnh nhận xét: Hiện tại, các tổ chức hội, đoàn thể trên địa bàn tỉnh nhận ủy thác quản lý hơn 1.475 tổ, với gần 62.800 hộ vay vốn; trong đó, có hơn 1.000 tổ TK&VV được xếp loại tốt, chiếm trên 68%.

Số lượng tổ TK&VV xếp loại tốt luôn gia tăng hằng năm. Việc quản lý chặt nguồn vốn của các tổ TK&VV đã góp phần quan trọng cho Chi nhánh NHCSXH hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, cũng như đẩy mạnh chương trình xóa đói giảm nghèo của tỉnh.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Cánh tay nối dài” của Ngân hàng Chính sách Xã hội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO